Nắm bắt xu hướng xanh trong các công trình xây dựng, nhất là chung cư cao tầng, các chủ đầu tư khi quảng bá dự án của mình thường “gắn mác xanh”. Tuy nhiên, đến quý 3/2020, số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 155 công trình.
Chỉ cần search google cụm từ “chung cư xanh”, chỉ trong vòng cả triệu kết quả kết quả liên quan, trong đó nhiều đường link giới thiệu về các dự án công trình xanh.
Khảo sát khu vực Hà Đông, trong vai một khách hàng tìm hiểu về dự án chung cư xanh, khi vào một đường link quảng cáo về dự án chung cư được quảng bá là sống xanh, ngay lập tức những lời quảng cáo “có cánh” kiểu: “Dự án được thiết kế với không gian xanh 4 lớp chiếm tới hơn 60% diện tích dự án. Đây là mật độ xây dựng khá thấp mà chủ đầu tư đã ưu ái dành khoảng không lớn đem lại không gian sống thoáng đãng, trong lành cho cư dân....”.
Một đường link khác khi giới thiệu về Chung cư Xanh 349 Vũ Tông Phan cũng có đoạn: “Tọa lạc bên dòng sông Tô Lịch cổ kính hiền hòa, xung quanh có nhiều hồ nước tự nhiên rất mát mẻ. Bản thân vị trí nó đã nói lên sự thanh bình mà hiếm nơi nào ở Thủ Đô phồn hoa có được. Cây xanh dược bố trí cả 3 chiều không gian tạo nên một ốc đảo...”.
Đây chỉ hai trong hàng nghìn dự án được quảng bá là công trình xanh, chưa kể những dự án nghỉ dưỡng như resort, condotel trải dài khắp từ Bắc tới Nam.
Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), đến quý III năm 2020, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 155 công trình, một con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Lý giải việc công trình xanh vẫn còn khiêm tốn, tổ chức này cho rằng, một trong những vấn đề đặt ra là khi xây dựng một công trình xanh, doanh nghiệp sẽ phải đội thêm thêm 10 - 15% tổng kinh phí xây dựng.
Nhận xét về việc quá nhiều dự án xây dựng tại Việt Nam gắn mác công trình xanh, KTS Trần Thành Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững, cho rằng, thời điểm này, khái niệm công trình xanh mang tính chất thương mại nhiều hơn.
“Trong các văn bản chính thức của Việt Nam, theo tôi thấy, chúng ta không sử dụng cụm từ này, bởi nó dễ gây nhầm lẫn trong xã hội. Công trình xanh dễ bị hiểu lầm sang công trình đơn thuần là trồng nhiều cây xanh hay sơn màu xanh… Tại Pháp, họ dùng khái niệm công trình sinh thái (bâtiment écologique), phát triển bền vững để chỉ tới công trình thân thiện môi trường thay cho công trình xanh”, KTS Vũ nói.
“Công trình xanh ở Việt Nam bị lạm dụng để bán hàng nhiều hơn là thực hành sự bền vững trong suốt quá trình từ khởi động dự án, thiết kế, vận hành cho tới kết thúc vòng đời công trình.”, ông Vũ cho hay.