Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tổng vốn đầu tư trên 34.500 tỷ đồng, chỉ sau hơn 30 ngày thông tuyến đã hư hỏng, bong tróc - đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hư hỏng, bong tróc, lún nứt xảy ra sau khi nghiệm thu và đưa vào sử dụng, xuất hiện ở nhiều tuyến đường trên cả nước, trong đó có 35 km đường tránh Huế có tổng vốn đầu tư lần đầu tiên là 385 tỷ đồng, buộc các bên liên quan phải thi công lại với số tiền lên đến 482 tỷ đồng. Dư luận lo ngại kịch bản đường tránh TP Huế, có thể sẽ
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139 km, với tổng kinh phí đầu tư trên 34.500 tỷ đồng, khởi công ngày 19/5/2013, chính thức thông xe toàn tuyến vào ngày 2/9/2018.
Tại lễ thông xe toàn tuyến vào ngày 2/9/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không chỉ rút ngắn thời gian cho phương tiện lưu thông qua 3 địa phương (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi) mà còn là cơ hội phát triển các mặt kinh tế - xã hội đối với các địa phương trọng điểm của miền Trung.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương có cao tốc đi qua - đặc biệt là chủ đầu tư và các bên liên quan, để mọi người dân được hưởng lợi ích từ công trình giao thông tầm cỡ này. Đáng tiếc là chỉ sau chưa đầy 30 ngày sau khi chính thức thông xe và thu phí (180.000/ đồng/lượt với ô tô dưới 7 chỗ ngồi); rất nhiều vị trí của tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư bình quân 260 tỷ đồng/km này đã xuất hiện các sự cố kỹ thuật như lún, nứt - đặc biệt là bong tróc lớp nhựa mặt đường sau vài cơn mưa lớn. Có gì đó thật khó hiểu, sau khi được dư luận phản ánh, đại diện lãnh đầu tư lại rất vô tư đưa ra các lý do như mưa lớn, xe lưu thông nhiều để biện minh cho các lỗi thuộc về chất lượng, kỹ thuật.
Sự thiếu thiện chí của chủ đầu tư trước dư luận cũng được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vân tải Nguyễn Văn Thể nêu ra tại công điện (số 39/CĐ-BGTVT, ngày 11/10) vừa qua. Trong công điện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nghiêm khắc phê bình Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc VEC chậm trễ trong xử lý hư hỏng ở nhiều vị trí của cao tốc, không cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin cho báo chí, né tránh trách nhiệm, gây dư luận không tốt.
Bộ trưởng GTVT yêu cầu Hội đồng thành viên VEC chỉ đạo khẩn trương khắc phục hư hỏng mặt đường cao tốc đồng thời rà soát, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Công điện của Bộ trưởng GTVT yêu cầu VEC tạm dừng thu phí trên toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi kể từ 0 giờ ngày 12/10/2018 để khắc phục triệt để sự cố kỹ thuật của tuyến cao tốc này.
Còn nhớ, 35 km tuyến đường tránh TP Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) được khởi công năm 2001 với tổng đầu tư hơn 385 tỷ đồng. Năm 2003 tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn, mặt đường đã dày đặc ổ gà và các vệt lún bánh xe kéo dài, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của các lái xe. Để cứu vãn , tháng 7/2012 Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án 6 và các nhà thầu đã tổ chức khởi công gói thầu đầu tư xây dựng, nâng cấp đường tránh TP Huế từ thị trấn Tứ Hạ (xã Hương Trà đến thị trấn Phú Bài (xã Hương Thủy) theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với chiều rộng nền đường 12m, mặt đường 11m. Tổng mức đầu tư xây dựng, nâng cấp lần này là 482 tỷ đồng. Tháng 9/2013, hơn 35 km tuyến đường tránh hoàn thành.
Rất nhiều người có mặt tại lễ khánh thành, thông tuyến trở lại đường tránh Huế vào ngày 22/9/2013, vẫn chưa quên phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thời điểm này đang là Phó Thủ tướng) rằng ông chưa thấy tuyến đường nào hư hỏng tồi tệ như tuyến đường này. “Làm hỏng thì tất nhiên phải sửa. Còn hỏng vì nguyên nhân nào, do quá tải trọng, do thi công kém, giám sát kém hay do thiết kế... thì phải rút ra để sau này chúng ta quản lý tốt hơn”.
Dư luận có cơ sở và lý do để lo ngại kịch bản đường tránh TP Huế sẽ lặp lại đối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Cao tốc hàng chục nghìn tỷ hư hỏng ngay sau khi chính thức thông xe và thu phí - lỗi không phải do nhựa đường mà từ trách nhiệm, lương tâm của chủ đầu tư và đơn vị thi công.