Tại cuộc họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả bão Damrey (bão số 12), đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng do dự báo chưa chính xác dẫn tới nhiều tàu hàng chìm ở Quy Nhơn gây thiệt hại nặng nề.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên - Môi trường phủ nhận ý kiến này và khẳng định, dự báo bão Damrey và lũ sau bão là chính xác. “Tại sao các tàu cá đều vào bờ an toàn trong khi các tàu hàng lại thiệt hại nặng nề?”- Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Linh Ngọc đặt câu hỏi.
Trong tình thế khẩn cấp, thuyền trưởng tàu FEI YUE9 (quốc tịch Mông Cổ) quyết định lao tàu vào gành đá ở phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) để cứu các thuyền viên trong bão số 12. (Ảnh: Minh Hoàng/Zing).
Tính đến sáng 9/11, bão lũ đã làm 91 người chết, 23 người mất tích, trên 1.400 nhà sập, gần 120.000 nhà tốc mái, gần 1.300 tàu thuyền chìm, hư hỏng, trong đó có 10 tàu hàng gặp sự cố tại khu vực cảng Quy Nhơn (Bình Định), 8 tàu chìm, 2 tàu mắc cạn, nhiều thuyền viên chết và mất tích.
Thiệt hại về người và tài sản do cơn bão Damrey gây ra là vô cùng lớn khiến “trợ thủ” của các “tư lệnh ngành” đều như ngồi trên chảo lửa. Đó là lý do mà Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đề cập đến công tác dự báo bão của Bộ TNMT.
Thứ trưởng Công khẳng định, tỉnh Bình Định bị thiệt hại nặng nề do bão Damrey là điều rất đáng tiếc. Việc 8 tàu hàng chìm và 2 tàu mắc cạn ở khu vực cảng Quy Nhơn có nguyên nhân dự báo bão chưa chính xác.
Ông Công cho rằng, ban đầu các tàu nhận thông tin dự báo ảnh hưởng bão từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận nên chủ quan cho rằng Bình Định sẽ chịu ảnh hưởng không lớn của cơn bão Damrey. Song, trên thực tế, bão Damrey đổ bộ vào Bình Định quá mạnh đã gây ra thiệt hại nặng nề cho các tàu hàng.
Để minh chứng cho nhận định của mình, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định: Trước khi bão vào, bộ này đã cử các đoàn công tác về địa phương phối hợp ứng phó.
Tuy nhiên, căn cứ vào dự báo do Bộ TNMT đưa ra, các đoàn công tác không vào Bình Định mà chỉ tới TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Đà Nẵng, Nha Trang. Điều đó khiến các chủ tàu hàng ở Bình Định không chỉ không lường hết được sức tàn phá của cơn bão, mà còn không nhận được sự giúp đỡ của Bộ GTVT nên bị thiệt hại nặng nề.
Song, để tránh gây căng thẳng không cần thiết, ông Công xoa dịu: Đây không phải lỗi của Bộ TNMT hay ai cả, rõ ràng máy móc thiết bị của chúng ta chưa đáp ứng được nên dự báo chưa chính xác...
Tâm lý của Thứ trưởng Bộ GTVT hoàn toàn có thể hiểu được khi mà có tới 8 tàu hàng bị chìm, 2 tàu mắc cạn gây thiệt hại lớn về tài sản.
Chẳng thế mà Trung tướng Phạm Quang Cử - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an) phải thốt lên một cách đau xót: Cả hệ thống chính trị tham gia ứng phó bão nhưng thiệt hại vẫn rất lớn. Tới hôm nay thống kê có trên 100 người chết và mất tích, hàng trăm nghìn nhà sập và hư hỏng.
Tướng Cử cho rằng, nguyên nhân thiệt hại lớn là do chính quyền cơ sở chưa quyết liệt, người dân chủ quan không hình dung được sức tàn phá của cơn bão.
Với cách nhìn của tướng Cử thì việc thiệt hại lớn về người và tài sản là do bão đổ bộ vào nơi mà người dân ít phải hứng chịu những cơn bão lớn có sức tàn phá ghê gớm nên có tâm lý chủ quan.
“Nếu bão Damrey vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, tôi tin thiệt hại không đến mức này. Nhưng bão lại vào khu vực ít có bão nên người dân không có kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó” - Trung tướng Phạm Quang Cử nhận định và cho rằng, thiệt hại từ sự cố chìm tàu hàng ở cảng Quy Nhơn (Bình Định) khi bão đổ bộ là rất đau lòng bởi cả các cơ quan chức năng và người dân đã không lường trước được hậu quả.
Dù lãnh đạo Bộ GTVT đã “xoa dịu”, song Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Linh Ngọc vẫn khẳng định: Công tác dự báo bão Damrey và lũ sau bão là hoàn toàn chính xác.
Do vậy việc 8 tàu hàng bị chìm, 2 tàu mắc cạn hoàn toàn là do nguyên nhân chủ quan của con người. Để tăng sức thuyết phục, ông Ngọc đặt vấn đề: Vì sao tất cả tàu cá vào bờ an toàn mà tàu hàng lại bị thiệt hại lớn?
Trong các bản tin dự báo, đều có hình vẽ cảnh báo khu vực tâm bão và vùng ảnh hưởng có bán kính 100-200 km, vì sao các chủ phương tiện không lường được hậu quả tàn phá của bão Damrey?
Trong nỗ lực phản biện quan điểm của Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ TNMT tỏ ra đồng thuận với các lý giải nguyên nhân thiệt hại nặng bởi bão Damrey của Bộ Công an.
Ông Ngọc cho rằng, do người dân chưa hiểu biết nhiều về bão, thiếu kỹ năng phòng chống nên mới để xảy ra hậu quả thiệt hại nặng nề như vậy.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ TNMT thì việc các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa bị thiệt hại nặng nề bởi cơn bão Damrey là do kỹ năng phòng tránh bão có vấn đề. Theo đó Thứ trưởng Ngọc đề nghị cần phải nhìn thẳng vào thực tế vấn đề.
Còn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho rằng, tuy còn ý kiến khác nhau về công tác dự báo có thể do cách chuyển tải thông tin dự báo đến các bên còn nhiều vấn đề phải bàn, nhưng nhìn chung công tác dự báo vừa qua đã rất nỗ lực.
Song, dư luận xã hội lại không hề hài lòng về cách nói “bên nào cũng đúng” của ông Thắng. Đơn giản, người dân đòi hỏi phải phân định rõ trách nhiệm ai đã gây ra hệ lụy, hậu quả việc 8 tàu hàng bị chìm, 2 tàu bị mắc cạn tại cảng Quy Nhơn để từ đó tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục.
Vậy phải chăng, mọi thiệt hại nặng nề về người và tài sản đều là lỗi tại thiên nhiên? Dư luận xã hội cho rằng với tinh thần một cuộc họp mà các bộ, ngành liên quan thay vì nhận trách nhiệm lại cứ đổ lỗi cho nhau, hoặc xoa dịu thì chẳng rút ra được bài học gì, đồng thời cũng sẽ không thể có giải pháp khắc phục, phòng tránh khi có bão Damrey phẩy ập tới.
Nếu có một cơn bão tương tự với sức tàn phá ghê gớm ập tới thì chắc chắn hậu quả thiệt hại về người và tài sản sẽ vẫn diễn ra nghiêm trọng mà cuối cùng lỗi chẳng thuộc về ai, bộ ngành nào cả. Bởi đó là lỗi tại... thiên nhiên.