Phải công khai biên bản thẩm định sách giáo khoa (SGK) đối với các bản mẫu SGK và công khai file mềm các bản mẫu SGK đã được phê duyệt trên mạng để các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và có cơ sở để lựa chọn SGK sau này. Đó là đề nghị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với Bộ GDĐT trong một cuộc họp vào tháng 10/2019 về vấn đề SGK.
Bản mẫu SGK lớp 1 mới của NXB Giáo dục Việt Nam.
Sẽ tính toán để công khai biên bản thẩm định?
Danh mục 32 cuốn SGK lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đã được Bộ GDĐT chính thức công bố. Tuy nhiên, đến nay hình hài các cuốn sách này ra sao thì đa số người dân vẫn chưa được tiếp cận. Ngoài một số lần NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo trong đó có giới thiệu các bản mẫu SGK với khuôn khổ giới hạn người tham dự thì đến nay, các cuốn SGK này vẫn chưa chính thức xuất hiện trên thị trường do chưa có giá bán chính thức.
Như vậy, việc tiếp cận các bản thảo SGK để tham khảo, chọn lựa từ các cấp quản lý và giáo viên, học sinh và toàn xã hội là chưa có cơ sở. Chính vì vậy, một trong những vấn đề đặt ra là tới đây, Bộ GDĐT có công khai chế bản điện tử của các cuốn sách này không? Mặc dù điều này còn liên quan đến vấn bản quyền, kế hoạch kinh doanh của đơn vị xuất bản sách tuy nhiên mong muốn của nhiều người là sẽ được tiếp cận với các bộ sách này càng sớm càng tốt. Đặc biệt, nếu có bản điện tử thì sẽ dễ dàng cho các cá nhân, đơn vị ở vùng sâu, vùng xa tham khảo khi các cuốn sách mới sẽ khó có đủ tại các hiệu sách trên địa bàn do lo ngại, nếu bộ sách đó không được địa phương chọn thì bán cho ai?
Vấn đề thứ hai, người sử dụng SGK cũng cần biết đánh giá của Hội đồng Thẩm định, cần xem SGK của các tác giả, đơn vị xuất bản có ưu, nhược điểm gì, có đặc trưng thế nào thì mới có thông tin để chọn sách nào phù hợp.
Trả lời vấn đề này, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết, biên bản của Hội đồng Thẩm định trải qua 2 vòng thẩm định rất chi tiết và mang tính kỹ thuật. Có những biên bản lên tới 40 trang. Vì thế nếu công khai tất cả các biên bản thẩm định thì sẽ rất nhiều và có những nội dung kỹ thuật mà khi công khai có thể người đọc không nắm bắt được.
“Chúng tôi sẽ tính toán, có thể sẽ biên tập lại nội dung kết luận của Hội đồng Thẩm định, nếu công khai”- ông Thái Văn Tài nói và chia sẻ thêm trong quá trình thẩm định, Hội đồng Thẩm định đã công khai các biên bản và có đối thoại với các tác giả, nhóm tác giả.
Công khai quy trình chọn sách
Trả lời câu hỏi, làm thế nào tránh lợi ích nhóm khi địa phương chọn SGK, ông Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, việc lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông được quy định: “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT”.
Ngoài việc ban hành Thông tư quy định việc lựa chọn SGK với các quy định cụ thể nhưng vẫn đảm bảo linh hoạt, không cứng nhắc, Bộ GDĐT cho biết, sẽ triển khai công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, các nhà xuất bản thực hiện tốt các khâu lựa chọn SGK lớp 1. Đồng thời tổ chức tập huấn sử dụng SGK theo Chương trình GDPT 2018, thực hiện việc in và phát SGK đảm bảo đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020-2021 và các năm học tiếp theo.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì nhân lực của Bộ GDĐT không thể đủ để giám sát cả 63 tỉnh thành trong cả nước vì vậy việc tham gia giám sát của người dân và xã hội là rất quan trọng. Muốn vậy, quy trình chọn SGK ở các tỉnh sẽ phải công khai không chỉ là mong muốn mà còn phải được nghiêm túc thực hiện tại tất cả các tỉnh thành để người dân và các cơ quan, tổ chức khác có cơ sở giám sát.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết khi xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn chọn SGK, Bộ GDĐT cũng đã lường đến những tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình chọn SGK, nên quy định cụ thể việc giao các tỉnh xây dựng tiêu chí chọn sách phù hợp với quy định chung nhưng thích hợp nhất với điều kiện riêng ở mỗi địa phương, xây dựng quy trình làm việc của hội đồng chọn sách.
Hiện Dự thảo Thông tư chọn SGK của Bộ GDĐT có quy định việc thành lập hội đồng, thành viên hội đồng phải tiếp cận ý kiến của giáo viên trong các trường và phụ huynh tại địa bàn của mình. Nếu quy trình được công khai thì chắc chắn với số lượng khá đông giáo viên trong hội đồng chọn SGK, ý kiến của các giáo viên và phụ huynh khác sẽ được lắng nghe, tập hợp chứ không thể chỉ làm cho có. Như vậy, mong muốn giáo viên – người trực tiếp giảng dạy được chọn sách sẽ được thực hiện thay vì việc chọn sách theo tiêu chí cứng từ các cấp quản lý, cụ thể là UBND tỉnh. Điều này sẽ góp phần ngăn chặn được “lợi ích nhóm” nếu có bởi những cuốn sách tốt, phù hợp với địa phương về lâu dài chắc chắn sẽ được cuộc sống lựa chọn. Đó chính là ưu thế của việc xã hội hóa SGK mà chúng ta đang hướng tới.