Loanh quanh trên phố Hàng Bạc

BẢO ANH 08/09/2023 09:16

Hàng Bạc là một trong những con phố lâu đời bậc nhất đất Thăng Long - Hà Nội. Ngày nay, Hàng Bạc vẫn giữ được những nét cổ kính lâu đời đúng chất “phố Hàng”.

Rạp Chuông Vàng trên phố Hàng Bạc.

1.Nói Hàng Bạc lâu đời vào loại bậc nhất là bởi căn cứ vào tấm bia đặt tại đình Dũng Hãn (ở số nhà 42) thì phố Hàng Bạc được thành lập vào thời nhà Lê hoặc sớm hơn một chút. Lúc đó, Hàng Bạc thuộc về phường Đông Các, huyện Thọ Xương. Sang đến thời Nguyễn, đất Hàng Bạc thuộc thôn Dũng Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Vào thời Pháp thuộc cuối thế kỷ 19 phố có tên tiếng Pháp là “Rue des Changeurs” (Phố những người đổi bạc). Từ năm 1945 phố được đổi tên thành Hàng Bạc.

Phố Hàng Bạc gắn với nghề làm kim hoàn. Cũng giống như rất nhiều nghề truyền thống khác ở đất Thăng Long - Kẻ Chợ, nghề kim hoàn nơi đây cũng do những người từ vùng khác mang đến và phát triển. Theo những cụ cao niên trên phố kể lại, gốc tích nghề bạc của phố Hàng Bạc ở làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Có tài liệu ghi lại dưới triều vua Lê Thánh Tông (thế kỷ 15), quan Thượng thư bộ lại Lưu Xuân Tín (người làng Châu Khê) được triều đình giao việc thành lập một xưởng đúc bạc nén (đơn vị tiền tệ dùng để trao đổi lấy hàng hóa) ở kinh thành Thăng Long. Trường đúc ở số nhà 58 Hàng Bạc. Có hai nơi là chỗ tiếp các quan trên đến giao bạc để đúc và nhận bạc nén, đó là Trương Đình (đình trên) nay là số nhà 58 Hàng Bạc và Kim Ngân đình (đình dưới) nay ở số nhà 42.

Đến đầu thế kỷ 19, khi triều Nguyễn đặt kinh thành ở Huế có mang theo theo cả xưởng đúc bạc nén vào trong đó. Trường đúc bạc không còn nhưng người Hàng Bạc vẫn còn giữ nghề đổi bạc. Khi người Pháp chiếm Hà Nội, đã gọi phố này là “Rue des Changeurs”. Những người thợ Châu Khê ở lại Thăng Long thành lập phường thợ tại phố Hàng Bạc. Bên cạnh đó, phố cũng có thêm những thợ vàng bạc ở Ðịnh Công và Ðồng Tâm tới lập nghiệp nên vẫn là một phố nghề nức tiếng trong 36 phố phường.

Ít người biết phố Hàng Bạc là nơi cất tiếng khóc chào đời của các nhà văn, nhà thơ: Vũ Trọng Phụng, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên. Một nhân vật đình đám khác - Ký Con Đoàn Trần Nghiệp, một yếu nhân Việt Nam Quốc dân Đảng cũng có gia đình ở số nhà 36 phố Hàng Bạc.

2.Ngày nay phố Hàng Bạc thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, cách Hồ Gươm chưa đến nửa cây số. Phố nhỏ, chỉ dài khoảng 500 mét, nhưng có đến gần trăm cửa hàng lớn nhỏ làm nghề chế tác kim hoàn và bán đồ mỹ nghệ vàng bạc. Đầu phía Tây của phố Hàng Bạc là ngã tư giáp với các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bồ; đầu phố phía Đông giáp phố Trần Quang Khải và bờ đê sông Hồng.

Lần nào từ Hàng Ngang - Hàng Đào rẽ vào Hàng Bạc, tôi cũng thấy cảnh tấp nập của con phố này. Không hẳn bởi có quá nhiều khách đến mua bạc, đồ nữ trang hay sửa những món đồ đắt tiền tại các hiệu bạc nổi danh trên phố. Mà bởi, Hàng Bạc ngày nay còn là địa chỉ của nhiều quán xá, từ các cửa hàng bánh kẹo cho tới các hãng du lịch lữ hành… Chưa kể thi thoảng lại một đoàn xích lô chở khách nước ngoài đi thăm các phố cổ nên qua Hàng Bạc lúc nào cũng có cảm giác chen chúc.

Phố Hàng Bạc bây giờ vẫn có nhiều cửa hàng với tủ kính sáng choang rực rỡ đèn điện lẫn ánh vàng bạc trang sức lấp lánh. Dù ở Hà Nội không thiếu những cửa hàng như thế nhưng rất nhiều người theo thói quen vẫn muốn đến đây để chọn mua những món đồ bạc làm trang sức hoặc tặng trẻ em.

Nằm trong khu vực đông khách du lịch nước ngoài đến lưu trú, người dân Hàng Bạc cũng thức thời, mở ra dịch vụ giặt là quần áo, cho thuê xe máy để du khách có thể lòng vòng ngắm nghía phố phường hoặc tranh thủ “phượt” các địa danh ngoại thành.

Đình Kim Ngân vẫn lung linh đèn nến trong những sự kiện văn hóa mang tính bảo tồn, phát huy giá trị của phố cổ Hà Nội. Còn những ai nuôi trẻ nhỏ, chắc hẳn vẫn luôn có “địa chỉ ruột” là thuốc cam Hàng Bạc nổi tiếng từ thuở xa xưa. Bây giờ, nghe nói thuốc cam đã được sản xuất công nghiệp với cả nhà máy ở tận Hưng Yên, song, đi trên phố Hàng Bạc ngày nay, người ta vẫn chú ý đến cửa hàng cũ kỹ, màu sơn vàng bàng bạc, ngoài cửa trưng bày một chiếc tủ kính cũng khá sơ sài nhưng bên trong nổi bật mô hình con hươu vàng chân duỗi chân cong đáng yêu quen thuộc như “con hươu - cây thông” trong ký ức.

3.Trong khi đó, ký ức của rất nhiều người Hà Nội và cả những vùng lân cận, phố Hàng Bạc - rạp Chuông Vàng là những cái tên chỉ nhắc đến đã thấy xôn xao, rực rỡ ánh đèn và những âm thanh sân khấu náo nhiệt. Mẹ chồng tôi kể: Quãng những năm 50 của thế kỷ trước, bà theo bạn đi buôn cau từ Thạch Thất ra Hà Nội, dù muộn đến đâu cũng phải cố chen chân vào rạp Chuông Vàng để xem cho bằng được các tích "Tần Hương Liên", "Lan và Điệp"... Sách báo thời đó cũng ghi lại các nhà văn, nhà thơ thường hay nhắc đến rạp Chuông Vàng như một địa chỉ rất đỗi thân quen của người Hà Nội.

Không ai còn nhớ được đích xác rạp được xây dựng khi nào và trải qua nhiều đời chủ. Nhưng, phải đến khi một gánh cải lương tiến bộ mang tên Tố Như (lấy tên theo bút danh của đại thi hào Nguyễn Du) do một số trí thức như Lê Hứa, cha con Trần Viết Hinh - Trần Viết Long… tập trung một số anh em nghệ sĩ tại Gia Hương Canh lập ra vào ngày 17/5/1941 thì rạp mới bắt đầu nổi tiếng. Ban ngày người Tàu chiếu phim, ban tối, Tố Như kéo khán giả tới rạp bằng những vở mang lòng yêu nước thầm kín của hai soạn giả Sĩ Tiến và Phan Ngọc Khôi như: "Lục Vân Tiên", "Hai Bà Trưng", "Phan Đình Phùng"… ngay giữa lòng "chính phủ bảo hộ”.

Trong những ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, bất chấp lũ quan Nhật đang ngồi dưới xem hát, đội tuyên truyền cho phối hợp cùng một số anh em trong đoàn cho cắt cầu dao điện, nhảy lên sân khấu hô hào quần chúng ủng hộ Việt Minh rồi thoát ra cửa sổ phố Tạ Hiện. Tại cuộc diễu hành của Thủ đô vào ngày 17/8/1945, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên công khai xuất hiện tại Hà Nội. Người cầm cờ dẫn đầu đoàn người chính là cụ Sĩ Hùng của đoàn Tố Như. Đến những ngày toàn quốc kháng chiến 12/1946, vợ chồng nghệ sĩ Sĩ Hùng - Tường Vi lại trở thành những chiến sĩ quyết tử liên khu 1 thuộc Trung đoàn Thủ đô, những người ngày 14/1/1947 đã thề “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” ngay chính tại rạp Tố Như. Tới đây cái tên Tố Như coi như đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình còn rạp hát 72 Hàng Bạc đã trở thành địa danh “sống mãi với Thủ đô”.

Năm 1951, bà Kim Chung cùng chồng là ông Trần Viết Long chính thức mua lại rạp hát từ tay một chủ người Hoa tên là Chí, lập ra đoàn cải lương Kim Chung, đổi tên rạp thành Văn Lang. Thời gian này sân khấu cải lương ở vào giai đoạn hưng thịnh. Các nghệ sĩ hồi đó chỉ cần vào vai phụ thôi cũng đủ nuôi sống cả gia đình.

Sau khi ký Hiệp định Genève 1954, bà Kim Chung đi vào miền Nam bán lại rạp cho một chủ người Hoa. Rồi rạp thuộc quyền quản lý của Sở Văn hóa Hà Nội và mang cái tên Chuông Vàng cho tới ngày nay. Năm 1993 Nhà hát Cải lương Hà Nội được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai đoàn Chuông Vàng và Kim Phụng, “đóng quân” tại chính rạp Chuông Vàng. Tuy vậy, cùng với sự lên ngôi của băng đĩa và ngày nay là sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, Chuông Vàng đã không còn được hưng thịnh như trước song nó vẫn giữ vị trí đặc biệt trong trái tim của khán giả Thủ đô một thời.

Không ít người ngậm ngùi khi đi qua rạp Chuông Vàng vang bóng một thời thấy những cửa hàng băng đĩa che kín mặt tiền, chỉ còn chữ Chuông Vàng lấp lánh trên vòm cửa cao cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loanh quanh trên phố Hàng Bạc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO