Loay hoay với hàng tồn kho

An Bình 28/06/2023 07:00

Thời điểm này, khó khăn vẫn chưa hết đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN). Trong khi “khát vốn” thì DN vẫn phải chịu cảnh lãi suất cao, chưa giảm được như kỳ vọng. Ở khía cạnh tiêu dùng, người dân đang thắt chặt chi tiêu, khiến cho vòng quay của sản phẩm hàng hóa đầu vào - đầu ra không mấy suôn sẻ. Từ đó dẫn đến lượng hàng tồn kho của cộng đồng DN tăng cao. Khảo sát của Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) cho hay, có tới 41,2% DN được hỏi cho biết đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp. Hàng tồn kho gia tăng đồng nghĩa với tình trạng đọng vốn vào hàng hoá khiến DN không có tiền mặt để xoay trở.

Đứng trước lượng hàng tồn kho cồng kềnh, nhiều DN đang tìm cách biến hàng tồn kho thành tiền, đồng thời vẫn phải sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng để duy trì việc làm cho người lao động.

Trong khi lượng đơn hàng nhận được quá ít, các DN buộc phải gia tăng việc xuất hàng bị động, thông qua các giải pháp bán hàng qua mạng theo mô hình kéo khách hàng về nhà máy. Một số chủ DN cho biết, để có thể giải quyết lượng hàng tồn kho, DN đang phải tăng cường bán hàng qua hệ thống truyền thông, internet. Tuy nhiên, lượng hàng bán ra cũng rất nhỏ giọt, chỉ có thể coi là giải pháp tạm thời.

Trong bối cảnh đói vốn, lượng hàng tồn cao, nhiều DN đã phải vay nóng thậm chí từ nguồn tín dụng đen miễn sao là vay được tiền để cầm cự qua cơn khó khăn. Giới chuyên gia nhận định, cách làm này sẽ làm tình hình khó càng thêm khó, vì thế DN cần thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp, kể cả giảm dưới giá thành để bán được hàng, thu hồi vốn, duy trì và điều chỉnh sản xuất thời gian tới.

Nhà quản lý đã và đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ cộng đồng DN, một trong số đó phải kể đến động thái giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT). Nhiều ý kiến nhận định, giảm Thuế VAT là giải pháp hết sức ý nghĩa. Khi giảm loại thuế này, mặt bằng giá cả của hầu hết các loại hàng hóa sẽ được kéo giảm. Giá hàng hóa giảm sẽ kích thích tiêu dùng. Người dân có cơ hội để chi tiêu. Khi đó, guồng quay hàng hóa đầu vào – đầu ra sẽ thông. Lúc đó DN sẽ có cơ hội để giải tỏa hàng tồn kho.

Tất nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước với việc giảm thuế và thông qua các gói tín dụng, DN cũng rất cần các chiến lược truyền thông, giảm giá, kích thích thị trường… Bởi bối cảnh xuất khẩu khó khăn nếu không có động thái thúc đẩy thị trường, DN sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do tồn kho cũng như gặp khó khăn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay với hàng tồn kho