Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có rất nhiều tiềm năng lợi thế phát triển du lịch. Tuy nhiên để thu hút và giữ chân được du khách, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh liên kết, xóa bỏ tư duy mùa vụ, hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù và kết nối các tour, tuyến…
Tư duy mùa vụ khó bền vững
Theo TS Trần Hữu Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, thời gian qua, lượng du khách đến ĐBSCL phần lớn vào các dịp lễ tết. Làm sao để du khách đến với vùng đất này quanh năm. Điều này đòi hỏi ngành du lịch các địa phương có những tính toán để khắc phục sự phụ thuộc vào mùa vụ.
“Tâm lý chung không phải ai cũng chọn dịp lễ, tết để đi du lịch. Bởi đó là thời điểm giao thông đông đúc, ùn tắc, giá cả tăng cao, phòng ốc kẹt cứng. Ngoài ra cũng có khách hàng như người kinh doanh tự do, người về hưu, những doanh nghiệp (DN), tập đoàn có phúc lợi cho nhân viên nghỉ đi hàng năm… họ có thể đi du lịch vào những ngày khác không trùng ngày lễ tết. Như vậy, nếu có những sản phẩm du lịch cho những đối tượng khách hàng này thì sẽ có nguồn thu quanh năm không chỉ phụ thuộc vào lễ, tết” – ông Hiệp nói.
TS Trần Hữu Hiệp cho rằng, tư duy “mùa vụ” cũng thể hiện trong việc những người làm dịch vụ thường tăng giá trong các đợt lễ, tết để “gom lúa”. Theo ông Hiệp, đối với những người kinh doanh chuyên nghiệp thì khi cầu tăng sẽ giảm giá để lấy lợi nhuận trên số đông. Những tác nhân trong ngành du lịch phải chuyển từ tư duy kinh doanh nhỏ lẻ, thấy lợi trước mắt, sang kinh doanh chuyên nghiệp. Chúng ta phải nuôi dưỡng nguồn khách hàng bằng chiến lược lâu dài thay vì ăn sổi.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tích hợp đa giá trị. Cấu thành giá thành của một gói du lịch gồm giao thông – lữ hành, lưu trú cộng với sự kiện, ẩm thực… Đơn cử như đợt lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, khi giá vé máy bay tăng đẩy chi phí du lịch Phú Quốc lên cao, hệ quả là du lịch Phú Quốc bất ngờ ghi nhận sự sụt giảm về số lượng lẫn doanh thu.
Để phát triển du lịch bền vững, chính quyền địa phương với tư cách là một chủ thể quan trọng trong chuỗi giá trị du lịch, phải chủ động và có tác động nhất định để tạo ra môi trường du lịch tốt. Các tác nhân trong ngành du lịch phải liên kết cùng nhau nuôi dưỡng nguồn khách hàng lâu dài.
“DN lữ hành, những DN kinh doanh có tính chất tích hợp như hàng không, tàu xe phải có sự chia sẻ chứ không phải giành lấy phần lợi của mình. Không phải vì tâm lý “gom lúa” vào mùa du lịch mà tăng giá, phải hiểu rằng đây là việc kinh doanh trải dài trong năm. Nếu anh tăng giá thì được lợi trước mắt nhưng sẽ mất nguồn khách hàng ổn định” – ông Hiệp phân tích đồng thời đưa ra khuyến cáo, cần tạo sự liên kết giữa những tác nhân trong chuỗi du lịch cộng với những tác nhân ở địa phương. Ví dụ hệ thống lưu trú phải khuyến mãi, giảm giá cho mùa du lịch bởi vì khi lượng du khách tăng cao anh được tăng doanh thu thì anh giảm đi bằng những khuyến mãi chứ không phải lúc đó anh tăng lên. Đây là yếu tố chính tạo nên hình ảnh thương hiệu.
Ông Phạm Văn Sỹ, chủ một DN làm du lịch ở Phú Quốc cũng đề nghị: “Ở Phú Quốc tất cả các mặt hàng đều phải niêm yếu giá, tuy nhiên chỉ mỗi giá vé máy bay là không niêm yết. Đề nghị các hãng bay cần chung tay với địa phương có cách tính giá cả hợp lý để du khách có cơ hội đến Phú Quốc...”.
Nhìn nhận về những bất cập và tồn tại trong đợt “thất thu” của ngành du lịch Phú Quốc dịp lễ vừa qua, ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết: UBND TP Phú Quốc sẽ có văn bản đề nghị các hãng hàng không tính toán giá vé máy bay hợp lý, phù hợp với tình hình du lịch Phú Quốc. Đồng thời, liên tục kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh, sao cho giá dịch vụ ở Phú Quốc được tốt nhất và bảo đảm công khai minh bạch.
Đẩy mạnh liên kết, phát triển sản phẩm đặc trưng
Ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau nhận định, do đặc điểm về địa lý, tài nguyên thiên nhiên có nhiều nét tương đồng, việc các sản phẩm du lịch ở ĐBSCL phát triển na ná nhau là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch ở nhiều địa phương còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp; các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác nguồn sẵn có mà thiếu đầu tư dài hạn.
“Trước những hạn chế đó, thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã tích cực quan tâm, đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng; trong đó, việc liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã có được những kết quả đáng khích lệ: TPHCM với lợi thế là trung tâm kinh tế và du lịch của cả nước khi kết nối với ĐBSCL đã tạo ra một không gian du lịch rộng lớn hơn, góp phần thay đổi các sản phẩm du lịch, tạo nét đặc trưng riêng để tăng tính cạnh tranh cũng như phát huy được tính độc đáo nhằm thu hút du khách” – ông Hùng thông tin.
Bên cạnh đó, Cà Mau cũng đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế, tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan - Campuchia - Rạch Giá - Cà Mau).
Còn theo bà Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, bên cạnh liên kết vùng, địa phương cũng đang tăng cường liên kết có trọng tâm, trọng điểm, nhất là kết nối 3 bên giữa các nhà quản lý - các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch - các khu, điểm du lịch. Tăng cường quản lý, liên kết, hợp tác nắm bắt thị trường khách du lịch và đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch đến với Bạc Liêu.
Các địa phương tại ĐBSCL cũng đang nỗ lực tạo ra các sản phẩm đặc trưng riêng để tránh sự trùng lặp trong các sản phẩm du lịch. Đơn cử như tại Đồng Tháp, ngành du lịch tỉnh này đang hướng đến đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP. Kết nối và xây dựng các tour tuyến du lịch nông thôn, phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: sản phẩm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề, du lịch văn hóa lịch sử (đình làng – nhà cổ) kết hợp Lễ hội, du lịch ẩm thực Sen - sự kiện/MICE kết hợp mua sắm, du lịch chính quyền, du lịch số, du lịch chăm sóc sức khỏe.
Đồng Tháp cũng đang hướng đến phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối tour – tuyến các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, khu di tích, điểm du lịch, làng nghề thủ công truyền thống,… đặc biệt các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ cây hoa sen, đưa hình ảnh hoa sen và các sản phẩm từ sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất sen hồng.
Tỉnh Bạc Liêu có một số sản phẩm du lịch đặc trưng mà du khách khắp nơi muốn trải nghiệm như: Nhà Công tử Bạc Liêu; Các khu điện gió với những trụ điện gió cao lớn nằm trên bãi bồi ven biển; Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu…
Ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, địa phương tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt nhằm nâng cao thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Bạc Liêu trên thị trường du lịch.
“Khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án về dịch vụ du lịch, nhất là các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các dự án quy mô lớn, chất lượng cao; tập trung mời gọi đầu tư các dự án dịch vụ du lịch trên địa bàn TP Bạc Liêu và địa bàn lân cận như: Các khách sạn đạt chuẩn 4 - 5 sao, hệ thống nhà hàng đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, nhất là các dự án xây dựng khu quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp ven biển, kinh doanh thương mại, ẩm thực, giải trí về đêm, khu phố đi bộ… để thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm” - ông Duy thông tin.