Ngày 27/4, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT chính thức nộp phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH 2021. Dù được chuẩn bị tâm thế từ lâu, nhưng đến thời điểm “chốt” nguyện vọng xét tuyển ĐH, nhiều phụ huynh và thí sinh vẫn loay hoay trước việc chọn trường hay chọn ngành?
Băn khoăn của học sinh, phụ huynh
Năm nay, sự xuất hiện của nhiều ngành, nghề mới cùng với nhu cầu xã hội với các ngành nghề thay đổi khiến chuyện chọn trường, ngành học nào cho phù hợp trở thành nỗi băn khoăn của hầu hết học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ngày 27/4 là thí sinh chính thức đăng ký dự thi và xét tuyển, nhưng chị Quỳnh Anh (quận Đống Đa – Hà Nội) cho biết, gia đình mình vẫn đau đầu về chuyện chọn ngành hay chọn trường cho con trai. Cháu chỉ thích học ngành Kế toán ứng dụng của Trường ĐH Hà Nội vì cho rằng bằng tốt nghiệp là do ĐH Oxford Brookes (do Anh Quốc cấp) sau này rất dễ xin việc. Còn nếu không đỗ ngành Kế toán thì học một ngành nào đó mà được trường ĐH nước ngoài cấp bằng để sau này có nhiều cơ hội việc làm hơn.
“Tôi khuyên cháu đăng ký đúng ngành kế toán mình thích, ngoài ĐH Hà Nội có thể là ĐH Thương mại, Học viện Tài chính hay Học viện Ngân hàng…. Còn các chứng chỉ ngoại ngữ có thể bổ sung thêm sau khi đỗ ĐH. Thế nhưng hai mẹ con vẫn chưa đi đến thống nhất”, chị Quỳnh Anh nói.
Trên một số diễn đàn giáo dục, các bậc phụ huynh cũng chia sẻ sự bối rối trước việc chọn trường có tiếng hay chọn ngành mà con thích? Nhiều phụ huynh lại cho rằng, chọn ngành nghề cần xem thị trường. Thế nhưng lập tức có người “phản biện” nếu chỉ chọn nghề theo thị trường thì nguy cơ thất nghiệp cũng rất cao bởi nhiều người cùng lao vào một ngành học “hot”, sau 4 năm học cung sẽ vượt cầu với những con số khủng khiếp.
Tranh luận, nhiều bậc phụ huynh chia sẻ việc chọn trường, chọn ngành vẫn rối như tơ vò. Một số người có kinh nghiệm cho rằng, trước đó con họ không xác định rõ mình muốn làm ngành nghề nào mà chỉ xem xét đến việc muốn học trường nào khiến sau khi ra trường phải làm trái ngành, trái nghề, làm được vài năm thì bỏ dở vì công việc không đúng với sở trường, đam mê.
Chọn đúng ngành nghề yêu thích
Từ kinh nghiệm thực tế giảng dạy, một số thầy cô đã đưa ra lời khuyên, việc đầu tiên các em phải hiểu bản thân mình thích gì? Đam mê gì? Bản thân mình phù hợp với ngành gì rồi hãy đăng ký. Sau khi chọn được ngành học yêu thích bắt đầu chọn trường, trường nào đào tạo ngành này? Trường nào có mức điểm phù hợp bản thân? Trường nào đào tạo trội hơn về lĩnh vực các em chọn…
Thầy Trịnh Văn Toàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Điện lực khuyên các em nên chọn trường, chọn ngành cho phù hợp với khả năng của mình. Nếu chọn vào trường có điểm đầu vào quá cao trong khi chưa tự tin vào sức học của mình sẽ dẫn đến rủi ro là không vào được ngành mình yêu thích, mà như thế sẽ khó có động lực để học tập trong suốt 4 năm học.
Trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 tại Quảng Trị, một học sinh Trường THPT Chế Lan Viên cho biết mình thích ngành Báo chí và dự định đăng ký vào một trường ĐH có chuyên ngành này. Tuy nhiên, học sinh này lo ngại liệu khi không đậu ĐH ngành báo chí thì nên học CĐ báo chí hay chọn ĐH nhưng khác ngành?
Và chia sẻ của thầy Nguyễn Công Hào, ĐH Huế đã nhận được rất nhiều hưởng ứng của các học sinh khi khuyên: “Đừng vì rớt ĐH ngành báo chí mà chuyển ngành mà mình không đam mê. Đã đam mê thì phải đeo đuổi đến cùng. Đừng quá quan tâm ĐH, CĐ hay trung cấp, mà phải chọn đúng ngành nghề mình yêu thích. Chỉ có lựa chọn đúng đắn và phù hợp mới mở ra được con đường lập thân, lập nghiệp sau này cho mình”.
Trong nhiều buổi nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm với học sinh, sinh viên tại Hà Nội, TS Lê Thẩm Dương cũng cho rằng, từ trước đến nay, phần lớn học sinh ở đều có xu hướng chọn trường trước rồi mới chọn ngành nghề sau. Tuy nhiên, theo TS Dương điều đó dẫn đến nhiều trở ngại trong quá trình học tập, uổng phí thời gian, chi phí và công sức học hành.
TS Lê Thẩm Dương đã khuyên các bạn trẻ nên xác định theo vòng tròn hướng nghiệp: Nghề- ngành -trường, tức chọn ngành, nghề trước rồi mới chọn trường sau. Bởi khi đã có bước khởi đầu đúng đắn thì quá trình học tập, làm nghề cũng sẽ có thuận lợi hơn.
“Đã đam mê thì phải đeo đuổi đến cùng. Đừng quá quan tâm ĐH, CĐ hay trung cấp, mà phải chọn đúng ngành nghề mình yêu thích. Chỉ có lựa chọn đúng đắn và phù hợp mới mở ra được con đường lập thân, lập nghiệp sau này cho mình”, thầy Nguyễn Công Hào, ĐH Huế chia sẻ.