Tinh hoa Việt

Lời chiêu tuyết muộn với bê vàng

ĐĂNG NGỌC 06/05/2024 14:36

Có khi anh hỏi điều này điều khác mà tôi không trả lời được, anh mắng “ngu như bò”. Nhưng mới tập vực có hai buổi mà bò thuộc lệnh, bảo nó đi sang phải, sang trái đều nghe theo, dạy nó lúc nào đi tiếp hay dừng lại, được đứng hay được nằm, được ăn hay uống nước, nó đều làm được, sao bảo bò ngu? Nó bị hàm oan. Phải chiêu tuyết cho bò, vì nó đã góp sức làm ra hạt thóc, củ sắn, củ khoai, nuôi ta khôn lớn.

img-8095.jpg
Mẹ con bê vàng. Ảnh: Đức Quang.

Đang ngoan ngoãn đi sau bò mẹ, nhoằng cái, bê nhảy tót xuống ruộng đỗ đen đang nảy mầm được hai lá, rồi cứ thế chạy tung tăng, giẫm nát cả những cây đậu. Giá như ruộng của nhà mình có dập nát một vài khóm đậu cũng chẳng sao, nhưng đây là ruộng nhà hàng xóm, nhất định tôi sẽ bị ăn mắng, “đi chăn bò mà để phá rau màu nhà người ta”. Nghĩ vậy, nên nhanh chóng chạy xuống xua bê lên bờ, càng xua nó lại càng “bất kham”, bực mình đến phát khóc. Tôi thấy như mình có lỗi, về kể với bố chuyện bê hư. Ông bảo, sẽ nói với nhà bà Huê, con bê trót dẫm nát luống đỗ, và đã đến lúc “phải xấn sẹo nó rồi”. Thời gian thấm thoát, thế là bê sắp trở thành bò, chuyện bê chào đời cho đến ngày khôn lớn cứ thế ngược về mãi trong tôi.

“Bò đẻ… bò đẻ”, mẹ tôi người phát hiện giờ phút sinh hạ bê, cất tiếng như reo, cả nhà đang nghỉ trưa đều vùng dậy. Bê lọt lòng dưới cây rơm vào một buổi trưa hè với bộ lông ướt nhèm nhẹp, màu nâu xỉn. Mẹ tôi lấy khăn mặt rách vẫn thường dùng làm giẻ lau, chùi nhớt cho nó.

Chừng nửa tiếng sau, nó đã run run đứng dậy, lông đã khô trở nên màu vàng rơm, mắt đen lay láy, nhìn ngơ ngác và chập chững bước đi. Chỉ lát sau nó đã định hình và tìm tới bầu vú mẹ căng đầy sữa. Bốn núm vú bò mẹ đều và dài, không có vú kẹ như con bò nhà bà Huê, gân vú nổi, phân nhánh ngoằn nghèo. Mẹ tôi bảo, bò nhà mình “tốt sữa đấy”. Cái mõm bê con dài, chun chun hai bên mép màu đen nhạt thỉnh thoảng thúc vào bầu vú.

Bò mẹ cứ đứng yên cho con bú, tới khi bê con no nê mới nằm xuống cạnh cây rơm, nhai những cọng cỏ thài lài mà mẹ và tôi vẫn thường cắt về bồi dưỡng cho nó từ lúc bò sắp đến tháng đẻ. Mẹ bảo, bò chửa cũng gần giống người, 9 tháng là đẻ, chỉ có trâu là tới 12 tháng, nên người nào chửa mãi không đẻ gọi là “chửa trâu”.

Chú bê đực nhà tôi lớn lên “như thổi”. Chẳng mấy chốc da nó căng bóng màu vàng đậm, bốn chân tròn trịa vững vàng, chạy nhanh thoăn thoắt, bắt đầu ăn cỏ non và giảm đi số lần bú mẹ. Nhưng bê vẫn quấn quýt mẹ ở bãi chăn thả. Thỉnh thoảng tôi xoa đầu bê và nó cũng đáp lại tình cảm ấy bằng cử chỉ dịu dàng, đằm thắm như lắc lư cái đầu, cạ mõm dụi vào tay tôi.

Đến ngày nó nhảy phắt xuống ruộng đỗ đang nảy mầm ấy, tôi mới nhận ra bê lớn thật rồi. Đôi chân run run đứng dậy lúc mới đẻ của bê giờ đã to và dài hơn rất nhiều, móng guốc nện xuống đất đồi nghe cứ cồm cộp, lưng nó giờ đã ngang ngực mình, mấy lần thử cưỡi lên, nó ngúng nguẩy. Hình như nó đã ý thức muốn tìm tới sự tự do.

Nhưng người nuôi con vật thì phải đưa nó vào khuân khổ, ngựa phải có cương, trâu bò phải xấn sẹo. Bố tôi bảo thế, và cái giờ phút đánh dấu sự “vào khuôn phép” của một con vật đã đến. Đầu bê được cột bằng dây thừng vào gốc cây thừng mực nơi đầu hồi chuồng bò, nó nhển mũi lên kêu “be… be”. Bố tôi dùng que tre dài, có thể uốn được, một đầu vót nhọn, một đầu buộc dây thừng nhỏ, dài khoảng hai gang tay, làm que xấn sẹo. Rồi ông dùng ngón tay cái và ngón trỏ xờ lần vào hai bên lỗ mũi bê, lựa chỗ mỏng nhất thì xiên que tre từ phải sang trái một cách dứt khoát và kéo cho đoạn thừng qua. Ông bảo, xấn sẹo bò như bấm lỗ tai cho con gái, không chảy máu mà cũng chẳng thấy đau, chỉ nhói một cái thôi.

Còn tôi tưởng tượng ngay tới cảnh, một tay cầm thừng dắt bò mẹ, một bên dắt chú bê, đi chăn thả mỗi chiều, sẽ không còn diễn ra cảnh tức đến phát khóc vì bê không biết nghe lời, tự do dẫm nát hoa màu nhà người ta nữa.

Chẳng bao lâu bê đã trở thành “chàng trai lực lưỡng”, cái tên “bê” được thay bằng “bò”. Chăn thả về gặp người hàng xóm đi làm đồng, ai cũng khen nó đẹp mã, “bò này vực được rồi đó”. Một hôm bố tôi bảo, con bò đực nhà mình, so với các con khác trong xóm thuộc loại dễ bảo, có con rất nóng tính, húc cả chủ.

Con chăn thả nhiều nên thuộc tính nết cả bò mẹ, bò con, giúp bố dắt mũi để vực nó. Tôi rất thích thú khi được bố cho làm việc này. Vào buổi chiều mát, bố con tôi vực cày cho con bò mà bao lâu nay tôi đã chăm bẵm mong được nó trả công bằng kéo cày. Ách cày được bố lựa chọn bằng khúc gỗ cong tự nhiên giống như khuỷu tay để đặt lên cổ bò, rồi có dây nối xuống các bộ phận thân cày, đã sẵn sàng.

Khi khoác cái ách lên vai bò, nó cứ vùng vằng muốn hất tung ra, tôi vuốt lưng nựng nó, “ngoan chiều mai sẽ cho mày đi đồng xa kiếm cỏ ngon”. Nhưng đến đường cày đầu tiên thì vai nó chùn lại, rồi nhảy cẫng lên, tay dắt mũi của tôi không kìm giữ nổi sức cương của nó.

Bố tôi bảo, mới đầu vai bò chưa quen ách nên rất đau. Tôi ít khi nhìn thấy mồ hôi bò mà hôm nay thấy lông của nó có mảng đã sẫm lại như bị giội nước. Phải cho nó nghỉ một lát, rồi ta lại tiếp, con à. Vậy là cứ cày được một đường ở vuông ruộng đất xốp, không dài, bò lại được nghỉ giải lao, rồi mới tiếp tục. Tôi dắt mũi thực hiện các động tác đúng như hiệu lệnh “vắt”, “diệt” của bố phát ra để nó hiểu và dần dần thuộc. Cả buổi chiều nghe “vắt”, “diệt” (hiệu lệnh điều khiển bò qua dây thừng lúc sang phải, khi sang trái) cứ vang rộn cả góc làng.

Có lúc như đánh vật với đường cày nên cả người và bò đều thấm mệt. Nhưng nhìn những đường cày vực bò đầu tiên, dù có chỗ còn lỏi, vẫn thấy rất vui, vì bò đã góp phần cùng bố con tôi sắp hoàn thành một công việc lớn của nhà nông, tạo ra được một sức khéo mới, bõ công chăm dắt nó từ tấm bé.

Bố tôi bảo, vực cày được thì vực bừa cũng chẳng khó khăn gì. Hôm nào ta lại vực bừa ở ruộng nước, cho bò quen cả cày trên cạn, bừa dưới nước, thế mới gọi là “huấn luyện thành thục”.

Buổi chiều thứ hai trên đường tập vực về nhà, bố vác cày, tôi dắt bò và bắt chiếc bố làm động tác “vắt”, “diệt”, bò cũng làm theo, tuy hơi chậm chạp. Tôi nói với bố, có những lúc anh hỏi con điều này điều khác mà không trả lời được, anh mắng “thằng này ngu như bò”. Nhưng con thấy bò đâu có ngu, mới tập vực có hai buổi mà nó thuộc lệnh rồi, bố bảo nó đi sang phải, sang trái, đều nghe, dạy nó lúc nào đi tiếp hay hô “họ”- dừng lại, được đứng hay được nằm, được ăn hay được uống, nó đều “hiểu” được.

Bố nói, chẳng hiểu hết nghĩa những câu nói dân gian về bò, bảo bò ngu, có thể trông nó hiền lành, nhút nhát, một khi đã buộc nó ở đâu thì ở nguyên đó, dù trời mưa to hay nắng gắt.

Chỉ khi có người hoặc đồng loại đụng vào thì nó mới phản ứng. Tôi bảo, nó không hiền đâu bố ạ, trời phú cho nó một thứ vũ khí phòng thân là “đá”, tức mình lên là đá hậu, như thằng Tựu lớp con, bị bò đá mà phải nghỉ học mấy ngày. Bố cười, thế thì phải hỏi những người thông kim bác cổ, chứ bố chỉ biết đến thế là cùng.

Từ đó tôi cứ nghĩ, bò bị hàm oan rồi.

Những ngày chăn thả bò, tôi để ý đến từng động tác, thấy nó đâu có “thiểu năng trí tuệ”. Có khi sợi thừng quấn vào chân, giắt vào kẽ móng, bò loay hoay cũng gỡ ra được, không đến nỗi như gà mắc tóc. Trước khi gặm đám cỏ hay cành lá nào nó cũng ngửi, liếm, nhai thử, cỏ hôi bò không ăn, loại lá nào đắng như lá đắng cẩy, là bỏ đi luôn, lá tre non, ngọt thì nó vươn cổ vơ lấy liên tục.

Mạ non là “đặc sản” của bò, khi dắt qua ruộng mạ phải giữ chặt thừng, nếu không nó vằng nhảy xuống liếm mấy nhát là hết bay vệt mạ. Đi chăn bò, mải chơi để nó xuống ăn mạ nhà người, về thế nào cũng bị đòn.

Càng lớn lên, học cao hơn tôi càng hiểu con bò, muốn chiêu tuyết (giải nỗi oan) cho bê vàng yêu quý của tôi, dù có muộn màng, nhưng vơi đi nỗi hàm oan. Người ta nhận ra rằng, bò có đôi tai thính hơn cả con người, có thể nghe được âm thanh tần số thấp lẫn cao hơn ngưỡng của con người.

Đôi mắt nó có thể nhìn được trên, dưới, trái, phải, với tầm bao quát tận 300 độ, trừ góc chết. Mũi bò thính hơn chó, chó ngửi được ở khoảng cách khoảng 2km, còn bò thì 10km. Ngựa chỉ có 1 móng guốc, gặp bùn lầy là chịu chết, không phi được.

Còn móng guốc bò tách thành 2 ngón, nên chẳng bao giờ nó bị sa lầy, dù cày bừa đồng sâu lầy lội. Bò cũng có sự phân cấp, có bò đầu đàn, dưới là các đàn em. Ăn uống gì đầu đàn cũng được hưởng trước, nhưng có sự việc gì rắc rối là phải đứng mũi chịu sào.

Bò có “trí tuệ cảm xúc”, dù khôn ngoan không vượt trội như một vài loài khác, nhưng cũng không ngu, thậm chí còn có nhiều ưu điểm hơn. Thế nên tôi đã yêu nó từ lúc lọt lòng, khi càng hiểu tập tính của nó càng yêu hơn và tôn trọng hơn, chẳng bao giờ dùng câu “ngu như bò” làm trò giễu cợt một ai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lời chiêu tuyết muộn với bê vàng