Loay hoay tìm nguồn vay lãi suất thấp

PV 28/08/2023 08:30

Phát biểu kết luận tại hội thảo tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp (DN), do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết bên cạnh một số lãi suất được NHNN quy định mức lãi suất trần, còn lại các ngân hàng thương mại được tự chủ về mặt lãi suất theo cơ chế thị trường.

Vẫn khó kéo giảm lãi suất ở các ngân hàng thương mại.

Đáng chú ý hơn khi ông Tú giãi bày: "Đêm qua tôi nhắn tin cho chủ tịch của 2 ngân hàng thương mại cổ phần lớn, người ta cứ nói mãi rằng muốn vay lãi suất thấp thì lên tivi mà vay. Sau đó hai vị chủ tịch ngân hàng đều hứa sẽ rà soát lại”.

Như vậy là việc vay vốn lãi suất thấp đối với DN vẫn khó như... lên trời. Người ta thường nói ngân hàng và DN là mối quan hệ cộng sinh, nghe thì biết vậy nhưng thực tế không đơn giản vì ngân hàng cũng là DN, phải lo bảo tồn vốn, an toàn hệ thống và kiếm lãi. Vì vậy, đôi khi khái niệm đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với cộng đồng bị lu mờ.

Vậy, các ngân hàng thương mại làm gì để có thể giảm lãi suất cho DN vay? Theo Phó Thống đốc NHNN thì ngân hàng thương mại cần cắt giảm nhiều chi phí, từ đó có thể giảm lãi suất cho vay bởi đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá đầu vào của DN. Trong bối cảnh DN rất khó khăn nhiều ý kiến cho là đã đến lúc các ngân hàng phải chia sẻ, một cách thực chất.

Bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng là đương nhiên, nhưng vay được nguồn vốn lãi suất thấp cũng là “sự sống còn”của nhiều DN trong bối cảnh hiện nay. Cộng đồng DN đang cần được tiếp sức.

Tại Báo cáo gửi tới phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá khả năng chống chịu của một bộ phận DN, nhất là quy mô vừa và nhỏ đã tới hạn (quá sức chịu đựng) trước những khó khăn kinh tế. Đó là: 7 tháng có hơn 66.810 DN tạm ngừng kinh doanh (tăng 19,3%); hơn 36.000 DN chờ làm thủ tục giải thể (tăng 27,9%) và hơn 10.410 DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 0,6%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm nay cả nước có 113.300 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra bình quân mỗi tháng có 16.200 DN đóng cửa, một con số kỷ lục từ trước đến nay. Trong khi đó, không những DN nhỏ và vừa mà ngay những DN lớn cũng “khóc ròng” với gánh nặng tài chính, lãi suất vay cao đã bào mòn và “ăn hết” lợi nhuận làm ra.

Theo TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, để ngăn chặn lượng DN rời thị trường và hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế thì yêu cầu rất cấp bách là chính sách cần tiếp tục giảm lãi suất và cung cấp tín dụng cho DN. Nhưng, tiếp cận nguồn vốn vay luôn là thách thức của các DN nhỏ và vừa.

Ông Doanh cũng cho rằng trong bối cảnh tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay thì DN rất cần tiếp tục hạ lãi suất vì lãi suất hiện nay vẫn cao so với năng lực hoạt động kinh doanh của hầu hết DN.

Về phía DN, nhiều ý kiến cho rằng cùng với giảm lãi suất vay, giảm 2% mức thuế suất giá trị gia tăng (VAT) thì cúng rất cần được sự ủng hộ của ngân hàng bằng cách giữ nguyên nhóm nợ, giãn nợ, gia hạn nợ để DN có cơ hội vay vốn, quay trở lại kinh doanh khi tình hình tốt lên. Gia hạn nợ là điều kiện để hỗ trợ việc giải ngân tiếp theo cho các doanh nghiệp có nguồn tiền để chi trả lương cho người lao động, cầm cự trong giai đoạn khó khăn và chờ kinh tế phục hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay tìm nguồn vay lãi suất thấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO