Trong hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024, có 63% chọn bài thi Khoa học xã hội (KHXH), cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
Cụ thể, năm nay cả nước có 1.071.395 thí sinh đăng ký dự thi, tăng khoảng 45.000 thí sinh so với năm trước. Trong đó, có 37% thí sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) gồm 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; 63% thí sinh chọn bài thi KHXH gồm 3 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. So với năm 2023, số thí sinh chọn bài thi KHXH tăng 7,7%. Đây cũng là con số cao nhất trong vòng 6 năm qua. Từ năm 2018 đến nay, số thí sinh đăng ký bài thi KHXH khoảng 48-56%.
Những năm gần đây, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi KHXH luôn nhỉnh hơn so với bài thi KHTN và có xu hướng tăng dần qua các năm. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng theo Chương trình GDPT 2006. Từ năm sau sẽ bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên cho học sinh (HS) theo Chương trình GDPT 2018 nên nhiều thí sinh lựa chọn bài thi KHXH để đảm bảo an toàn cho mục tiêu tốt nghiệp.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã thông tin rõ về việc HS học theo chương trình giáo dục nào sẽ thi chương trình đó. Từ năm 2025, những HS chưa đỗ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình GDPT đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của HS.
Mặc dù các thí sinh không phải lo học theo Chương trình GDPT 2006 mà phải thi theo Chương trình GDPT 2018, nhưng việc trượt tốt nghiệp, phải thi lại là điều không ai mong muốn. Vì vậy, việc nhiều thí sinh quyết định chọn bài thi KHXH được lý giải là phù hợp bởi theo các em, những môn thi Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân tương đối gần gũi với cuộc sống, có thể suy luận tình huống, suy đoán đáp án và giúp học sinh thoát “điểm liệt”, đạt được mục đích tốt nghiệp.
Với những thí sinh chọn xét tuyển đại học (ĐH) bằng các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ hoặc có phương án xét tuyển sớm chắc suất vào ĐH thì việc lựa chọn bài thi KHXH cũng sẽ giúp các em có nhiều thời gian hơn để đầu tư vào các môn này, giảm bớt áp lực của việc ôn thi tốt nghiệp THPT.
Theo phân tích của một số giáo viên có nhiều năm ôn tập cho học sinh lớp 12, nếu nhìn vào phổ điểm thi THPT quốc gia các năm trước, việc nhiều HS lựa chọn môn KHXH cũng là lựa chọn thực tế. Như năm 2023, môn Lịch sử có trên 24% bài thi dưới điểm trung bình và môn Địa lý có 13,35% thí sinh đạt điểm dưới trung bình. Tuy nhiên, điểm môn Giáo dục công dân lại rất khả quan, với 99,03% bài thi trên điểm trung bình. Như vậy, nếu cộng điểm thành phần 3 môn lại, điểm bài thi vẫn bảo đảm đủ điều kiện xét tốt nghiệp do điểm môn Giáo dục công dân có thể gánh được điểm của 2 môn học còn lại.
Thời điểm này, thầy và trò đang miệt mài ôn tập để chuẩn bị cho chặng đường về đích. Để đạt thành tích cao nhất, giai đoạn này HS cần xây dựng chiến lược ôn tập hợp lý, trong đó với từng môn học cần có những “bí quyết riêng”.
Đơn cử, với môn Toán, cô Đặng Thị Ngọc Huệ, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ, các em cần chia thời gian hợp lý để hệ thống lại lý thuyết, các công thức và các dạng bài tập. Trong đó, HS ở mức trung bình, đặt mục tiêu đạt từ 5-8 điểm phải làm tốt từ câu 1 đến câu 35 trong đề minh họa và các đề ôn tập. Đầu tiên, HS cần phải nắm vững lý thuyết và kiến thức ở mức vận dụng thấp. Sau đó, các em chăm chỉ luyện đề, làm các dạng bài tập.
Trương Quỳnh Diễm Thuận, thủ khoa khối C00 tỉnh Bình Định năm 2022 chia sẻ, giai đoạn này các bạn cần hoàn thiện trọn vẹn các kiến thức để bước vào quá trình luyện đề. Phải rèn luyện mình sự tỉ mỉ và cẩn thận khi làm bài để bài thi đạt được kết quả tốt nhất, tránh mất điểm ở các kiến thức cơ bản. Đặc biệt, khối thi C00 có kiến thức rất dài và nặng, nên cần học tập có chọn lọc và bám chắc các kiến thức nền tảng cơ bản, có như vậy thì sẽ dễ dàng chinh phục được các kiến thức nâng cao.