Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Lợi dụng 'quyền lực mềm'

Lê Anh Đức 12/04/2025 08:15

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt tạm giam Mai Văn Dưỡng (TikToker Dưỡng Dướng Dường, 39 tuổi, ở thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My) vì lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cơ quan điều tra xác định, TikToker này có hành vi dẫn dắt dư luận một cách ác ý, gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất và tinh thần cho người khác.

Tài liệu điều tra cho thấy, trong khoảng thời gian từ ngày 30/9/2024 đến 28/11/2024, để đạt được mưu đồ bất chính, tư lợi của bản thân, Mai Văn Dưỡng đã nhiều lần đăng tải video có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của bà L.T.H.N. Đồng thời bịa đặt sai sự thật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty TNHH Bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ J.T.A. Phát ngôn xuyên tạc của Mai Văn Dưỡng gây ra sự cảm nhận một chiều từ người truy cập vào xem, tạo sự hoang mang, thiếu khách quan, giảm sút uy tín, dẫn đến dư luận hiểu sai, thù ghét bà L.T.H.N và Bệnh viện J.T.A.

Với hàng trăm nghìn lượt theo dõi trang cá nhân trên mạng xã hội, hành vi của Mai Văn Dưỡng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, tạo dư luận xấu trong xã hội, làm cho nhiều người hoang mang hủy các dịch vụ của Bệnh viện J.T.A và yêu cầu hoàn tiền khiến doanh nghiệp giảm sút doanh thu rất lớn. Cơ quan tố tụng khẳng định: Hành vi của Dưỡng đã phạm vào tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thông thường mọi người cho rằng, chỉ có những người thực sự có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức mới có thể lợi dụng quyền lực để “khuynh đảo thiên hạ”, gây ảnh hưởng xấu tới cá nhân, doanh nghiệp. Song, trong bối cảnh “xã hội phẳng” như hiện nay, có không ít người đã tận dụng được sự lan tỏa của mạng xã hội để trang bị cho bản thân “quyền lực mềm” mà sức mạnh, sự ảnh hưởng của nó cũng ghê gớm không hề thua kém những người có thực quyền trong các cơ quan, tổ chức.

Trên thực tế, đã có nhiều KOL, nghệ sĩ, TikToker, YouTuber... đã dùng “quyền lực mềm” của mình tạo ra không ít “bão” cho xã hội. Trường hợp của TikToker Dưỡng Dướng Dường lần này là minh chứng mới nhất. Người này đã lợi dụng sự ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội để “dắt mũi” dư luận, khiến nhiều người lầm tưởng những điều xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, bôi nhọ người khác của anh ta là “sự thật”, để rồi đưa ra những quyết định sai lầm. Đáng buồn là trường hợp lợi dụng “quyền lực mềm” gây ảnh hưởng xấu cho cộng đồng như TikToker Dưỡng Dướng Dường lại không hề hiếm trong xã hội hiện nay. Mới chỉ ít ngày trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã “sờ gáy” vài Tiktoker, Facebooker vì hành vi quảng cáo sai sự thật kẹo rau củ Kera. Những người này đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân từ sự tín nhiệm của cộng đồng dành cho họ để đưa ra thông tin sai sự thật về thực phẩm, nhằm mục đích tư lợi cá thân. Hay như cách đây mấy năm, bà Phương Hằng cũng đã vô tư “gào thét” trên mạng xã hội xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều người khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”. Bà Hằng thường xuyên livestream bóc phốt, nhục mạ nhiều nghệ sĩ, luật sư, nhà báo, khẳng định họ ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Ngay cả khi cơ quan chức năng kết luận họ không có hành vi gian dối chiếm đoạt tiền, bà Hằng vẫn tiếp tục livestream nhục mạ.

Vài trường hợp vừa nêu trên chỉ là phần nổi của tảng băng trôi đã bị cơ quan công an xử lý. Trong thực tế còn không ít người tự cho mình cái quyền lên mạng xã hội vu khống, xuyên tạc, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức. Trong số này có người đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, nhưng cũng có một số người “may mắn thoát nạn”. Có lẽ cũng chính vì có một số người lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân trên mạng xã hội để làm điều xấu nhưng lại chưa bị xử lý nên họ và những người khác chưa biết sợ, vẫn tiếp tục có ý định lợi dụng “quyền lực mềm” để vụ lợi.

Song, nói đi cũng phải nói lại, nếu các KOL, nghệ sĩ, Facebooker, TikToker, YouTuber... có muốn bôi nhọ, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức, hay quảng cáo sai sự thật về sản phẩm mà người xem đủ tỉnh táo để phân biệt thật - giả, không bị “hội chứng đám đông” thì có lẽ cũng không bị lừa thảm đến vậy. Chẳng phải các cơ quan chức năng vẫn thường xuyên cảnh báo mọi người cần bình tĩnh, tỉnh táo trước các fake news, không a dua chia sẻ, bình luận hay làm theo khi chưa kiểm chứng thông tin đó sao? Vậy nên, để dập tắt “quyền lực mềm” của những người có ý đồ xấu, không chỉ cần đến sự vào cuộc cương quyết của cơ quan công an, mà cần lắm sự chung tay của cả cộng đồng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lợi dụng 'quyền lực mềm'