Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa VIII), chất lượng tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị-xã hội ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Long An có nhiều chuyển biến tích cực.
Phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Năm 2006, toàn tỉnh có 190 UBMTTQ Việt Nam cấp xã, trong đó có 156/190 xã mạnh, 29 xã khá, 5 xã trung bình; có 5.142 thành viên UBMTTQ Việt Nam cấp xã, trong đó có 1.165 cá nhân tiêu biểu. Thành viên UBMTTQ Việt Nam cấp xã ngoài Đảng 2.304 người (chiếm 44,80%), thành viên nữ 854 người (chiếm 16,6%). Toàn tỉnh có 1.005 ban Công tác Mặt trận với 10.162 thành viên. Qua xếp loại, có 844 ban mạnh, 148 ban khá, 13 ban trung bình.
Hiện nay, tổng số UBMTTQ Việt Nam cấp xã là 192, có 190/192 xã mạnh, 2 xã khá, tăng 34 xã mạnh, không có xã trung bình. Tổng số thành viên UBMTTQ Việt Nam cấp xã là 6.687 người (tăng 1.545 người), trong đó, số cá nhân tiêu biểu là 1.463 người (tăng 298 người). Có 2.906 thành viên UBMTTQ Việt Nam cấp xã là người ngoài Đảng (chiếm 43,45%), giảm 1,35%; 1.812 thành viên nữ (chiếm 27,09%), tăng 10,49%. Tổng số ban Công tác Mặt trận là 1.036 ban với 10.941 người (tăng 31 ban và tăng 779 người). Qua xếp loại, có 1.012/1.036 ban mạnh, 24 ban khá (tăng 168 ban mạnh, không còn ban xếp loại trung bình).
Năm 2006, có 83 ban tư vấn với 491 thành viên, đến nay, tăng lên 199 ban với 1.459 thành viên. Các thành viên ban tư vấn tích cực tham gia đóng góp các dự thảo luật.
Từ năm 2007 đến 2012, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp Trường Chính trị biên soạn tài liệu và tổ chức 8 lớp tập huấn tác nghiệp cho 329 chủ tịch UBMTTQ Việt Nam cấp xã. Từ năm 2013 trở đi, hàng năm đều mở lớp bồi dưỡng cho chủ tịch UBMTTQ Việt Nam cấp xã. Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp huyện phối hợp tổ chức bồi dưỡng cho các phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn và trưởng ban Công tác Mặt trận ấp, khu phố với 14.053 lượt người dự.
Công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Mặt trận luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, nhất là cấp xã. Đến cuối năm 2014, có 184/192 chủ tịch Mặt trận cấp xã tốt nghiệp THPT (đạt 95,83%), 152/192 chủ tịch Mặt trận có trình độ trung cấp chính trị (đạt 79%).
MTTQ các cấp nhận thức đầy đủ về Nghị quyết 05-NQ/TU, quan tâm chỉ đạo củng cố tổ chức, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, từng bước đáp ứng yêu cầu về trình độ chính trị, năng lực công tác. UBMTTQ Việt Nam cấp xã luôn quan tâm củng cố, kiện toàn và mở rộng tổ chức; bổ sung, thay thế, kết nạp thành viên bảo đảm đúng thành phần và số lượng theo quy định.
UBMTTQ Việt Nam cấp xã phối hợp các tổ chức thành viên tăng cường củng cố tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động do Mặt trận phát động. Đến nay, có 1.017/1.037 ấp, khu phố văn hóa, 104/192 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Hàng năm, 100% xã, phường, thị trấn thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu của cuộc vận động Ngày Vì người nghèo, trong đó, các cấp Mặt trận vận động 145,4 tỉ đồng, triển khai xây dựng 7.502 nhà đại đoàn kết với số tiền 124,1 tỉ đồng và sửa chữa 771 căn nhà đại đoàn kết với số tiền 4,8 tỉ đồng cho hộ nghèo,...
Được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, các sở, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên triển khai thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, giúp người tiêu dùng nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi, xem việc ưu tiên sử dụng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước và bước đầu hình thành nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Hàng năm, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh có hướng dẫn học tập các chuyên đề về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Rèn luyện tư cách người cán bộ Mặt trận theo Quyết định 1761/QĐ-MTTW-BTT, ngày 10/1/2013, của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.