Theo các chuyên gia, việc người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là thực trạng đáng lo ngại, nguy cơ tiềm ẩn đối với hệ thống an sinh xã hội.
Nỗi lo “mất của để dành”
Theo ông Đào Duy Hiện - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, số người lao động hưởng BHXH một lần tiếp tục gia tăng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 686.000 người hưởng các chế độ BHXH một lần, tăng hơn 3% so với cùng kỳ. Trong đó, có 595.000 người hưởng BHXH một lần, tăng 3,7%. Đa số người lao động ngừng đóng BHXH sau một năm, chiếm khoảng 98%.
Theo đánh giá của cơ quan BHXH, người lao động rút BHXH một lần tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước, do tính chất công việc, các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư FDI, đối tượng lao động chịu áp lực công việc, nhảy việc… "Nhóm tuổi chủ yếu từ 20 đến dưới 40 tuổi, chiếm 78%. Nguyên do là tâm lý người lao động trẻ tuổi cho rằng nhu cầu trước mắt quan trọng hơn so với việc đóng BHXH đủ thời gian để được hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, trong độ tuổi này mức lương làm việc tại các DN chưa cao, vì vậy nhiều người có nhu cầu về tài chính sẽ hưởng BHXH một lần" - ông Hiện nêu rõ.
Những tháng đầu năm 2024, dù số người rút BHXH một lần có giảm so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên theo ông Phạm Minh Thành - Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai với việc người lao động ồ ạt rút BHXH một lần là thực trạng đáng lo ngại, vì không những dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn đối với hệ thống an sinh xã hội về bảo đảm tính bền vững, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi lâu dài của người lao động, trở thành gánh nặng an sinh cho xã hội, gia đình và chính bản thân người lao động.
Dẫn chứng, ông Thành cho biết, rất nhiều người trong số họ có cuộc sống khó khăn do không có lương hưu, nên muốn trả lại Nhà nước số tiền đã nhận để tiếp tục làm việc và đóng BHXH, với mong muốn được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không cho phép thực hiện việc này. Đây là bài học và cũng là minh chứng rõ nhất cho các hệ lụy của người lao động khi hưởng BHXH một lần.
Theo đại diện BHXH tỉnh Đồng Nai, có nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng số người hưởng BHXH một lần. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn về tài chính. Đặc biệt, trong giai đoạn 2020 - 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động của DN gặp nhiều khó khăn, người lao động mất việc làm. Sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động chưa tìm được việc làm mới, do vậy hưởng BHXH một lần để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Mặt khác, do quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con” và thói quen về lối sống vùng miền như thói quen tích lũy và ít có thói quen tích lũy.
Do vậy, khi bị mất việc làm, người lao động tại khu vực phía Nam không có tiền để trang trải cuộc sống và có xu hướng mong muốn nhận tiền BHXH một lần. Cùng với đó, một số người lao động còn e ngại chính sách BHXH thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi và do tâm lý lao động trẻ cho rằng nhu cầu trước mắt quan trọng hơn so với việc đóng BHXH đủ thời gian để được hưởng lương hưu nên đã hưởng BHXH một lần.
Thu hẹp nhóm đối tượng được rút BHXH một lần
Nhiều chuyên gia phân tích, thực tế khi rút BHXH một lần, người lao động "mất nhiều hơn được". Khi rút một cục, họ sẽ có một khoản tiền để chi tiêu giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng khoản tiền này sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Về lâu dài người rút BHXH một lần sẽ bị hạn chế rất nhiều quyền lợi.
Khi không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, người rút BHXH một lần mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu.
Trước Luật BHXH (sửa đổi) quy định: Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (tức là trước ngày 1/7/2025), đã chấm dứt tham gia BHXH, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, và có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần. Như vậy, những người tham gia đóng BHXH sau ngày 1/7/2025 sẽ không được hưởng BHXH một lần, trừ trường hợp đặc biệt.
Cùng với việc thu hẹp nhóm đối tượng được rút BHXH một lần như vậy, luật cũng đã thiết kế nhiều quyền lợi kèm theo nhằm giữ người lao động ở lại với BHXH như: được ngân sách đóng bảo hiểm y tế, được điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng như lương hưu, được hưởng trợ cấp mai táng…
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH, BHXH TPHCM, cho biết: Nếu tham gia BHXH tới khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, người lao động sẽ có ba quyền lợi. Một là, được nhận lương hưu hàng tháng và định kỳ, lương hưu sẽ được điều chỉnh tăng để bảo đảm đời sống. Hai là, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với mức hưởng 95% (trong khi mức hưởng của người mua bảo hiểm y tế hộ gia đình chỉ là 80%). Ba là, trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu chết thì thân nhân của họ sẽ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm: trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người hưởng lương hưu chết; trợ cấp tuất hàng tháng (mức trợ cấp bằng 50% hoặc 70% mức lương cơ sở); hoặc trợ cấp tuất một lần.