Văn học Việt Nam đương đại có không ít những nhà văn thành danh với tiểu thuyết. Tuy nhiên để giữ được một đời văn có dấu ấn trong địa hạt này thì không phải ai cũng làm được. Trong số những “nhà tiểu thuyết” được nhiều người nhắc đến có Nguyễn Bình Phương.
Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam vừa đồng tổ chức tọa đàm khoa học “Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại”. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của nhiều độc giả cũng và giới văn chương. Cũng phải nói rằng, tọa đàm về một nhà văn đương đại tại Việt Nam là rất hiếm hoi. Và vì thế, cũng có những ý kiến khác nhau.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn Hà Nội) cho rằng, nếu cần lựa chọn một hiện tượng tiêu biểu nhất của tiểu thuyết Việt Nam đương đại, ưu tiên số một chắc chắn sẽ là những sáng tác của Nguyễn Bình Phương. Dường như, Nguyễn Bình Phương đã tạo nên một mô hình tiểu thuyết mới, một lối tiếp cận hiện thực mới, một thực tại mới (trong tương quan với tiểu thuyết truyền thống). Như vậy, đặt vào chuyển động của văn học Việt Nam đương đại, đó là một đóng góp quan trọng của Nguyễn Bình Phương.
Dù còn có những điểm chưa đồng tình với Phạm Xuân Thạch, nhưng TS Hà Thanh Vân (Trường ĐH Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho rằng, giả sử phải kể tên 5 nhà văn có cá tính sáng tạo đặc sắc nhất của thời đương đại thì chắc chắn có tên của Nguyễn Bình Phương.
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về những sáng tác của Nguyễn Bình Phương khá kỹ trên nhiều phương diện: từ góc độ cảm nhận, phê bình tác phẩm cho đến đánh giá vai trò, vị trí của Nguyễn Bình Phương trong nền văn học Việt Nam đương đại; từ soi chiếu tác phẩm của nhà văn dưới góc nhìn phân tâm học đến việc vận dụng lý thuyết hậu hiện đại; từ phân tích tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương bằng lý thuyết của chủ nghĩa hiện sinh đến yếu tố kỳ ảo, từ việc khảo sát kỹ thuật viết tiểu thuyết của nhà văn cho đến việc đi sâu vào phương thức tự sự thể hiện trong tác phẩm… Còn có nhiều công trình nghiên cứu về thế giới nghệ thuật, nhân vật, điểm nhìn nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật về con người… trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương.
“Tuy nhiên với một đời văn dài, sung sức và còn đang sáng tác như tác giả Nguyễn Bình Phương thì có lẽ những nghiên cứu tiếp theo vẫn là cần thiết để có thể xác lập, định danh một phong cách sáng tạo có thể nói là độc đáo và nổi bật trong nền văn học Việt Nam đương đại”, TS Hà Thanh Vân kỳ vọng.
Ở một góc nhìn khác, nhà văn Phùng Văn Khai lại có đánh giá tương đối khắt khe khi cho rằng, nhà văn Nguyễn Bình Phương khá quan trọng trong đời sống văn học Việt Nam đương đại nhưng vẫn bị hạn chế là "đập cột dọc rất nhiều". Nhà văn Phùng Văn Khai so sánh nhà văn Lê Lựu có nhiều thành tựu hơn và khẳng định nhà văn Nguyễn Bình Phương có vị trí chừng mực trong nền văn học đương đại của chúng ta cũng đang còn rất chừng mực.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965 tại Thái Nguyên. Ông tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, bắt đầu viết từ năm 1986. Hiện Nguyễn Bình Phương là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ở địa hạt tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương được nhắc tới với “Bả giời”, “Vào cõi” (1991), “Những đứa trẻ chết già” (1994), “Người đi vắng” (1999), “Trí nhớ suy tàn” (2000), “Thoạt kỳ thủy” (2004), “Ngồi” (2006), “Mình và họ” (2014), “Kể xong rồi đi” (2017), “Một ví dụ xoàng” (2021)...
TS Đỗ Hải Ninh (Viện Văn học) nhìn nhận, trong vòng 30 năm, từ khi tiểu thuyết đầu tay “Bả giời” (1991) ra đời, đến cuốn tiểu thuyết mới nhất “Một ví dụ xoàng” (2021), Nguyễn Bình Phương liên tục và bền bỉ sáng tác, định hình một phong cách tiểu thuyết riêng. Mỗi tác phẩm mới ra đời là một dấu mốc của Nguyễn Bình Phương. Cũng theo vị TS này, trước năm 2000 sự tiếp nhận Nguyễn Bình Phương khá dè dặt, nhưng từ sau 2000 đã có sự khác biệt hoàn toàn.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương đã ngầm cho thấy sự khẳng định về một phong cách sáng tác riêng khi anh bày tỏ: “Người ta có thể làm ra rất nhiều thứ mà sau đó những thứ ấy không thuộc về họ. Nhưng văn chương lại khác. Nhà văn viết ra chữ nào thì chữ ấy là của anh ta, chỉ của anh ta. Dù sau đó người ta đọc nó kiểu gì, khuấy đảo, nhào lên trộn xuống ra sao, hay tô son trát phấn, cũng vẫn không cướp được chữ của nhà văn”. Có lẽ vậy nên TS Hà Thanh Vân đã phân tích: Nguyễn Bình Phương là người có lối viết khó có thể lẫn vào với bất kỳ một nhà văn Việt Nam nào khác.
Mà một đời văn, một đời sáng tác, có lẽ sự khẳng định và xác lập được một phong cách riêng, là điều mà mọi nhà văn đều hướng tới. Góp phần vào sự xác lập phong cách “dị văn” của Nguyễn Bình Phương, phải kể đến lối viết liên văn bản cùng với những tri thức liên văn hóa và liên ngành. Nếu xét từ phương diện đó, Nguyễn Bình Phương là người thành công. Đằng sau những thành công của Nguyễn Bình Phương, là một thái độ nghiêm túc với văn chương và tinh thần muốn để cho văn chương hướng đến chân trời tự do, trước hết là tự do trong sáng tạo nghệ thuật.
Đề cập đến nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương gồm nhân vật nghịch dị, không gian nghệ thuật nghịch dị, ngôn ngữ và biểu tượng nghịch dị, TS Huỳnh Thu Hậu (Trường ĐH Quảng Nam) cho rằng, Nguyễn Bình Phương là tác giả tiêu biểu với những cách tân đổi mới về thi pháp tiểu thuyết bằng tư duy nghệ thuật nghịch dị.
Bằng nghệ thuật nghịch dị, nhà văn Nguyễn Bình Phương đã nỗ lực lạ hóa thế giới nghệ thuật, kiến tạo một thế giới đầy những phi lí, mâu thuẫn, nghịch lí, chấn thương. Quan trọng hơn nữa, đó còn là sự nỗ lực nới giãn đường biên hiện thực, đường biên thể loại.
Đồng thời, nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết của anh gắn liền với cảm hứng phê phán cái xấu, lên án cái ác, phổ đề tài thường thấy là những mảng tối, những góc khuất trong đời sống. Trong khi viết về cái xấu, cái ác, kiến tạo con người tự làm mình nhỏ bé, đáng thương, con người xấu xí, tha hóa, đánh mất chính mình trong guồng quay hỗn độn của cuộc mưu sinh, nhà văn Nguyễn Bình Phương vẫn đau đáu và thống khổ với nỗi thống khổ của con người, vẫn luôn tin rằng trong cuộc đấu tranh gian khổ nhất, vĩ đại nhất, con người sẽ chiến thắng được chính mình, kiểm soát được chính mình.
Nhu cầu nhận thức và phê phán cái xấu, cái hạn chế, tiêu cực là nhu cầu cơ bản, giúp con người tự hoàn thiện mình. Nhà văn có quyền viết về cái xấu nhưng không ngợi ca nó mà để con người chế ngự nó, vượt qua nó, chiến thắng nó. Thông qua đó, người đọc được phản tỉnh, được suy ngẫm để sống đẹp hơn, sống mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt về nhân vật nghịch dị trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, trong sáng tác Nguyễn Bình Phương, phần lớn không còn nhân vật chính diện hay phản diện mà trộn lẫn con người của tốt-xấu, cao thượng-thấp hèn. Từ đó, hình thành các kiểu con người cô đơn, con người tha hóa, con người tự giễu nhại, tự ý thức, con người lệch chuẩn, con người xấu xí, dị dạng. Con người không tràn đầy lí tưởng mà đã được làm cho trở nên nhỏ bé đi, đầy bi kịch và thân phận trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương.
Đó còn là kiểu nhân vật người điên như gã tâm thần trong tiểu thuyết “Ngồi” của Nguyễn Bình Phương. Chân dung của gã tâm thần được khắc họa đầy vẻ nghịch dị. Kết hợp những yếu tố tương phản lẫn nhau: vô nghĩa và hàm chứa, nhìn mà không nhằm vào ai, những giấc mơ với đường biên là bãi bờ hoang vắng, Nguyễn Bình Phương kiến tạo một thế giới khác với thế giới hiện thực, đó là thế giới của những điều đang hình thành, đang diễn ra, thế giới tâm linh, vô thức mà con người chạm đến một cách vừa thích thú vừa cảm thấy khó hiểu.
Trong “Những đứa trẻ chết già”, nhà văn đã xây dựng nhiều gương mặt nghịch dị như nhan đề tác phẩm. Qua đó, nói lên hiện sinh bi đát của con người. Đồng thời, cũng phản ánh sự tha hóa của con người. Gióng lên một hồi chuông cảnh báo, tương lai của chúng ta sẽ ra sao khi những đứa trẻ chưa kịp lớn đã già nua, chết yểu. Ngoài ra, diễn ngôn mà tác giả muốn gửi đến cho người đọc là nỗi ám ảnh của con người trước thời gian. Thời gian có sức tàn phá và hủy diệt mạnh mẽ. Con người sinh ra chưa kịp sống đã vội héo tàn.
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học đánh giá: Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương như một sự tuyên bố từ chối các đại tự sự để chú ý vào các tiểu tự sự, các vi lịch sử từ đời sống; Tiểu thuyết của ông thường không quá dài, nhưng đó là những cấu trúc đa tầng, đầy thách thức; Nguyễn Bình Phương có ý thức thúc đẩy quá trình liên văn bản để kết nối các bình diện văn hóa, tri thức, văn học, lịch sử; Ngôn ngữ tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương mang nhiều dấu ấn cách tân.