Mùi hoa sữa nồng nặc khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, đòi chặt hoặc di chuyển cây hoa sữa khỏi khu dân cư tiếp tục đặt ra câu chuyện về quản lý đô thị, cụ thể là quy hoạch và quản lý cây xanh. Đúng như TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đã nói, có người thích hoa sữa, có người không thích nhưng quan trọng nhất vẫn là cách quản lý của đơn vị có trách nhiệm vì quy trình trồng cây đã rõ ràng.
1.Câu chuyện một số khu vực ở Hà Nội vào những ngày vừa qua nồng nặc mùi hoa sữa khiến những người dân sống quan khu vực “đứng ngồi không yên”, nhiều người phải chuyển tới nhà con cháu ở khu vực khác để “nánh nạn” là câu chuyện có thật, nhất là với những người già, có bệnh về đường hô hấp. Để khắc phục, chính quyền quận Đống Đa (Hà Nội) đã xin ý kiến di chuyển khoảng 80 cây hoa sữa trên phố Nguyễn Chí Thanh để hạn chế ảnh hưởng đến người dân. Tuy vậy, từ hôm 26/10 đến nay, phương án trên vẫn chưa thể thực hiện, và người dân quanh khu vực vẫn bị hoa sữa “tra tấn”.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, chính quyền sở tại cần xây dựng tiến độ thực hiện, tính khả thi khi áp dụng quy trình kỹ thuật trong việc dịch chuyển các cây hoa sữa có khối lượng lớn, khả năng bảo tồn và chăm sóc cây sau dịch chuyển. Sở Xây dựng cho rằng, việc di chuyển, chặt hạ cây xanh là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, được dư luận, người dân quan tâm nên đề nghị UBND quận Đống Đa thông tin rộng rãi để việc trồng, thay thế cây hoa sữa bằng loại cây khác được dư luận, người dân biết và ủng hộ. Về đề xuất di dời cây hoa sữa vào các công viên, vườn hoa do UBND quận Đống Đa quản lý, Sở Xây dựng lưu ý cần xem xét, đánh giá về mật độ cây trồng cho phù hợp, tránh mùi hoa sữa tỏa nồng nặc sau khi trồng. Trường hợp cây hoa sữa có khối lượng lớn, không thể bố trí trồng lại trong các công viên, vườn hoa trên địa bàn thì đề nghị UBND quận Đống Đa chủ động liên hệ với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội để thống nhất vị trí trồng cố định và chăm sóc tại khu vực vùng ảnh hưởng bán kính 500 m ở Khu xử lý chất thải Xuân Sơn.
2.Đây không phải là lần đầu tiên người dân Hà Nội đối mặt với “vấn nạn” hoa sữa. Có người đã phải chuyển chỗ ở để đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Còn nhớ, hồi tháng 10/2019, Hà Nội đã phải chuyển khoảng 100 cây hoa sữa từ đường Trích Sài (quận Tây Hồ, Hà Nội) lên trồng tại khu vực bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để giải quyết bức xúc của người dân.
PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn - nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết hiện chưa có nghiên cứu nào về tác hại của hoa sữa với sức khỏe, nhưng có nhiều người bị dị ứng phấn hoa, trong đó có hoa sữa. “Bản chất hương hoa sữa có mùi rất nồng, nếu ngửi ít sẽ cảm thấy rất dịu, nhưng nếu ngửi nhiều có người còn lâm vào tình trạng khó thở, nhất là nhóm người có tiền sử mắc bệnh về hô hấp. Ngoài ra, những sợi lông hoa sữa theo gió hòa lẫn vào không khí, con người hít vào cũng dễ bị dị ứng, ảnh hưởng tới sức khỏe”, ông Đoàn phân tích.
Theo vị chuyên gia này, vào mùa hoa sữa nở, những người có tiền sử mắc các bệnh về hô hấp cần cẩn trọng. Bởi, khi tiếp xúc với hương, phấn và lông hoa sữa, những người này nguy cơ bị tái phát bệnh, mẩn ngứa, thậm chí nổi mụn, phát ban do phấn hoa sữa là những dị nguyên gây khởi phát dị ứng.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cho rằng việc trồng cây ở Hà Nội đã có đầy đủ quy định về quản lý cây xanh và khung pháp lý. Tuy nhiên, quy trình thực hiện và vai trò của người dân ra sao thì hiện nay vẫn chưa rõ ràng. “Hà Nội hiện nay đều có những vườn ươm cây, để trồng thí nghiệm một thời gian, sau đó mới đưa ra đại trà các tuyến đường. Tức là khung pháp lý thì rất đầy đủ nhưng quá trình thực hiện, giám sát việc thực hiện có vấn đề về phân cấp, phân quyền và vai trò của người dân”, ông Nghiêm nói.
3.Như vậy, có thể thấy rằng, để xảy ra “vấn nạn” hoa sữa như hiện nay có trách nhiệm của những người trồng, quản lý cây xanh. Đó là chưa kể, đây lại là câu chuyện không mới. Ở một số tỉnh thành, việc phải chặt bỏ những dãy hoa sữa đã từng được thực hiện. Vậy thì, đến thời điểm này, câu chuyện để những hàng cây hoa sữa ảnh hưởng tới cuộc sống, sức khỏe của người dân, gây bức xúc trong một bộ phận dân cư là vấn đề cần xem xét.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, thời gian tới, khi thiết kế đô thị, cải tạo, chỉnh trang từng tuyến phố, đơn vị quy hoạch, thực hiện nên đồng thời phải có thiết kế cây xanh, chọn cây gì, trồng như thế nào… và lấy ý kiến của người dân.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Lân Hùng - Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam nhấn mạnh, việc trồng cây xanh là cần thiết để giúp cho cảnh quan thiên nhiên của Hà Nội trở nên đa dạng, phong phú và đẹp hơn. Tuy nhiên, việc trồng cây gì, ở vị trí nào cần được thử nghiệm, nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng để tránh việc mất công trồng lên rồi lại phải tốn công di dời, chặt hạ vì không phù hợp. Bên cạnh cây hoa sữa, bài học có thể nhắc đến là việc Hà Nội từng trồng cây phong lá đỏ, tuy nhiên sau đó loài cây này không sinh trưởng tốt dẫn đến phải di dời và thay thế dù đã được các chuyên gia cảnh báo từ trước đó.