Lời cảnh báo nghiêm khắc

Nhóm PV 04/07/2023 05:44

Vụ sạt lở kinh hoàng mới đây tại đường Hoàng Hoa Thám (Đà Lạt, Lâm Đồng) khiến 2 người chết, 5 người bị thương là hậu quả của việc xây dựng dồn nén quá mức ở nội đô thành phố cao nguyên này. Đáng chú ý, việc vỡ ta-luy hay nứt đất tại Đà Lạt tần suất ngày càng lớn hơn.

Hiện trường vụ sạt lở tại đường Hoàng Hoa Thám (Đà Lạt, Lâm Đồng), ngày 29/6/2023.

Chỉ sau trận mưa kéo dài khoảng 3 giờ, Đà Lạt đã xuất hiện hơn 10 điểm sạt lở lớn nhỏ. Điểm chung ở các khu vực này là ở phía ta-luy dương có nhiều nhà, cả nhà cao tầng và ken kín nhau.

“Do trời mà cũng tại ta”

Nhiều nghiên cứu cho biết nền đất bazan Đà Lạt yếu, do đó cần rất thận trọng khi xây dựng, trước hết là phải đảm bảo yêu cầu về an toàn. Cùng đó, về quy hoạch, mật độ xây dựng cũng không được quá chật, bởi việc dồn nén công trình trên một diện tích nhỏ trong khi đất chịu lực kém sẽ khó tránh khỏi sạt lở.

Việc tìm hiểu nguyên nhân, quy trách nhiệm sau những vụ sạt lở là cần thiết. Tuy nhiên, cần thiết hơn chính là một quy hoạch bền vững. Việc yêu cầu tạm dừng các công trình tại khu vực dễ sạt lở, có độ dốc lớn... để rà soát, đánh giá, quan trắc độ an toàn là cần thiết.

Được biết, từ đầu tháng 6 đến nay, tại TP Đà Lạt nhiều lần xảy ra ngập lụt, sạt lở ta-luy. Gần đây, trong 2 buổi chiều mưa 23 và 24/6, ngập lụt đã diễn ra nhiều nơi ở khu trung tâm thành phố, các khu dân cư như: Golf Valley, Yersin, Mạc Đĩnh Chi, Vườn hoa Đà Lạt. Trong khi đó suối Phan Đình Phùng, Cam Ly, Phạm Hồng Thái, hạ lưu hồ Mê Linh… khiến nhiều nhà dân bị ngập nước, hư hại tài sản.

Trước đó, tháng 8/2018, trận mưa chỉ 23mm/h (lượng mưa nhỏ) cũng đã khiến khu vực hạ lưu suối Cam Ly ngập nặng, nhiều nhà cửa và ô tô hư hỏng. Còn trong nội đô Đà Lạt xuất hiện nhiều điểm ngập kéo dài khoảng 1 giờ (khu dân cư Mạc Đĩnh Chi), khu vực hồ Than Thở, bờ hồ Xuân Hương khu vực Vườn hoa thành phố. Năm 2022, trận mưa lớn hơn, đạt hơn 50mm/h khiến các vị trí nói trên bị ngập trong khoảng 30 phút...

Trên thực tế Đà Lạt đang gánh hậu quả của nông nghiệp lạm dụng nhà kính, xây dựng nhà cửa mật độ cao, cùng với những hạn chế trong quản lý đô thị chính là những tác nhân khiến cho “thành phố trên cao” bị ngập lụt kể cả khi mưa không lớn.

Một chuyên gia xây dựng từng tham gia thiết kế dự án suối Phan Đình Phùng và suối Cam Ly (khoảng 15 năm trước), cho biết khi thiết kế các kỹ sư và cơ quan chức năng chưa nghĩ tới nước mưa từ các nhà kính (chủ yếu trồng rau, hoa) tuôn ra suối. Cụ thể, khu Golf Valley có diện tích 20 ha, quy hoạch là công viên văn hóa đô thị, nhưng sau hơn 10 năm thực hiện giờ chỉ thấy toàn nhà chứ không thấy công viên. Sự mất cân bằng, thiếu tầm nhìn trong quy hoạch, bê tông hóa tăng cao khó thoát nước khi mưa lớn đã dẫn đến tình trạng ngập lụt.

Nói như ông Lương Văn Ngự - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng thì tình trạng ngập lụt, sạt lở “do trời mà cũng tại ta”. Theo thời gian, nhiều nhà lưới, nhà kính mọc lên, khiến nước mưa tạo dòng chảy lớn trong khi việc khơi thông cống rãnh không thường xuyên. Tới nay, những rừng thông trong nội đô thưa thớt, nhiều ruộng rau biến thành khu dân cư, nhiều đoạn khe suối bị lấn chiếm để xây dựng nhà cửa.

Đầu tư lớn nhưng đô thị vẫn ngập nước

Mùa mưa năm nay, việc sạt lở gây chết người ở Đà Lạt là một cảnh báo nghiêm khắc. Tuy nhiên, không chỉ Đà Lạt mà nhiều thành phố khác hễ mưa là ngập. Trong đó có Hà Nội và TPHCM.

Theo ông Đỗ Tấn Long - Phó Giám đốc Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM), thành phố vẫn còn 15 tuyến đường trục chính và nhiều khu vực bị ngập khi xảy ra mưa lớn. Có 3 khu vực thường xuyên bị ngập, khu vực thứ nhất là các tuyến đường Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Khối thuộc quận Gò Vấp; Khu vực thứ hai gồm các tuyến đường Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng (Thủ Đức). Khu vực thứ ba là các tuyến đường Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân (cũng thuộc Thủ Đức).

Tình trạng hễ mưa là ngập nước ở TP HCM không phải là chuyện mới, nó đã tái diễn nhiều năm qua.

Còn tại Hà Nội, một thống kê cho thấy những tuyến phố hễ mưa lớn là ngập, bao gồm: Quận Cầu Giấy có 10 tuyến; quận Nam Từ Liêm 3; quận Thanh Xuân 4; quận Đống Đa 4; quận Hoàn Kiếm 6; quận Ba Đình 1; quận Long Biên 3.

Có nhiều nguyên nhân khiến Hà Nội và TPHCM ngập khi mưa to, nhưng theo giới quy hoạch đô thị trước hết là do hệ thống tiêu thoát nước quá kém và tình trạng bê tông hóa quá mạnh mẽ khiến nước khó tự ngấm, tiêu thoát.

Tuy nhiên, còn một lý do nữa rất quan trọng, đó là nhiều trạm bơm nhiều nghìn tỷ đồng chậm tiến độ hoặc không hiệu quả. Được biết, từ 2005 đến nay, UBND TP Hà Nội đã đầu tư gần 20.000 tỷ đồng vào các dự án thoát nước nhưng vẫn ngập úng khi mưa lớn. Cách đây 10 năm, năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Có thể thấy là số tiền đầu tư cho công tác chống ngập của Hà Nội là lớn nhưng hiệu quả lại chưa như kỳ vọng.

Còn với TP HCM, năm 2021, Sở Xây dựng đã trình lên UBND thành phố kế hoạch cải tạo hệ thống thoát nước giai đoạn 2021-2025 với số tiền cần khoảng 101.000 tỉ đồng (tương đương 4,3 tỉ USD). Số tiền đầu tư lớn, nhưng việc triển khai gặp nhiều vướng mắc nên tới nay người dân TPHCM vẫn hết sức vất vả mỗi khi mưa to.

Vì sao Đà Lạt ngập lội khi mưa lớn?

Theo giới chuyên gia, những trận nước dâng cao đột ngột gây lũ diễn ra với tần suất ngày càng dày hơn ở đô thị này có nguyên nhân rất lớn từ việc gia tăng diện tích sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, nhất là vùng nông nghiệp dọc hai bên suối Cam Ly. Từ phía hồ này ngược lên thượng nguồn, hàng nghìn hec-ta đất hai bên suối được người dân "phủ bạt" kính để sản xuất nông nghiệp. Cuối thập niên 1990, Đà Lạt chỉ có rải rác một số nhà kính, nhưng diện tích các nhà kính đã tăng lên khoảng 10.000 ha trong tổng số 18.000 ha trồng rau quả (tính tới thời điểm tháng 9/2022). Nhà kính có ở tất cả phường xã, thậm chí một số nơi trong nội thành có mật độ nhà kính dày đặc như phường 5, 7, 8, 9, 11, 12. Không gian thành phố bị nhà kính lấn át, rừng thông chỉ lác đác một số cụm ở ngoại ô.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lời cảnh báo nghiêm khắc