Tuần đầu của tháng 2 đã đi qua. Câu chuyện năm nay lựa chọn kênh đầu tư nào hiệu quả vẫn tiếp tục. Năm 2023 được kỳ vọng sẽ có những chính sách tích cực giúp phục hồi kinh tế, do đó cơ hội đầu tư cũng sáng lên. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhà đầu tư vẫn loay hoay không biết chọn kênh nào.
Nhiều người cho rằng gửi tiết kiệm là kênh đầu tư an toàn và sinh lời nhất hiện nay, khi mà lãi suất nhiều ngân hàng đã vượt 10%/năm. Giới tài chính ngân hàng cho rằng, lãi suất vẫn duy trì mặt bằng cao đến giữa năm. Theo PGS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), trong bối cảnh nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên đến 9%, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng là kênh khả quan nhất và mang tính an toàn cao.
Trong khi đó, vàng cũng coi là kênh đầu tư tốt. Trước và sau ngày vía Thần tài năm nay, giá mua vào - bán ra dao động mạnh nhưng cũng không vì thế mà khiến nhà đầu tư nản lòng. Nếu như tuần đầu năm mới 2022, giá vàng xoay quanh mức 63 triệu đồng/lượng thì cho tới đầu tháng 2 vọt lên 68 triệu đồng/lượng. Cho dù rung lắc mạnh nhưng giá vàng trong nước của cả năm 2022 vẫn tăng 5,74% so với năm trước. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, 2023 là năm thị trường vàng có thể sẽ đón “sóng” khi lãi suất ngân hàng chững lại rồi giảm, thị trường tài chính biến động mạnh. Ông Thịnh cũng cho rằng, trong năm 2023, so với các kênh đầu tư khác, tỉ suất sinh lời của vàng không quá lớn, nhưng vẫn tiếp tục là kênh được nhiều nhà đầu tư Việt Nam quan tâm do tình hình lạm phát. Nhà đầu tư lưu ý không nên “đu đỉnh” hay “bắt đáy” giá vàng, bởi nhà có thể “bắt dao rơi” do có những thời điểm nhạy cảm giá vàng sẽ “nhảy múa” theo giờ, khó đoán định. Nếu không cẩn trọng, nhà đầu tư khó có thể thấy lãi ở kênh này.
TS Cấn Văn Lực (BIDV) cũng cho rằng, với thị trường vàng hiện nay, nếu đầu tư ngắn hạn, lướt sóng sẽ gặp nhiều rủi ro, do giá vàng trong nước và quốc tế không liên thông, dẫn đến chênh lệch giá hơn chục triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, nếu đầu tư vào vàng như một kênh tích lũy dài hạn thì vẫn có thể chấp nhận được.
Bất động sản được coi là kênh đầu tư khó đoán nhất. Ở thời điểm hiện tại, thị trường này “ngủ đông” dưới tác động của nhiều yếu tố, trong đó có chính sách thắt chặt tín dụng. Tháng 1/2023, tỷ lệ hấp thụ giảm mạnh, trung bình chỉ đạt 43%. Theo giới chuyên gia, năm nay thị trường bất động sản thích hợp để đầu tư dài hạn, đặc biệt không nên “lướt sóng” kiếm lợi.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, lãi suất, lạm phát tăng đã khiến thanh khoản bất động sản giảm và tâm lý thị trường bị xáo trộn. Điều hoang mang nhất là người mua khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, trong các kênh đầu tư hiện tại bất động sản vẫn được “gọi tên” là nơi trú ẩn của dòng tiền nhàn rỗi. Còn TS Bùi Kiến Thành cho rằng bất động sản vẫn là kênh đầu tư “đáng quan tâm” trong năm 2023 khi kênh chứng khoán chỉ dành cho những nhà đầu tư có kiến thức tài chính. Ông Thành cũng lưu ý, nhà đầu tư nên tìm đến sản phẩm bất động sản có giá trị thực hơn, như nhà phố, hạ tầng khu công nghiệp, nhà xưởng kho bãi, nhà cho chuyên gia, công nhân và cuối cùng là chung cư.
Năm 2022, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, khi chỉ số VN-Index giảm hơn 34% so với hồi đầu năm. Ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AZfin Việt Nam, dự báo trong năm 2023, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều yếu tố khó lường. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Việc kiểm soát tốt lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế sẽ là điểm sáng để Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các khó khăn về thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế cũng đang được Chính phủ và các Bộ ngành liên quan tập trung giải quyết.
“Vì thế, có thể định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức hấp dẫn nhất so với các nước trong khu vực. Tôi tin thị trường chứng khoán hút dòng tiền hơn trong thời gian tới” - ông Phục nói.
Tuy nhiên, ông Phan Mạnh Hà - Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT vẫn khuyến cáo nhà đầu tư chứng khoán trong năm 2023 cần tỉnh táo. Việc thị trường hồi phục trong hơn một tháng qua chưa bền vững.
Trở lại với câu hỏi: Năm 2023 nên chọn kênh đầu tư nào? Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều biến số khó lường, giới chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên đa dạng hóa kênh đầu tư. Đồng thời, cần hết sức bình tĩnh khi ra quyết định đầu tư, tránh dựa vào tin đồn thất thiệt, tâm lý đám đông mà cần kiểm chứng, nắm bắt sát tình hình và triển vọng, các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, thị trường... trong quá trình đầu tư.
Tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư tốt nhất
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, ít nhất là đến hết quý I/2023. Bởi lẽ, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) hơn 8%, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) kiểm soát dưới 4% trong năm 2022, trong khi lãi suất huy động có ngân hàng lên hơn 10% (bao gồm lãi suất ưu đãi), người gửi tiết kiệm vẫn có lãi thực dương. Bước sang năm 2023, dù điều kiện kinh tế vĩ mô dự báo nhiều thách thức, song GDP khả năng vẫn tăng trưởng khả quan, đạt mức 6,5% và mục tiêu lạm phát dưới 4,5%. Mặt khác, dù vừa rồi các ngân hàng thương mại đồng loạt cam kết giảm lãi suất huy động xuống dưới 9,5%/năm, song lộ trình thực hiện giảm lãi suất vẫn sẽ cần thêm thời gian, nhất là khi thanh khoản một số ngân hàng nhỏ còn gặp khó khăn. Do đó, ở thời điểm này tiết kiệm là kênh đầu tư hấp dẫn nhất.