Lợi bất cập hại

Hoàng Minh 13/09/2017 10:35

Gặp mặt báo chí tại Hà Nội mới đây, nhạc sĩ Phó Đức Phương- Giám đốc Trung tâm Bảo về quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, sau một thời gian tạm dừng, VCPMC sẽ tiếp tục triển khai thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc thông qua các kênh truyền hình được truyền dẫn qua TV tại phòng lưu trú khách sạn và các lĩnh vực kinh doanh có sử dụng âm nhạc khác. Ý kiến của ông Phương một lần nữa lại gây ra những bàn luận khác nhau.


Ảnh minh họa.

Vẫn theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, việc tạm dừng thu tiền trong một thời gian quyền tác giả tại các phòng lưu trú khách sạn có sử dụng TV là để xác định cơ sở pháp lý cũng như tính khả thi của hoạt động này. “Dự kiến đầu tháng 10 tới, VCPMC sẽ tiến hành thu tiền tác quyền đối với việc sử dụng TV trong các khách sạn”- ông Phương cho biết.

Để giải thích cho việc này, VCPMC cũng đã đưa ra những phân tích về cơ sở pháp lý và lộ trình triển khai thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc tại phòng lưu trú khách sạn. Về cơ sở tính tiền tác quyền, theo VCPMC bên cạnh những căn cứ pháp lý thì Trung tâm căn cứ vào hình thức và tần suất sử dụng tác phẩm để tính mức nhuận bút trọn gói 25.000 đồng/phòng/năm cho việc sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng đối với toàn bộ các tác phẩm âm nhạc Việt Nam và quốc tế thuộc thành viên của VCPMC trong các chương trình truyền hình của các kênh truyền hình được phát thông qua thiết bị truyền tải TV tại phòng lưu trú của khách sạn là có cơ sở pháp lý và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, VCPMC cũng thừa nhận chưa đủ năng lực về tài chính để đầu tư kỹ thuật, thiết bị hiện đại nhằm đo đếm chính xác tác phẩm được sử dụng trên các kênh truyền hình. Việc phân phối, chi trả tiền sử dụng quyền “biểu diễn tác phẩm trước công chúng” thu được từ hình thức sử dụng tác phẩm âm nhạc thông qua các kênh truyền hình được dựa vào danh sách tác phẩm tổng hợp từ các đài, các kênh truyền hình kê khai, cung cấp (các đài cung cấp mỗi năm 1 lần). Đối với số tiền thu được từ việc sử dụng quyền tác giả âm nhạc thông qua các kênh truyền hình tại phòng nghỉ khách sạn, Trung tâm thực hiện phân phối vào quý 4 mỗi năm.

Ngày 12/9, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Bùi Nguyên Hùng- Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết rằng trước hết phải xác định một điều rằng, việc sử dụng tác phẩm âm nhạc nhằm mục đích kinh doanh thương mại thì phải trả tiền theo quy định của pháp luật, điều này quá rõ ràng rồi. Nhưng việc thu như thế nào và ai thu thì lại phải bàn cụ thể hơn nữa.

Thông thường, thì phải tiến hành thu phí đối với các doanh nghiệp có sử dụng các tác phẩm phục vụ trong hoạt động kinh doanh. Nhưng việc thu cũng phải theo mức độ hiện hành của xã hội và đúng theo quy định của pháp luật, chứ không thể áp dụng một mức cho toàn bộ được. Không thể lấy mức giá ở một thành phố phát triển để áp dụng với những nơi vùng sâu vùng xa được.

Việc sử dụng các sản phẩm âm nhạc tại các khách sạn qua truyền hình là có, có thể dùng 1 tiếng, 2 tiếng hoặc nhiều. Vấn đề là phải có phần mềm trợ giúp xem dùng với thời lượng bao nhiêu và với bao nhiêu sản phẩm âm nhạc cho từng khách sạn, doanh nghiệp. Mặt khác, nếu muốn thu phí, cơ quan thu phí phải có giấy chứng nhận ủy quyền của tác giả đối với hoạt động thu phí trong trường hợp đó. Và đặc biệt, địa điểm tiến hành thu phí phải có sử dụng các tác phẩm của tác giả đã được ủy quyền thì mới có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc thu phí.

Vẫn theo ông Hùng, việc đưa ra mức giá 25.000 đồng phải có sự đồng thuận giữa hai bên tác giả và cơ quan được ủy quyền trên giấy tờ pháp lý chứ không đơn giản chỉ là thu phí trên các sản phẩm một cách thông thường được. Việc thu như thế nào cần phải được thể hiện rõ giữa các bên tác giả và cơ quan được ủy quyền mới đảm bảo tính công bằng và minh bạch. Việc làm này cần phải rất cẩn trọng và có kế hoạch, sao cho minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng cho biết, việc dừng thu phí trước đó là để làm rõ hơn vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với vai trò của các cá nhân có trách nhiệm dân sự liên quan. Trong quyết định trước đó, Cục đã ghi rất rõ việc dừng thu phí phải được thực hiện ngay cho đến khi VCPMC xác định được tác phẩm âm nhạc được khai thác sử dụng của tác giả, chủ sở hữu của tác giả là hội viên của trung tâm và xây dựng được mức giá về quyền tác giả, tác phẩm đối với tác phẩm được khai thác sử dụng. Sau đó tiến hành đàm phán để được phép sử dụng tác phẩm của cá nhân cho phép được sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Tức là phải làm rõ được các vấn đề thì việc thu phí mới được tiếp tục.

Những người am hiểu vấn đề cho biết, việc VCPMC sẽ tiến hành thu tiền tác quyền đối với việc sử dụng TV trong các khách sạn là học tập kinh nghiệm ở một số nước. Tuy nhiên, ở những nước đó việc bản quyền là rất rõ ràng, những công cụ “đo đếm” để xác định rất chính xác, được tiến hành minh bạch chứ không phải cách “đếm đầu”.

Đặc biệt, việc tiến hành thu phí có sự thỏa thuận với chủ khách sạn với sự cam kết rõ ràng. Ở ta, điều này không rõ. Mặt khác, cũng rất cần đặt ra việc sau khi thu được phí (trong trường hợp nếu được phép) thì VCPMC sử dụng nguồn tiền không nhỏ đó thế nào? Vào việc gì? Có tác động tích cực đến các tác giả sáng tác không, nhạc sĩ có được trả tiền không hay chỉ là để nuôi bộ máy của VCPMC? Trong khi chúng ta đang phải rất nỗ lực để kích cầu, phát triển du lịch thì việc làm không nhận được sự đồng thuận của chủ cơ sở lưu trú rất cần phải được cân nhắc, chưa nói đến cơ sở pháp lý còn khá chông chênh. Thực tế trong hoạt động văn hóa, việc “tận thu” thường thì chỉ dẫn đến lợi bất cập hại mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lợi bất cập hại