Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Pakistan vừa cho biết, mưa lớn đã gây ra lũ quét và tàn phá phần lớn Pakistan kể từ giữa tháng 6, khiến 903 người chết và khoảng 50.000 người mất nhà cửa.
Hàng nghìn ngôi nhà bị cuốn trôi và phần lớn cư dân hiện đang sống trong những căn lều, cách xa những ngôi làng và thị trấn bị ngập lụt của họ hàng dặm, sau khi được các binh sĩ, nhân viên thảm họa địa phương và tình nguyện viên giải cứu.
Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia cho biết hôm 24/8 rằng, 126 người đã thiệt mạng trong các sự cố liên quan đến lũ lụt trong 48 giờ qua, với hầu hết nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
Lũ lụt đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế của Pakistan. Thủ tướng Shahbaz Sharif đã đưa ra lời kêu gọi từ nước ngoài, kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Pakistan.
Chính phủ Thủ tướng Sharif đã hứa sẽ bồi thường cho những người bị mất nhà cửa trong lũ lụt.
Sau cuộc hội đàm hôm 24/8 với Tiểu vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, Thủ tướng Sharif đã thông báo rằng Cơ quan Đầu tư Qatar chuẩn bị đầu tư 3 tỷ USD vào Pakistan. Chuyến đi là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Sharif tới Qatar trên cương vị Thủ tướng kể từ khi ông thay thế ông Imran Khan, người bị lật đổ trong tình trạng bất tín nhiệm trong Quốc hội vào tháng 4.
Sau khi gây ngập phần lớn vùng Tây Nam Baluchistan và phía Đông tỉnh Punjab, lũ quét đã bắt đầu ảnh hưởng đến cả tỉnh phía Nam Sindh. Các nhà chức trách trong tuần này đã đóng cửa các trường học ở Sindh và Baluchistan.
Ông Sherry Rehman, Bộ trưởng phụ trách biến đổi khí hậu của Pakistan, đã đăng tải thông tin cho biết, chính quyền địa phương không thể tự đối phó và kêu gọi cộng đồng thế giới giúp đỡ.
Đoạn phim của Đài truyền hình Pakistan đã cho thấy, cảnh người dân lội qua dòng nước cao đến thắt lưng, ôm con và đội những vật dụng cần thiết trên đầu. Lực lượng cứu hộ đã sử dụng xe tải và thuyền để sơ tán người dân đến những nơi an toàn hơn, cùng thực phẩm, lều trại và các vật dụng cơ bản khác đã được gửi đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Ở một số nơi, theo đưa tin, các gia đình đã phải vật lộn để chôn cất người thân của họ vì các nghĩa địa tại nhiều địa phương cũng bị ngập trong nước lũ.
Mưa, gió mùa, bắt đầu từ giữa tháng 6, dự kiến sẽ tiếp tục trong tuần này, chủ yếu ở phía Nam.
Ông Murad Ali Shah, quan chức dân cử hàng đầu ở tỉnh Sindh, cho biết tình hình hiện tại còn tồi tệ hơn năm 2010, khi lũ lụt giết chết ít nhất 1.700 người ở Pakistan, chủ yếu ở Sindh.
"Chúng tôi đang cố gắng hết sức để sơ tán người dân khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt", ông nhấn mạnh.
Lũ lụt đã làm hư hại 129 cây cầu trên khắp Pakistan, làm gián đoạn việc cung cấp trái cây và rau quả cho các thị trường và khiến giá cả tăng vọt.
Các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu đã gây ra điều kiện thời tiết thất thường ở Pakistan, dẫn đến các đám mây bùng phát và sự tan chảy của các sông băng đã tạo thành các dòng sông. Họ nói rằng việc hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang làm hành tinh nóng lên sẽ giúp hạn chế các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn trên khắp thế giới, bao gồm cả ở quốc gia Nam Á này.
Nhà khoa học Shahla Gondal cho biết: “Trong những thập kỷ gần đây, chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một trận mưa lớn bất thường như vậy ở Pakistan", đồng thời nói thêm rằng, nơi đây đang thiếu trang bị và chưa biết đối phó như thế nào với thảm họa lũ lụt.