Những ngày gần đây, việc “các cựu” và cả đương kim lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hòa, Bình Dương bị xử lý, đã gây sự chú ý của xã hội. Đây là hai địa phương thuộc hàng giàu có của đất nước, là nơi“béo bở”, vì thế việc hàng loạt “quan đầu tỉnh” mắc sai phạm đã gợi lên nhiều suy nghĩ. Các sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực đất đai.
Ngày 18/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021 và một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của tỉnh này. Trong đó, ông Trần Văn Nam, với cương vị là Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khoá XIV, chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Trần Văn Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh uỷ và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước tại Tổng Công ty 3/2; buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; chỉ đạo hợp thức hoá tài liệu để che giấu vi phạm; gây thất thoát lớn tài sản, ngân sách của Đảng, Nhà nước và nhiều cán bộ, đảng viên của tỉnh vi phạm kỷ luật đảng, bị khởi tố hình sự.
Cùng đó, sai phạm đối với ông Phạm Văn Cành, trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Trần Thanh Liêm, trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Nguyễn Thanh Trúc - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND và ông Trần Xuân Lâm - Tỉnh uỷ viên, Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương, năm 2012 công tác và giữ các chức vụ trong Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, chịu trách nhiệm trực tiếp việc thẩm định, tham mưu, trình ký văn bản áp dụng giá đất để tính tiền sử dụng đất vi phạm quy định pháp luật, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát lớn ngân sách của Đảng, Nhà nước.
Vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021 và các cá nhân nêu trên là rất nghiêm trọng. Bộ Chính trị quyết định kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020 bằng hình thức cảnh cáo. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021 bằng hình thức cảnh cáo. Bộ Chính trị báo cáo và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Trần Văn Nam. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 đối với các ông Phạm Văn Cành và Trần Thanh Liêm; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, 2020-2025 đối với các ông Nguyễn Thanh Trúc và Trần Xuân Lâm.
Trước đó 10 ngày, ngày 8/6, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam để điều tra về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” đối với ông Nguyễn Chiến Thắng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016 và ông Lê Đức Vinh - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021. Cùng tội danh, cơ quan điều tra cũng quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với bị can Lê Mộng Điệp - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa. Trước đó ông Đào Công Thiên - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về các sai phạm nêu trên.
Từ sai phạm của ban lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Dương có thể thấy một số điểm chung. Thứ nhất, sai phạm thuộc về lĩnh vực đất đai, lợi dụng chức vụ quyền hạn “phù phép” chuyển nhiều diện tích đất vào tay tư nhân, hoặc là lợi dụng dự án được cấp để thủ lợi riêng. Thứ hai, có sự bắt tay giữa quan chức địa phương với doanh nghiệp tư nhân “sân sau”, có hành vi “bảo kê” để trục lợi. Thứ ba, sai phạm mang tính tập thể và kéo dài, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, gây bức xúc dư luận, suy giảm niềm tin trong nhân dân.
Vẫn biết hai vụ việc kể trên xảy ra vào thời gian trước, nhưng hậu quả của nó là rất lâu dài và nặng nề. Không có chuyện “đã qua” khi mà hậu quả đến từ những cán bộ tha hóa, “liên kết trong - ngoài” để chiếm đoạt tài sản của Nước, của Dân. Đất nước đang phải dồn lực chống dịch Covid-19, lo an sinh xã hội, lo phát triển kinh tế nhưng cũng không vì thế mà những việc vi phạm pháp luật, những cán bộ tha hóa, tham nhũng thoát tội. Điều đó càng cho thấy cuộc chiến đấu chống “giặc nội xâm” chưa bao giờ ngưng nghỉ. Kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước rất nghiêm minh.
Việc nhiều cán bộ “đầu tỉnh” tại Khánh Hòa và Bình Dương bị kỷ luật, chờ ngày ra tòa thêm một lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những ai còn lăm le lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Không một liên minh ma quái nào, không một “lá chắn” nào có thể là chỗ trú ẩn an toàn cho tội phạm. Một lần nữa xin được nhắc lại: Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt!