Không ít người Philippines đã chọn lối sống “du mục kỹ thuật số” (digital nomad), vừa thoát khỏi sự ngột ngạt của dịch bệnh, vừa giúp đỡ các cộng đồng đang chật vật vì không có khách du lịch.
Khi thủ đô Manila đông đúc trở thành một điểm nóng về dịch bệnh Covid-19, giới trẻ Philippines đã chuyển tới các thị trấn nhỏ để làm việc từ xa và tận hưởng cuộc sống thoải mái hơn. Đây vốn là những điểm đến nổi tiếng nhưng nay trở nên hoang vắng vì hầu như không có khách du lịch.
Tanya Mariano, 37 tuổi, chia tay thủ đô tới sinh sống tại San Juan - một thị trấn nhỏ ven biển cách Manila vài giờ di chuyển. Là một chuyên gia truyền thông, Mariano cho biết việc chuyển nhà lần này là một “cải thiện lớn về cuộc sống”. Cô cảm thấy dễ chịu vì được sống bên đại dương và gần gũi với thiên nhiên. Hàng ngày, cô vẫn làm việc bình thường và tham gia các cuộc họp bằng máy tính xách tay.
Không có số liệu chính thức về những người “chia tay” Manila để làm việc từ xa, nhưng người ta thấy rằng những người như vậy đang nhiều lên. Mariano cho biết, khoảng 5 năm trở về trước, chỉ có người già mới tìm cách “trốn” khỏi đô thị suốt ngày ầm ĩ, nhưng nay thì hình như người trẻ lại “chuyển dịch” khỏi trung tâm nhiều hơn. “Xa trung tâm tất nhiên là tiện nghi ít hơn, nhưng đổi lại chúng tôi thấy mình hoàn toàn tự chủ, ít bị phụ thuộc và có thời gian cho riêng mình nhiều hơn” - Mariano cho biết và nói thêm rằng, đó cũng là cách lựa chọn “không bắt ai phải theo” nhưng là cách lựa chọn thông minh.
Một nhân viên làm việc tại Bộ Du lịch Philippines cho biết, “digital nomad” đã trở thành trào lưu khi mà ngày càng nhiều người trẻ bỏ Manila để đến sống tại các thị trấn. Denny Antonino - chủ một nhà hàng tại San Juan cho biết chính những cư dân “du mục kỹ thuật số” này đã đem lại thu nhập tốt cho người dân ở đây. “Họ có thu nhập cao hơn chúng tôi, nên mức tiêu pha của họ cũng tốt hơn. Vì thế cả hai bên đều được lợi” - Antonino nói. Theo anh, những vị khách đó vẫn có thể làm việc của mình, vừa được lướt sóng, đi bộ trekking, tới các thác nước hoặc rất nhiều thứ khác để làm - những thứ nếu ở Manila thì họ không dễ gì có được.
Còn tại “thiên đường du lịch” Boracay, quản lý khách sạn La Banca House cho biết trước đây các khu du lịch hoang vắng như những “thị trấn ma”. Nay đã khá hơn vì sự xuất hiện của những người chọn lối sống “du mục kỹ thuật số”.
Carlo Almendral - một giám đốc công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo tại Manila đã rời bỏ thủ đô đến “sống luân phiên” tại San Juan cho biết, hiện giờ mỗi sáng sớm anh lại được ngắm mặt trời lên, rồi đạp xe qua những ngôi làng hoặc đi lướt sóng. Ngày làm việc kết thúc bằng một cuộc họp bên bãi biển lúc hoàng hôn.
“Cuộc sống ở đây giúp tôi làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn” - Almendral chia sẻ.