Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 sẽ diễn ra trong 3 ngày (21 - 23/8).
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, “từ thành công của Đại hội MTTQ cấp cơ sở, quận, huyện cùng công tác chuẩn bị chu đáo, đồng bộ tin tưởng, Đại hội đại biểu MTTQ thành phố sẽ thành công tốt đẹp, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, chung sức xây dựng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn Thủ đô”.
PV: Thưa bà, đến thời điểm này Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn TP Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Đây chính là tiền đề, tạo tâm thế để tổ chức thành công Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029?
Bà Nguyễn Lan Hương: Tính đến ngày 26/6, 30/30 quận, huyện, thị trên địa bàn Thủ đô đã tổ chức thành công Đại hội. Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy, sự phối hợp tích cực của chính quyền và sự vào cuộc một cách chủ động của Ủy ban MTTQ các cấp nên việc tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp quận, huyện nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã thành công tốt đẹp.
Công tác tổ chức trước, trong và sau Đại hội được MTTQ các cấp trên địa bàn Thủ đô chuẩn bị rất chu đáo. Các báo cáo chính trị, tham luận tại Đại hội đều bám sát thực tế công tác, nêu bật những điểm đạt, chưa đạt tạo không khí thảo luận sôi nổi, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Qua đó, giúp nhân dân hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam. Đây chính là tiền đề để thành phố tổ chức thành công Đại hội đại biểu MTTQ TP Hà Nội trong tháng 8 tới.
Để chuẩn bị cho Đại hội, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã sớm thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và các tiểu ban phục vụ Đại hội; ban hành nhiều kế hoạch, hướng dẫn cũng như Kế hoạch tổ chức Đại hội, hướng dẫn tổ chức Đại hội các cấp, kế hoạch tuyên truyền, đề án nhân sự… Nhất là việc tập trung xây dựng văn kiện Đại hội cũng như phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội.
Ngay sau khi phát động đợt thi đua, nhiều địa phương đã tích cực hưởng ứng bằng những công trình, phần việc cụ thể. Không khí thi đua khẩn trương. Trong đó, đáng chú ý là Hà Nội đã đồng loạt khởi công xây, sửa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc 15 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Trong đó, xây mới 462 hộ và sửa chữa 263 hộ, tổng kinh phí 61,98 tỷ đồng. Mức kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 100 triệu đồng/nhà. Ngân sách thành phố hỗ trợ 50 triệu đồng, Quỹ “Vì người nghèo” thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng, Quỹ “Vì người nghèo” cấp huyện, cấp xã 20 triệu đồng.
Ngoài ra, trong quá trình lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia Ủy ban MTTQ thành phố nhiệm kỳ 2024-2029, chúng tôi cố gắng phát hiện, giới thiệu những người có năng lực, uy tín, tâm huyết và trách nhiệm với công tác Mặt trận; đảm bảo cơ cấu thành phần, chú trọng tính đại diện, tính tiêu biểu, thể hiện rõ việc mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhìn lại nhiệm kỳ 2019-2024, bà thấy những thành tích nào được coi là điểm nhấn của MTTQ các cấp TP Hà Nội?
- Nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp thành phố đã thực hiện nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước có ý nghĩa thiết thực, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia với tinh thần hăng hái, sáng tạo, đoàn kết, đóng góp có hiệu quả vào công cuộc xây dựng Thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại. Trong đó, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, với những cách làm mới, sáng tạo đã thực sự lan tỏa vào đời sống của các tầng lớp nhân dân, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Ở mỗi cấp đều chọn điểm chỉ đạo để quán triệt thực hiện, gắn việc xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm.
Đặc biệt, với phương châm “lấy sức dân để chăm lo cho đời sống nhân dân”, MTTQ các cấp TP Hà Nội đã chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nhân dân huy động nguồn lực, hiến đất, góp công xây dựng kết cấu hạ tầng, tham gia phát triển kinh tế tập thể, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường… xây dựng các cộng đồng dân cư văn minh và hạnh phúc. Trong nhiệm kỳ, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp thành phố đã vận động được trên 313 tỷ đồng. Toàn thành phố trích trên 315 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây dựng và sửa chữa 4.578 nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ 25.546 học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được đi học, hỗ trợ sinh kế cho 7.756 hộ, hỗ trợ khám chữa bệnh cho 7.195 người nghèo và các hỗ trợ khác trị giá 156,4 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố xuống còn 0,03%, hộ cận nghèo còn 0,7%.
Nói về những kết quả đạt được, thưa bà, không thể không nhắc tới công tác nắm bắt dư luận xã hội. Đây có thể nói là một điểm mạnh của MTTQ các cấp TP Hà Nội?
- Đúng vậy, có thể nói công tác nắm bắt dư luận xã hội phát huy hiệu quả khá tốt, vai trò hoạt động của từng cộng tác viên được nâng lên. Qua nắm bắt tình hình thực tế tại các địa phương về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, MTTQ các cấp đã kịp thời định hướng dư luận, tuyên truyền trong nhân dân về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc được phản ánh kịp thời về Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Thành ủy và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Từ đó, giúp thành phố giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc nổi cộm trong nhân dân, hạn chế phát sinh điểm nóng diễn ra, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đây là những kết quả tạo động lực cho những người làm công tác Mặt trận.
Cùng với việc nắm bắt tốt dư luận xã hội, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được tập trung thực hiện có hiệu quả và ngày càng đi vào nền nếp. MTTQ các cấp đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức giám sát, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, gắn với những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân.
5 năm qua, MTTQ các cấp thành phố đã tổ chức 4.428 đoàn giám sát, phối hợp tham gia 6.920 đoàn giám sát. Trong những năm đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng và HĐND các cấp, MTTQ các cấp đã ký Quy chế phối hợp với HĐND, UBND cùng cấp; chủ động, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng các chủ trương, chính sách mới bằng việc tham gia góp ý và tổ chức phản biện xã hội vào các dự thảo Nghị quyết của HĐND cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và các chuyên đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Nhiều nội dung giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đã mang lại kết quả tích cực, được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận đánh giá cao. Qua đó kịp thời khắc phục những thiếu sót, bất cập, tạo sự đồng thuận và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Trân trọng cảm ơn bà!
Đại hội đại biểu MTTQ TP Hà Nội khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029 với chủ đề: Đoàn kết – Dân chủ - Trách nhiệm – Sáng tạo – Phát triển. Trong nhiệm kỳ 2024-2029, hệ thống MTTQ Việt Nam thành phố xác định 3 khâu đột phá tập trung thực hiện, đó là: Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ các cấp thành phố Hà Nội theo hướng ích nước, lợi dân, linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại; Nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.