Chuyển động

Lối nào cho cổ phục trong phim

NAM PHONG 21/11/2023 12:42

Gần đây, bên cạnh kịch bản, nội dung phim được dàn dựng công phu, hấp dẫn, thì bối cảnh, trang phục cũng được các nhà làm phim quan tâm hơn, nhằm tạo ra khung cảnh trong phim sát với bối cảnh lịch sử nhất.

trang-phuc-nu-gioi-trong-phim-nguoi-vo-cuoi-cung-duoc-quan-tam-nhieu-hon-ca.-anh-nsx-cung-cap.jpg
Trang phục nữ giới trong phim “Người vợ cuối cùng”.

Đặc biệt là trang phục lại càng được chăm chút hơn. Bởi khán giả hiện nay đã có sự am hiểu nhất định về trang phục cổ. Chưa nói đến nội dung phim có hay, lôi cuốn hay không, nếu trang phục sai lệch quá lớn, dễ dẫn đến những phản ứng từ cộng đồng. Và thực tế cho thấy, hiện vẫn thiếu sự đồng đều trong tư duy và khả năng thiết kế trang phục khiến vấn đề cổ phục trong phim gây tranh cãi.

Mỗi phim một cách tiếp cận

Từ 4 phim cổ trang được phát hành gần đây nhất, chúng ta có thể thấy được những góc nhìn của các nhà làm phim trong thiết kế trang phục. Như “Đất phương Nam” là một bộ phim truyền hình dài tập do đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn thực hiện, phát sóng năm 1997, dựa trên tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của cố nhà văn Đoàn Giỏi. Sang đến năm nay, bộ phim điện ảnh hoành tráng mang tên “Đất rừng phương Nam” ra mắt lấy cảm hứng từ bộ phim truyền hình phát sóng năm 1997 và tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi. Bên cạnh những lời khen, bản điện ảnh lần này nhận về không ít phản ứng từ dư luận. Trong đó, những trang phục được xem là truyền thống lại có nhiều điểm không giống với trang phục Việt Nam. Nhiều bộ trang phục bị đem ra so sánh với áo trường bào của Trung Quốc dưới thời Dân quốc (từ năm 1912 đến năm 1949).

Sự việc của êkíp sản xuất “Đất rừng phương Nam” gợi nhớ đến bộ phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" dài 19 tập, được sản xuất nhân dịp đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đa phần cảnh phim được tiến hành quay tại phim trường Hoành Điếm (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) trong hơn 3 tháng. Bên cạnh bối cảnh phim có màu sắc xa lạ, trang phục của diễn viên cũng khiến khán giả cảm thấy thất vọng.

Ngay cả ngôn ngữ giao tiếp trong phim cũng bị chỉ trích do lạm dụng từ Hán - Việt. Người Việt Nam xưa nay vẫn gọi nhau hai từ “anh - em”, thay vì xưng hô với nhau là “huynh - đệ”. Thậm chí, GS Lê Văn Lan, khi đó là thành viên của Hội đồng Duyệt phim quốc gia, cũng từng bức xúc khi bộ phim không thể hiện được tính xác thực của lịch sử Việt Nam.

Đều là những bộ phim tôn vinh lịch sử, con người, miền đất của Việt Nam, vậy mà, những yếu tố tạo hình lại xa rời hình ảnh Việt, thì hẳn nhiên, khán giả sẽ khó có thể chấp nhận, dù nội dung phim có hay như thế nào.

trang-phuc-trong-phim-tet-o-lang-dia-nguc-dem-lai-cho-nguoi-xem-cam-giac-gan-gui-voi-nong-thon-bac-bo.-anh-tu-lieu.jpg
Trang phục trong phim "Tết ở làng Địa Ngục" đem lại cho người xem cảm giác gần gũi với nông thôn Bắc Bộ.

“Hồng Hà nữ sĩ” là một bộ phim kể về những thăng trầm trong cuộc đời của nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm. Vì phim lấy bối cảnh đất nước dưới thời vua Lê chúa Trịnh, nên những tư liệu hiện còn tồn tại để có thể tham khảo không nhiều. Nhà làm phim chỉ có thể dựa những hình ảnh. Nhưng tín hiệu đáng mừng là đội ngũ làm phim cũng đã cố gắng thoát khỏi tư duy “áo the, khăn đóng”, để tìm đến các trang phục đặc trưng của thời Hậu Lê, như áo giao lĩnh (dạng thức áo có cổ áo giao nhau), áo viên lĩnh (dạng thức áo có viền cổ tròn),… tương tự trong lịch sử Việt Nam.

Để trang phục trong phim có thể sát lịch sử nhất là điều rất khó, bởi các nhà nghiên cứu hiện nay khi phục dựng lại các mẫu trang phục thời Hậu Lê, bên cạnh những bức tranh, tấm áo, thư tịch còn sót lại, thì họ còn dựa vào những pho tượng thờ tại các di tích. Mà đôi khi, nghệ thuật tạo tượng lại không phản ánh được trang phục đương thời một cách chân thực nhất. Vì vậy, đối với những phim về thời Hậu Lê trở về trước, khán giả cần có sự cảm thông với các nhà làm phim. Song, các nhà làm phim cũng cần phối hợp, lắng nghe nhiều hơn những góp ý từ các nhà nghiên cứu để từng bộ xiêm áo trong phim đem đến cho khán giả cảm giác mãn nhãn nhất.

Mới đây, bộ phim “Người vợ cuối cùng” đã thành công trong việc đem đến cho khán giả cái nhìn toàn cảnh về trang phục của cả ba miền Bắc - Trung - Nam dưới thời Nguyễn.

Có ý kiến cho rằng, đạo diễn Victor Vũ có phần hơi tham lam các chi tiết, khiến cho một bộ phim đậm nét Bắc Bộ, lại dư thừa yếu tố văn hóa Trung Bộ và Nam Bộ, thể hiện qua trang phục của các bà vợ quan. Bản thân chính đạo diễn Victor Vũ cũng đã chia sẻ, đây là bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết, chỉ mượn bối cảnh thời phong kiến để vẽ nên câu chuyện giả tưởng về tình yêu và nỗi đau của người phụ nữ.

Nên về tạo hình, bộ phim cố gắng mang đến những hình ảnh tiệm cận thực tế lịch sử nhất, song, cũng có phần sáng tạo đôi chút. Sự sáng tạo này được đặt trong khuôn khổ đề cao nét đẹp truyền thống của cả ba miền (tóc búi bánh lái hoặc tóc vắn, áo ngũ thân tay chẽn hoặc tay thụng, chuỗi hạt đeo cổ, kiềng cổ...), đồng thời, cũng thể hiện cá tính điện ảnh của từng nhân vật. Dù là tham tiểu tiết, nhưng không thể phủ nhận sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng của đội ngũ làm phim.

“Tết ở làng Địa Ngục”, một bộ phim dài tập được chuyển thể từ tiểu thuyết kinh dị cùng tên mới được phát sóng gần đây được đánh giá cao nhất về trang phục.

Trước tiên cần phải nói, phim tập trung vào khai thác bối cảnh làng quê, đây vẫn luôn thế mạnh của phim Việt Nam trong nhiều năm qua. Vì là bối cảnh làng quê, nên phim đã sử dụng những phục trang phù hợp. Chính sự biết tiết chế của nhà sản xuất đã khiến cho bộ phim trở nên gần gũi với khán giả.

Từ 4 bộ phim nêu trên, có thể thấy mỗi bộ phim có cách tiếp cận riêng song, nhiều nhà làm phim cũng đã cố gắng để bộ phim tái hiện lại được không gian lịch sử chân thực nhất có thể. Cũng chính từ đó, khán giả hoàn toàn có thể đặt niềm tin rằng, trang phục cổ truyền xuất hiện trên màn ảnh đang từng bước được cải thiện và phát triển về mặt tạo hình hơn qua từng ngày.

tao-hinh-cua-dien-vien-tien-luat-trong-phim-dat-rung-phuong-nam-2023-bi-danh-gia-la-khong-giong-trang-phuc-truyen-thong-viet-nam.-anh-galaxy-studio.jpg
Tạo hình của diễn viên Tiến Luật trong phim “Đất rừng phương Nam” (2023) bị đánh giá là không giống trang phục truyền thống Việt Nam.

Để sự ước lệ không trở thành hư cấu

Trước khi bước lên màn ảnh, những trang phục cổ đã từng xuất hiện phổ biến trên các sân khấu nghệ thuật truyền thống, như tuồng, chèo… Song, phần lớn các trang phục biểu diễn đều mang tính ước lệ cao, thay vì tả thực. Đối với sân khấu tuồng, một loại hình nghệ thuật có sự tiếp biến từ Trung Hoa. Nên tất nhiên, khi sang Việt Nam, dù có sự “Việt hóa” để đối tượng thưởng thức là người Việt có thể dễ tiếp thu, nhưng trang phục biểu diễn vẫn giữ nguyên sự đề cao tính ước lệ.

Hay với chèo là nghệ thuật gần gũi với nhân dân lao động, nên trang phục trong chèo phần lớn là áo tứ thân đối với nữ, áo the, khăn xếp đối với nam. Nhiều năm trở lại đây, do có điều kiện, cũng như muốn tăng thêm tính thẩm mỹ cho trang phục trên sân khấu, nghệ thuật chèo xuất hiện những tấm áo với nhiều màu sắc rực rỡ hơn.

Nghệ thuật truyền thống biểu diễn trên sân khấu hay các bộ phim trình chiếu trên màn ảnh đều có điểm chung là nghệ thuật, nên các đạo diễn hoàn toàn có thể đưa yếu tố ước lệ vào tạo hình trang phục, nhằm giúp tác phẩm nghệ thuật của mình đạt đến hiệu quả thẩm mỹ nhất định. Tuy vậy, các nhà làm phim cần đặc biệt lưu ý, đừng quá xa rời trang phục truyền thống, để tác phẩm nghệ thuật của mình dù được đầu tư công phu, nhưng vẫn không đem đến hiệu quả truyền thông như mình mong muốn.

Từ những phim cổ trang của Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hiệu, đồng sáng lập thương hiệu cổ phục Vạn Thiên Y nhận xét, soi chiếu vào thực tế ở Trung Quốc, quốc gia đi đầu và đạt được nhiều thành công trong dòng phim cổ trang. Điển hình như phim “Hoàng kim giáp”, trang phục trong phim do nhà thiết kế Hề Trọng Văn thực hiện có phần không hoàn toàn giống với bối cảnh lịch sử mà phim thực hiện (từ năm 907 đến 979 sau Công nguyên). Thế nhưng, phục trang trong phim đã xuất sắc giành được Giải Sao Thổ cho Thiết kế trang phục xuất sắc nhất năm 2006.

Hay gần đây là phim “Phong thần” do nhà thiết kế Diệp Cẩm Thiêm thiết kế không hề sát với nhà Thương (từ khoảng năm 1600 đến 1050 trước Công nguyên). Được biết, ông đã từng giúp phim “Ngọa hổ tàng long” giành được nhiều giải thưởng danh giá như Giải Oscar cho thiết kế sản xuất xuất sắc nhất năm 2001, Giải BAFTA cho Thiết kế phục trang xuất sắc nhất năm 2001… Từ kinh nghiệm đạt giải ấy, cho thấy Diệp Cẩm Thiêm rất khéo léo trong việc kết hợp những yếu tố lịch sử với hư cấu, nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của khán giả.

Dù rằng, phim “Phong thần” do ông tham gia được đầu tư với kinh phí khổng lồ lên tới 1 tỷ Nhân dân tệ (tương đương gần 3.400 nghìn tỷ đồng). Vì thế, chưa thể đòi hỏi phim Việt Nam phải nhanh chóng có được những mẫu thiết kế như thị trường điện ảnh quốc tế. Dẫu vậy, thành công đó vẫn là một trường hợp đáng để tham khảo và học hỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lối nào cho cổ phục trong phim