Lo sinh kế sau tái định cư

Mạnh Thìn 20/04/2023 06:38

Không có việc làm hoặc công việc không ổn định; đã an cư nhưng lại chưa thể lạc nghiệp. Đó là thực tế mà người dân sau khi chuyển về khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã và đang phải đối mặt gần 2 năm nay.

Những căn nhà cao tầng hoành tráng được người dân xây dựng tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn nhưng hàng quán ở đây lại vắng khách. Ảnh: Mạnh Thìn.

Hàng quán ế ẩm

Những ngày giữa tháng 4, chúng tôi có dịp ghé vào khu tái định cư (TĐC) Lộc An – Bình Sơn để ghi nhận về đời sống của nhân dân sau khi được di dời về đây.

Chỉ những dãy nhà to khang trang của người dân khu TĐC, ông Nguyễn Văn Thành, người dân ở khu TĐC cho biết: “Nhìn đẹp vậy thôi nhưng nhiều nhà đang lo thất nghiệp”. Gia đình ông Thành là một trong những hộ đầu tiên về khu tái định cư này. Gia đình ông được cấp một lô đất có diện tích 125m2. “Nhà tôi có 4 người, hai cháu đang đi học. Trước ở kia có ruộng vườn, vợ chồng còn có cái làm ăn, giờ ra đây chưa có việc làm nên cũng thấy lo lắng” - ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, lúc mới về đây, thấy nhà nào cũng mở hàng quán nên tin tưởng sẽ sớm ổn định cuộc sống. Nhưng nay ế ẩm đến mức hàng quán giờ mở ra rồi ngồi “nhìn nhau” vì không biết bán cho ai. Nhiều người đã dẹp quán vì không có khách.

Còn ông Vũ Đặng Ngọc Tú, ở đường D22 cho biết, từ Tết đến giờ buôn bán ế ẩm. “Cả hai vợ chồng đều ngoài 50 tuổi, ra đây khi xin việc ở công ty họ không nhận vì lớn tuổi, nên mở quán nước mía bán kiếm sống qua ngày. Ngày chỉ bán được khoảng hơn 10 ly nước” - ông Tú than thở.

Ông Thành, ông Tú là 2 trong số hàng nghìn người dân về khu TĐC sinh sống đang loay hoay tìm việc làm ổn định, phù hợp. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó việc chậm thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, kinh doanh cho các hộ dân khi di dời được cho là một trong những nguyên nhân chính.

Bà Trần Thị Na (trước đây ở ấp 11, xã Bình Sơn) cho hay, trước đây hai vợ chồng có việc làm ổn định, từ lúc về khu TĐC thì chưa xin được việc. “Nơi làm cũ xa nơi ở mới, đất đai trong đó thì đã bị thu hồi để làm dự án. Đất TĐC cũng chưa được cấp. Mà ở đây không có đất đai để canh tác, làm nông nghiệp. Giờ tôi phải mở hàng rau củ quả để có kế sinh nhai” - bà Na nói.

Tương tự bà Na, nhiều người dân ở đây đều trăn trở về sinh kế sau khi đến khu TĐC. Đa số người dân ở khu TĐC trước đây đều làm nông nghiệp, vì vậy, việc tiếp cận các công việc khác cũng khó khăn.

Người dân mưu sinh bằng cách bán hàng rong.

Sớm lo sinh kế cho người dân

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay những người từ 40 tuổi trở lên ở khu TĐC khó xin việc làm. Gần như các công ty đều hạn chế tuyển người lớn tuổi. Trong khi các doanh nghiệp nằm trong Khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn (đối diện khu TĐC) cũng chỉ đáp ứng được một phần công việc cho cư dân ở đây. Một số doanh nghiệp còn phải cắt giảm nhân lực do không có đơn hàng khiến tình trạng thất nghiệp tăng.

Nhiều người dân tại khu TĐC thắc mắc chưa thấy chính quyền thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, kinh doanh cho các hộ dân khi di dời. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh, xây chợ, và các thiết chế xã hội khác để đảm bảo cho sinh kế ổn định cũng chưa được thực thi...

Có thể nói, vấn đề sinh kế của người dân khu TĐC cần sớm được giải quyết. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh trong cuộc tiếp xúc với người dân khu TĐC Lộc An – Bình Sơn cũng khẳng định: “Cái gì làm được ngay cho dân thì nên làm sớm. Đặc biệt là sinh kế của người dân, nếu có thiếu sót phải lắng nghe, giải thích kỹ càng với người dân, mục đích cuối cùng để khu TĐC trở thành nơi đáng sống và sân bay Long Thành là niềm tự hào của nhân dân Đồng Nai”.

Liên quan đến vấn đề sinh kế của người dân khu TĐC, Sở Lao động Thương binh- Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, đã triển khai cho người dân đăng ký học nghề, tuy nhiên phần lớn người trong độ tuổi lao động ở đây đều đã có các công việc khác, chỉ có vài chục người đăng ký học nghề ở nhiều nhóm nghề khác nhau nên việc đào tạo nghề chưa thể triển khai được.

Còn Phó Chủ tịch xã Lộc An, ông Lý Minh Long cho hay, mới đây, xã cũng đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh- Xã hội tỉnh Đồng Nai và cơ quan chức năng huyện Long Thành tổ chức chương trình cho bà con nhân dân ở khu TĐC đăng ký học nghề. “Địa phương cũng rất trăn trở về vấn đề việc làm cho người dân khu TĐC. Tổ chức hội nghị có khoảng 370 người đến tham dự, tuy nhiên số người dân đăng ký học nghề không nhiều, có thể do bà con đang phân vân về việc chọn nghề”- ông Long nói.

Lãnh đạo Lộc An cho biết, trong ngày 27/4 tới, xã và Phòng Nông nghiệp huyện dự kiến tổ chức hội nghị hướng dẫn bà con mô hình trồng rau ăn lá dạng nhà tháp để kinh doanh sản xuất, hy vọng người dân sẽ đăng ký tham gia nhiều hơn vì mô hình này khá gần gũi với người làm nông nghiệp, phù hợp với sinh kế của người dân trước đây.

Để thực hiện siêu dự án sân bay Long Thành, hơn 5.000 hộ dân trong vùng ảnh hưởng đã phải di dời về nơi ở mới. Tính đến đầu tháng 4/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã xét duyệt TĐC cho hơn 4.000 hộ, trong số đó có hơn 3.900 hộ đã phê duyệt, hơn 700 hộ không đủ điều kiện. Hiện nay, có hơn 1.500 căn nhà đã và đang xây dựng tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cùng với đó là hàng nghìn nhân khẩu về đây sinh sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo sinh kế sau tái định cư