Văn hóa

Loay hoay bản quyền âm nhạc

An Hà 08/12/2023 08:07

Hội thảo bản quyền âm nhạc, do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tổ chức tại TPHCM, đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có việc “bán đứt” tác phẩm.

anh-bai-tren(1).jpg
Các diễn giả chia sẻ về bảo vệ bản quyền trong âm nhạc. Ảnh: VCPMC.

Đây là lần thứ 2, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) phối hợp với Công ty Meta thực hiện chương trình, nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả - quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng, đặc biệt là trên nền tảng kỹ thuật số.

Nhiều ý kiến tại hội thảo đã làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến tác phẩm và bản quyền tác giả âm nhạc; đặc biệt là việc “bán đứt” tác phẩm - ý nghĩa của việc bán đứt tác phẩm và những rủi ro tiềm ẩn từ việc bán đứt tác phẩm đến quyền lợi của nhạc sĩ, chủ sở hữu quyền tác giả.

Ông Benjamin NG - Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương - CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc) cho rằng: Sự phổ biến của các điều khoản “bán đứt”, đặc biệt là ở các quốc gia cho phép cơ chế "tác phẩm theo đơn đặt hàng" như ở Mỹ, đặt ra những thách thức đối với người sáng tạo. Còn theo quan điểm chung thì cơ chế “bán đứt” sẽ ảnh hưởng đến nhiều hình thức khai thác khác nhau như truyền hình, quảng cáo, video game và ghi âm âm nhạc.

Theo ông Benjamin NG, một số vùng lãnh thổ, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), có các quy định chống “bán đứt”, nhưng thường được tránh né qua những rủi ro pháp lý hoặc việc không thực hiện. Người sáng tạo nên thương lượng hợp đồng cẩn thận, xem xét thời gian, phạm vi và bồi thường cho công việc của họ. Các nỗ lực hợp tác trên phạm vi toàn cầu có thể thiết lập các tiêu chuẩn bảo vệ quyền của người sáng tạo trên toàn cầu. Đồng thời tăng cường nhận thức đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người sáng tạo điều hướng các điều khoản hợp đồng một cách hiệu quả và bảo vệ quyền lợi của họ.

Trong khi đó, ông Jason Foulkes - Trưởng phòng Phát triển kinh doanh âm nhạc khu vực châu Á Thái Bình dương (Công ty Meta) nhấn mạnh đến việc tối ưu hóa nguồn thu cũng như đảm bảo quyền và lợi ích của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thì các nhạc sĩ nên đăng ký bản quyền với một đơn vị, cụ thể là VCPMC để đảm bảo tính minh bạch cũng như để tối ưu hóa được dữ liệu và nguồn thu của mình.

Ông Đinh Trung Cẩn - Tổng giám đốc VCPMC cho rằng, trong xu hướng phát triển công nghệ số hiện nay, âm nhạc có vai trò quan trọng không chỉ trong đời sống, xã hội ở mỗi quốc gia, mà còn phát triển rất mạnh mẽ và nhanh chóng trong môi trường và không gian kỹ thuật số rộng rãi trên toàn cầu. Điều này đã có tác động lan tỏa đến sự phát triển ngành công nghiệp âm nhạc; đồng thời sự ra đời và hoạt động của nhiều nền tảng ứng dụng, mạng xã hội (trong đó có mạng Facebook) đã thực sự mang tới một sự cộng hưởng không thể thiếu để âm nhạc được lan tỏa hơn, thúc đẩy sức sáng tạo dồi dào hơn, quyền thụ hưởng của công chúng cũng đạt được hiệu quả hơn bao giờ hết do ưu thế tương tác và kết nối của mạng xã hội.

Ông Cần cũng cho rằng, tối ưu hóa hiệu quả khai thác bản quyền và nội dung âm nhạc sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đem lại lợi ích kinh tế cho các bên liên quan trong mối quan hệ cộng hưởng.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc không ký hợp đồng bản quyền,vi phạm bản quyền vẫn diễn ra. Bất kỳ một chương trình nào nếu có nhạc (có lời hay không có lời) đơn vị phụ trách sự kiện đều phải nộp bản quyền. Nhiều khi bản thân các nhạc sĩ cũng không biết tác phẩm của mình đã được vang lên ở đâu, khi nào. Còn người yêu nhạc muốn biết tác phẩm mình thích là do ai sáng tác thì đành phải tra Google!

Hẳn nhiều người chưa quên tối 5/6, TP Đà Nẵng bắn pháo hoa cùng nhiều chương trình nghệ thuật khắp thành phố trong đó có bên sông Hàn. Tại đêm diễn “Giai điệu quê hương”, với hơn mười tiết mục ở nhiều loại hình nghệ thuật như múa, hát, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ, nhưng không tiết mục nào giới thiệu tên nhạc sĩ sáng tác. Trong đó có hai tác phẩm rất quen thuộc trong tiết mục viết cho đàn T’rưng “Cô gái Tây Nguyên” trên cơ sở giai điệu bài hát “Cô gái vót chông” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp và tiết mục viết cho đàn nhị “Kể chuyện ngày mùa” của nhạc sĩ Thao Giang.

Có thể người xem sẽ “rộng lượng” bỏ qua sự “quên” giới thiệu tên của tác giả - nhạc sĩ. Nhưng sáng tạo âm nhạc không thể là vô danh, khuyết danh, mà là tâm lực của nhạc sĩ.

Điều này còn rõ hơn trên không gian mạng. Rất nhiều bài “hít”, có khi tới vài chục triệu view, nhưng chỉ có tên ca sĩ, còn bài đó của ai viết thì không thấy nói . Trong trường hợp này ca sĩ “hưởng” cả, còn “cha đẻ của ca khúc” thì vô danh.

Điều đó không chỉ là vi phạm bản quyền mà còn là thiếu văn hóa trong một môi trường rất cần đến văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay bản quyền âm nhạc