Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE CREDIT) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 8.800 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh đại dịch vẫn liên tục có những diễn biến phức tạp, từ quý 2/2021, những tác động của dịch bệnh mới thực sự “ngấm” đối với hoạt động của các công ty tài chính, các ngân hàng. FE CREDIT, dù là một trong những công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng khi phần lớn các khách hàng của công ty này là những người lao động tự do, công nhân vốn có mức thu nhập thấp, nay lại càng khó khăn để duy trì nguồn thu nhập trong mùa dịch.
Dịch bùng phát mạnh, chỉ thị giãn cách nghiêm ngặt trên diện rộng tại 19 tỉnh miền Nam và nhiều tỉnh thành có các khu công nghiệp lớn ở phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương (vốn là các thị trường trọng điểm của mảng tài chính tiêu dùng)…đã tác động rất lớn tới hoạt động kinh doanh cho vay cũng như công tác thu hồi nợ của các công ty tài chính.
Theo FE CREDIT, công ty cũng phải đặc biệt chú trọng thực hiện các biện pháp giãn cách nhân viên, phân chia lịch làm việc tại nhà, tái cơ cấu hoạt động nhằm duy trì được năng suất, ổn định tâm lý làm việc và giữ gìn sức khỏe cho cả bộ máy nhằm hướng đến tăng trưởng ổn định và bền vững sau đại dịch. Do đó, hầu hết hoạt động của công ty vẫn ở mức cầm chừng, dư nợ cho vay giảm nhẹ 4,5% so đầu năm.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, FE CREDIT công bố tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 8.800 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, công ty cũng liên tục cải tiến về năng lực vận hành, áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh để tối ưu hóa chi phí.
Theo đó, chi phí hoạt động (OPEX) trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ ở mức 2.200 tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ. Đồng thời, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm mạnh còn 25,4% so với 31,7% của 6 tháng đầu năm 2019 và thuộc nhóm tốt nhất trong các công ty tài chính ở Việt Nam. FE CREDIT vẫn giữ vững được an toàn thanh khoản và công ăn việc làm cho người lao động.
Ngoài ra, việc VPBank ký kết thành công thỏa thuận bán vốn tại FE CREDIT cho đối tác Nhật Bản và công ty chứng khoán Bản Việt cũng gây một tiếng vang lớn trên thị trường, đồng thời giúp tạo dựng tiền đề hợp tác, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh tới ngành tài chính tiêu dùng ngày càng nặng nề, chi phí dự phòng rủi ro của FE CREDIT được ghi nhận ở mức cao hơn, dẫn đến lợi nhuận trước thuế của công ty trong 6 tháng đầu năm đạt mức 1.200 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh tăng trích lập dự phòng, trong 2 quý đầu năm, FE CREDIT tiếp tục có những hoạt động nhằm đồng hành và chia sẻ khó khăn với các khách hàng hiện hữu thông qua việc giảm lãi suất khoản vay và không ngừng nỗ lực xây dựng mức lãi suất phù hợp với khách hàng. Trong 5 tháng đầu năm 2021, FE CREDIT đã thực hiện giảm lãi suất vay cho 400.000 khoản vay với giá trị lên tới 2.000 tỷ đồng.
Con số này dẫn tới tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) giảm từ 29,1% xuống 26,9% trong 6 tháng 2021. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết nhằm chia sẻ với các khách hàng trong giai đoạn khó khăn và góp phần ổn định an sinh xã hội. Đồng thời, nhìn nhận ở góc độ của doanh nghiệp, những hoạt động chia sẻ kịp thời với khách hàng chính là kết quả của việc từng bước mau chóng cải thiện năng lực quản lý chi phí vốn, quản lý rủi ro, chi phí hoạt động của FE CREDIT trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng Giám đốc FE CREDIT cho biết: “Đứng trước tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại, FE CREDIT đã chủ động đề ra nhiều biện pháp ứng phó nhằm bảo toàn năng lực tài chính, nguồn lực lao động, duy trì hoạt động kinh doanh liên tục. Tuy nhiên, với thực tế dịch bệnh đang diễn biến vượt rất xa khỏi dự đoán, cần nhìn nhận rằng nợ xấu khó tránh khỏi nguy cơ sẽ tăng, không chỉ tại các công ty tài chính, mà cả các ngân hàng cho vay tiêu dùng”.
Ông Phúc cũng cho biết thêm, FE CREDIT đang khẩn trương thực hiện các giải pháp nhằm thích ứng với hoàn cảnh mới. Việc đầu tiên là điều chỉnh lại các sản phẩm cho phù hợp với tình hình dịch phức tạp và kéo dài như hiện nay. Cùng với đó, cần giữ liên lạc thường xuyên và thấu hiểu khó khăn của khách hàng để khi bắt đầu quay lại nhịp sống bình thường, khách hàng sẽ tiếp tục lựa chọn FE CREDIT đồng hành cùng họ.
Đối với các điểm giới thiệu sản phẩm hiện đang đóng cửa theo quy định của Nhà nước trong giai đoạn giãn cách, cần linh hoạt chuyển đổi việc bán hàng qua các kênh phân phối khác. Cuối cùng là cần phải kiểm soát chặt chi phí để tối ưu hóa lợi nhuận, không tăng nhân sự trong thời gian này. FE CREDIT kỳ vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi cũng như sẽ hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2021 và tạo đà cho một giai đoạn tăng trưởng bền vững.
Được biết, với tinh thần đồng hành, chung tay cùng cộng đồng vượt đại dịch, FE CREDIT đã và đang triển khai nhiều gói vay ưu đãi nhằm hỗ trợ nhu cầu tài chính kịp thời cho nhiều đối tượng khách hàng, trong đó có gói vay dành riêng cho cán bộ, nhân viên ngành y và ngành giáo dục. Công ty cũng ghi dấu ấn đặc biệt khi cùng VPBank ủng hộ 60 tỷ đồng vào Quỹ Vaccine phòng chống dịch Covid-19 với mong muốn góp phần chia sẻ nguồn tài chính với Nhà nước để mua vaccine, hướng tới mở rộng tiêm chủng cho người dân.