Bên cạnh việc tồn tại những con đường, tuyến hẻm siêu xuyệt/sẹc, TPHCM còn có hàng trăm tuyến đường đang được đưa vào diện buộc phải sửa lại hoặc đổi tên gọi. Vì sao vậy?
Bất cập đường “trùng tên, sai tên”
Ghi nhận tại quận 11 cho thấy tồn tại hai tuyến đường cùng tên gọi Nguyễn Thị Nhỏ, một đường ở phường 15 và đường còn lại ở phường 16. Tương tự, việc nhiều quận cùng có một tên đường giống nhau phát sinh rất nhiều, như đường Phan Văn Trị (quận 5 và Gò Vấp); đường Trần Hưng Đạo có ở cả 3 quận, là quận 1, quận 5 và quận Tân Phú; đường Hoàng Hoa Thám ở quận Tân Bình và Bình Thạnh;…
Về việc đặt trùng tên đường là một chuyện, ThS Nguyễn Công Hoài Lương, người dày công nghiên cứu về lịch sử tên đường Sài Gòn - TPHCM cho biết, một số tên đường đã trở nên gần gũi với người dân thành phố hiện nay nhưng cũng ít có người am hiểu hoặc biết rằng tên đường đã bị đặt sai tên của một nhân vật lịch sử - văn hóa.
Đó là trường hợp đường Ngô Thời Nhiệm ở quận 3 đã bị đặt biển tên đường sai. “Tên đúng phải là Ngô Thì Nhậm. Đây mới là nhân vật lịch sử, một danh sĩ, nhà văn đời hậu Lê - Tây Sơn” – ThS Hoài Lương cho biết.
Theo tìm hiểu của PV Báo Đại Đoàn Kết, việc một số quận của TPHCM bị đặt trùng một tên đường hoặc một tên đường nhưng có ở nhiều quận, huyện đã được chính quyền khảo sát, lập thành đề án “Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TPHCM - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020”. Sau khi đề án này hoàn thành, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã lấy ý kiến tham vấn, phản biện, hiến kế từ Hội Khoa học lịch sử thành phố; xin ý kiến về 38 tên đường đặt không chính xác.
Về đề án này, ông Huỳnh Hồ Lê, 43 tuổi, ở quận 1 (TPHCM) cho biết, gia đình ông có thời điểm ở đường Trần Khắc Chân, đã nghe người dân kiến nghị nhiều lần về việc tên đường này bị viết sai. Tên chính xác của nhân vật lịch sử phải là Trần Khát Chân. “Trần Khát Chân là một danh tướng có công dẹp giặc Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi đã được lịch sử nước nhà ghi công và lưu vào sử sách. Việc UBND TPHCM vừa qua đưa các tên đường được đặt chưa chính xác để cập nhật và sửa lại là rất cần thiết” - ông Lê nêu ý kiến.
Xung quanh các bất cập liên quan đến đặt tên đường, TS Trương Hoàng Trương - Trưởng khoa Đô thị học tại Đại học KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) lý giải, việc đô thị TPHCM có mạng lưới chằng chịt, kèm theo tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo hệ thống những tên đường cả do nhà nước quản lý, cả do yếu tố lịch sử để lại và nhiều đường cũng đã xất hiện từ sự phát triển của giai đoạn đô thị hiện đại gần đây. Trong khi đó, đại diện Sở Văn hóa thể thao TPHCM cho biết, hiện Sở này đã và đang phối hợp với các quận, huyện và TP Thủ Đức, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc bổ sung địa danh, tên nhân vật lịch sử, tên mẹ Việt Nam Anh hùng... vào ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn để phục vụ cho quá trình cập nhật và đặt tên đường của TPHCM sắp tới.
Thận trọng chọn giải pháp
Theo ước tính, hiện có khoảng hơn 2.000 đường trên địa bàn TPHCM được đặt tên, cho thấy một phần hệ thống tên đường rất phức tạp của đô thị này. Trong đó, tại khu vực trung tâm TPHCM dù tên đường có tính ổn định hơn nhưng vẫn còn tình trạng sai tên, trùng tên.
Liên quan đến đề án đang được Sở Văn hóa thể thao TPHCM xin ý kiến, TS Trương Hoàng Trương cho rằng, việc thay đổi tên đường cho chính xác là cần thiết nhưng phải được tính toán cẩn trọng, bởi vì việc thay đổi có thể sẽ dẫn đến xáo trộn lớn cho cuộc sống người dân trong việc xác nhận cư trú hoặc chuyển nhượng nhà ở...
Ông Trương hiến kế: “Thành phố và các quận, huyện có liên quan đến tên đường cần đặt, đổi nên phối hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân liên quan đến các giấy tờ, thủ tục, hồ sơ hành chính. Chẳng hạn, thành phố cần cập nhật trên hệ thống quản lý để khi đó sẽ xác định được các thay đổi mới nhất, tạo thuận lợi để người dân đối chiếu và thực hiện các hồ sơ, giao dịch hành chính”.
Cũng cho rằng cần phải rất thận trọng khi đưa ra giải pháp thay đổi cùng một lúc 38 tên đường (đang được Sở Văn hóa thể thao TPHCM lấy ý kiến), KTS Nguyễn Văn Biểu - Giám đốc Công ty TNHH Bhomes (huyện Nhà Bè, TPHCM) cho rằng, TPHCM rất thuận lợi khi đã triển khai kho dữ liệu dùng chung. Việc cập nhật, sửa đổi nên được thực hiện đi trước một bước trên hệ thống dữ liệu của các sở, ban, ngành, quận, huyện để khi triển khai đổi tên đường thì tổ chức, người dân có thể thuận lợi cho quá trình khai báo cư trú, tạm trú, thường trú, cũng như thực hiện các đăng ký kinh doanh, giao dịch, chuyển nhượng mua bán nhà ở được thuận lợi.
“Chúng ta đều biết những tên đường không có ý nghĩa về lịch sử văn hoá là do yếu tố lịch sử, bởi ban đầu chưa có tên nên người dân tự đặt cho tiện liên lạc, trao đổi thông tin và dần dần thành quen. Vì vậy, đến nay khi TPHCM có điều kiện để sửa chữa, cập nhật lại là điều cần thiết để tri ân, tôn vinh đúng với nhân vật lịch sử. Quá trình này cần thận trọng và chu đáo, nhằm tránh các xáo trộn không đáng có đối với cuộc sống người dân” - ông Biểu nêu ý kiến.
Đối với thực trạng chung về tồn tại việc trùng/sai tên đường hoặc nhà, hẻm siêu xuyệt/sẹc, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TPHCM đề xuất giải pháp, việc thận trọng lấy ý kiến các địa phương, ý kiến của người dân là cần thiết và thành phố cũng cần phải có Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, hẻm phố và các công trình công cộng trên địa bàn để có phương án cập nhật cũng như điều chỉnh tên đường thống nhất và phù hợp. Mục tiêu là hạn chế mức thấp các ảnh hưởng (có thể dự báo) đối với đời sống sinh hoạt và thực hiện hồ sơ, giấy tờ hành chính.
“Những tên đường không có ý nghĩa về lịch sử văn hoá là do yếu tố lịch sử, bởi ban đầu chưa có tên nên người dân tự đặt cho tiện liên lạc, trao đổi thông tin và dần dần thành quen đến ngày nay. Vì vậy, đến nay khi TPHCM có điều kiện để sửa chữa, cập nhật lại là điều cần thiết để tri ân, tôn vinh đúng với nhân vật lịch sử. Quá trình này cần thận trọng và chu đáo, nhằm tránh các xáo trộn không đáng có đối với cuộc sống người dân” – KTS Nguyễn Văn Biểu.
Nhiều tuyến đường sai tên nhân vật lịch sử
Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết, qua thống kê có 311 đường trùng tên với 132 tên đường; 38 tên đường đặt không chính xác tên nhân vật lịch sử hoặc địa danh,…Trong đó, thành phố còn 5 tuyến đường gắn bảng sai tên nhân vật lịch sử so với quyết định của UBND TPHCM, bao gồm các đường: Bùi Hữu Diện (tên chuẩn là Bùi Hữu Diên), Đoàn Minh Triết (Đoàn Triết Minh), Đỗ Quang Cơ (Đỗ Cơ Quang), Nguyễn Chánh Sắc (Nguyễn Chánh Sắt), Nguyễn Trọng Trí (Nguyễn Trọng Trì). Bên cạnh đó, có 6 đường sai do quyết định của UBND thành phố, sai họ tên nhân vật lịch sử gồm: Dương Tự Quán (tên đúng là Dương Tụ Quán); Phan Khiêm Ích (Phạm Khiêm Ích); Lê Đình Quản (Nguyễn Đình Quản); Hoàng Xuân Hoành (Hoàng Xuân Hành); Phạm Thị Hối (Phan Thị Hối) và Raymondienne (Raymonde Dien).