Học lập trình không chỉ rèn luyện cho học sinh những kỹ năng về tư duy, sáng tạo, xử lý thông tin, giải quyết vấn đề… mà còn khơi dậy đam mê, định hướng nghề nghiệp ngay từ khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
Học lập trình trở thành xu thế thiết yếu
Tháng 11/2022, OpenAI ra mắt ứng dụng ChatGPT, cán mốc 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng nhờ các khả năng đáng kinh ngạc như phân tích, tổng hợp thông tin, biên phiên dịch, sáng tạo nội dung.
Sự xuất hiện bùng nổ của ChatGPT tạo nên một cú huých cho cuộc chạy đua AI (trí tuệ nhân tạo) giữa các ông lớn công nghệ và trái ngược, khiến một bộ phận lao động các ngành nghề nơm nớp một nỗi lo mất nghề bởi AI.
Trên thực tế, trong lịch sử phát triển, không ít lần thế giới chứng kiến việc công nghệ thay thế con người, từ máy tính, mạng Internet đến điện thoại thông minh rồi robot và hiện tại là AI. Công nghệ tiến bộ không ngừng từng phút từng giây, mở ra cơ hội và thách thức con người chủ động học hỏi, phát triển.
Để không bị thay thế bởi công nghệ, con người cần làm chủ được công nghệ. Nghiên cứu từ Lightcast (công ty hàng đầu thế giới về phân tích thị trường lao động) cho thấy, 8 trên 10 việc làm yêu cầu ứng viên có ít nhất 1 kỹ năng công nghệ dù ở lĩnh vực nào.
Tới năm 2030, Việt Nam định hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trên đa dạng các lĩnh vực, đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao. Điều mà vốn dĩ là một bài toán khó khi theo TopDev (nền tảng hàng đầu về tuyển dụng IT) chỉ 30% các lập trình viên Việt Nam đáp ứng được chuyên môn, đồng thời hạn chế về kỹ năng thực hành, ứng dụng.
Có thể nhận thấy rằng, Việt Nam đang nỗ lực giải quyết vấn đề với chìa khóa cốt lõi là giáo dục. Theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh từ lớp 3 bắt buộc học môn Tin học cùng nhiều các chính sách đổi mới nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin cho học sinh, sinh viên.
Như vậy, từng bước tương lai của Việt Nam là các thế hệ khẳng định được trình độ kiến thức, kỹ năng về công nghệ, sẵn sàng cùng đất nước “chạy đua” trong kỷ nguyên số.
Lớp học lập trình hoàn toàn miễn phí cho học sinh mọi miền
Tổng thống Barack Obama từng chia sẻ: “Đừng chỉ chơi game trên điện thoại, hãy học lập trình ở đó”. Chính vì vậy, học lập trình không đơn thuần là học cách giao tiếp hiệu quả với máy tính, mà còn để đảm bảo cơ hội phát triển, cạnh tranh nghề nghiệp trong tương lai.
Để như vậy thì ngoài chương trình giáo dục bài bản trên trường lớp, học sinh cần được mở rộng điều kiện và không gian để thực hành, rèn luyện ở mọi lúc, mọi nơi và được phá bỏ rào cản về chi phí.
Với mục tiêu đồng hành cùng học sinh khắp mọi miền tiếp cận với lập trình sớm, Khan Academy Vietnam (KAV) ra mắt khóa học trực tuyến “Lập trình bằng Javascript - Lập trình web” được chuyển ngữ và bản địa hoá từ bản tiếng Anh của Khan Academy - nền tảng với hơn 150 triệu người dùng đến từ 192 quốc gia.
Tất cả các bạn học sinh tham gia vào khóa học lập trình đều được trải nghiệm chất lượng giáo dục đẳng cấp quốc tế, đặc biệt hoàn toàn miễn phí.
Khóa học đảm bảo nội dung kiến thức từ căn bản đến ứng dụng sâu rộng, nâng cao, kết hợp học và thực hành qua các bài tập thử thách và dự án cá nhân, khoá học cho các em tiếp xúc với Javascript, HTML, CSS hay SQL để tự mình xây dựng một website hoàn chỉnh, có tính ứng dụng cao.
Đặc biệt, trong tháng 7 và 8, đội ngũ KAV cùng các chuyên gia công nghệ đến từ nền tảng Azota triển khai lớp học mở Lập trình web hoàn toàn miễn phí.
Lớp học được dạy trực tuyến qua zoom vào các buổi tối trong tuần, kết hợp việc giao bài và thực hành thông qua nền tảng Khan Academy.
Ngoài kiến thức chuyên môn, các em được lắng nghe những chia sẻ chân thực nhất từ “người trong nghề” là thầy Nguyễn Hải Âu - Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành tại Azota cùng thầy Nguyễn Văn Anh - Kỹ sư công nghệ tại Azota.
Từ đó, các em được mở mang góc nhìn thực tế về lập trình nói riêng và công nghệ nói chung, tạo bước đệm trở thành các lập trình viên, kỹ sư phần mềm tài năng trong tương lai, góp sức đẩy nhanh tiến trình số hoá của Việt Nam.