Loại bỏ văn mẫu

Lâm An 21/12/2022 08:09

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM yêu cầu các trường tiểu học không được soạn đề cương, bài mẫu cho học sinh học thuộc lòng để làm bài kiểm tra cuối học kỳ đang là chủ đề thảo luận sôi nổi của phụ huynh, giáo viên trên mạng xã hội.

Cụ thể, theo thông báo hướng dẫn công tác tổ chức kiểm tra định kỳ cuối học kỳ 1 cấp tiểu học năm học 2022-2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, việc tổ chức ôn tập ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà với học sinh học 2 buổi/ngày; không soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc học sinh làm, học thuộc lòng bài mẫu. Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh cách tự học, ôn tập.

Đây được coi là điểm mới trong việc dạy và học của thầy và trò bởi từ trước đến nay, không riêng ở TPHCM mà trên khắp cả nước, trước mỗi kỳ kiểm tra, kỳ thi quan trọng, việc ra đề cương ôn tập, cô giáo chữa, học sinh học thuộc đã trở thành thông lệ. Căn cứ theo chương trình dạy học và mục tiêu kiểm tra, giáo viên từng lớp hoặc giáo viên các khối lớp sẽ soạn bộ đề ôn tập riêng cho học sinh trong lớp hoặc cho cả khối để học sinh ôn tập. Với nhiều trường, đây chính là “giới hạn” kiểm tra, học sinh cứ học đầy đủ, cẩn thận bộ đề cương này là nắm chắc điểm giỏi trong tay vì đề thi hầu như không nằm ngoài bộ đề cương ôn tập này.

Vì thế, khi TPHCM bỏ đề cương ôn tập, nhiều phụ huynh “rối bời” vì không biết kiến thức kiểm tra sẽ nằm ở phần nào, phạm vi ôn tập ra sao. Chị Nguyễn Phương Thanh, có con đang học tiểu học ở quận 2 cho hay, với môn Toán con đang học cộng trừ trong phạm vi 10 nên chị không quá lo lắng, có cơ sở để dạy con. Nhưng với các môn khác thì “không biết đường nào mà dạy”.

“Trưởng ban đại diện phụ huynh trong lớp có hỏi giáo viên chủ nhiệm nhưng cô khẳng định là nội dung kiểm tra học kỳ 1 sẽ nhẹ nhàng, không đánh đố học sinh, phụ huynh cứ cho con ôn theo sách giáo khoa là được. Tuy nhiên, tôi và một số phụ huynh khác vẫn rất lo lắng nên quyết định đi xin lại đề cương của các năm học trước để có cơ sở dạy con” - chị Thanh nói.

Nháo nhào tìm tài liệu ôn tập trên mạng hay tìm đến các nhà sách để mua các bộ đề kiểm tra, ôn tập cuối kỳ 1 đang là câu chuyện thực tế của nhiều phụ huynh với mong muốn giúp con ôn tập để kiểm tra đạt kết quả cao nhất.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh khác lại bày tỏ sự đồng tình với việc bỏ đề cương, văn mẫu này. Anh Huỳnh Văn Phát, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TPHCM) cho rằng, con lớn của anh trước đây, cứ đến kỳ thi là ôm hàng tập đề cương học thuộc, cô giáo đề nghị bố mẹ phối hợp kiểm tra phần học thuộc của con ở nhà. “Bài văn con viết, cô sửa, có 3 hoặc 4 đề. Con học thuộc mai đi thi chỉ việc chép ra, tôi thấy không giúp ích gì cho sự sáng tạo của con” - anh Phát bày tỏ.

Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Học tập là một quá trình. Không nên chờ đến lúc thi hay kiểm tra mới học, ôn tập mà ngay từ đầu năm học, phụ huynh cần nhắc nhở, động viên và đồng hành cùng con trong việc học. Đặc biệt là với các lớp học ở trường công, học sinh đông, giáo viên không thể quán xuyến được tất cả nên ngoài việc hướng dẫn của giáo viên trên lớp, phụ huynh cũng cần quan tâm đến con khi ở nhà” - ông Nhĩ nói và cho rằng không nên quá nặng nề chuyện điểm số.

Đồng thời, về phía ngành giáo dục cũng cần chú ý trong việc ra đề kiểm tra, linh hoạt trong việc đánh giá học sinh, đúng với mục tiêu “đánh giá sự tiến bộ của học sinh”. Có như vậy, học sinh, phụ huynh mới vững tâm ôn tập để chuẩn bị không chỉ cho kỳ kiểm tra mà còn vì nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng của học sinh. Học không phải chỉ để đi thi chính là như thế.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, hiện nay ngành giáo dục đang quyết liệt loại bỏ văn mẫu, học thực chất, thi thực chất nên việc bỏ đề cương ôn tập với khối tiểu học là hợp lý. Phụ huynh không nên cuống cuồng tìm kiếm đề cương trên mạng để ôn tập vì chưa biết độ tin cậy đến đâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loại bỏ văn mẫu