Mở cửa, thị trường thực phẩm trong nước đang đón nhận ngày càng nhiều lượng thịt ngoại nhập. Số liệu thống kê cho biết, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây (2013 – 2016), sản lượng thịt của châu Âu nhập về Việt Nam đã tăng đến 7,5 lần. Là một nước nông nghiệp làm chủ đạo, con số nói trên thực sự đáng lo đối với ngành chăn nuôi nước nhà.
Thịt bò ngoại ngày càng gia tăng tại hệ thống các siêu thị.
Khảo sát tại hệ thống các siêu thị lớn như Big C, Co.op Mart, Lotte Mart… dễ dàng nhận thấy, lượng thịt gà, thịt bò ngoại nhập được bày bán tràn lan.
Theo nhận định của nhiều người tiêu dùng, giá thịt ngoại nhập như bò Mỹ, bò Úc không cao hơn so với thịt bò Việt mà về độ an toàn vệ sinh thực phẩm thì yên tâm, do đó, việc lựa chọn thịt ngoại để sử dụng của nhiều người tiêu dùng có lẽ là xu hướng chung hiện nay.
Xu hướng và thói quen của người tiêu dùng hiện nay khiến cho thị trường thực phẩm trong nước có nhiều thay đổi rõ nét. Nguồn cung thịt ngoại ngày càng gia tăng theo nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo số liệu từ Ủy ban châu Âu trong những năm gần đây, tổng sản lượng và giá trị xuất khẩu thịt từ Liên minh châu Âu (EU) sang Việt Nam tăng liên tục.
Nếu như năm 2013, giá trị xuất khẩu là 7,369 triệu Euro, năm 2014, đạt 15,7 triệu thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên gấp rưỡi so với 2014, và gấp trên 3 lần so với 2013, ở mức 23,3 triệu Euro. Dự kiến năm 2016 phía Việt Nam sẽ nhập khoảng 25 triệu Euro thực phẩm thịt từ châu Âu phục vụ nhu cầu thị trường trong nước.
Về số DN được cấp phép xuất khẩu thịt vào thị trường Việt Nam hiện nay, cơ quan chức năng cho hay, hiện nay có tới trên 100 DN từ EU được cấp phép nhập khẩu thịt vào Việt Nam, riêng Ba Lan, có 40 DN. Thịt đùi, xương ống heo là những sản phẩm Việt Nam nhập chủ yếu từ Ba Lan.
Một số quốc gia khác có thế mạnh về xuất khẩu thịt như Nga, cũng đang ngấp nghé xuất khẩu một lượng lớn thịt bò vào Việt Nam. Những diễn biến nói trên đang tạo ra sức ép rất lớn cho ngành chăn nuôi nước nhà. Bởi, đây mới chỉ là thời điểm “dạo đầu” của việc thực hiện các cam kết FTA.
Một vài năm nữa, khi chúng ta mở cửa hoàn toàn, nhiều dòng thuế chỉ còn 0%, thịt ngoại sẽ như một cơn bão đổ ập vào thị trường trong nước, khi đó, nguy cơ các DN ngành chăn nuôi, các nhà sản xuất chìm trong cơn bão đó nếu bây giờ không có sự chuẩn bị và nỗ lực để thay đổi một cách kiên quyết.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Hoàng Triều, chuyên gia lĩnh vực chăn nuôi cho biết: Thế mạnh về công nghệ là lý do khiến các sản phẩm thịt ngoại nhập chiếm ưu thế về giá, họ có giá cạnh tranh hơn hẳn so với giá thành sản phẩm trong nước. Điều này, đối với các DN Việt sẽ là rào cản rất lớn, vì chúng ta đi sau họ quá xa về công nghệ.
Theo nhận định của giới chuyên gia ngành nông nghiệp, hiện giá thành sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam cao hơn hẳn so với giá sản phẩm chăn nuôi ngoại nhập, trong khi đó chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm kém... là những lý do khiến cho thịt nội đang bị lép vế hơn thịt ngoại ngay tại thị trường trong nước. Để khắc phục những nhược điểm này, các chuyên gia cho rằng, ngành chăn nuôi phải gấp rút đẩy nhanh tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển bền vững và gia tăng giá trị.
Theo TS. Đoàn Xuân Trúc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, các DN ngành chăn nuôi cần tận dụng trước mọi lợi thế do các cam kết xóa bỏ thuế quan để nhập khẩu các loại con giống chất lượng cao từ EU. Bên cạnh đó, các DN và nhà sản xuất phải đẩy mạnh mối liên kết để tạo một dây chuyền sản xuất theo chuỗi, khép kín vừa giúp giảm chi phí trong sản xuất vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như vậy mới có thể cạnh tranh được với thịt ngoại trong thời gian tới.