Công nghệ

Lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội: Cần chủ động xây dựng cơ chế bảo vệ quyền lợi người dùng

Thái Nhung 12/05/2025 15:26

Bắt đầu mùa cao điểm du lịch, tình trạng lừa đảo đặt phòng qua Facebook ngày càng phổ biến. Trong khi chờ Facebook có phương án xử lý thì các đơn vị du lịch, chủ homestay, khách sạn đã phải tự tìm kiếm giải pháp. Tương tự Facebook, TikTok cũng đối mặt với các hành vi gian lận trên TikTok Shop.

Lừa đảo đặt phòng trên Facebook lại nở rộ

Vào mùa du lịch, các đại lý và homestay, khách sạn đẩy mạnh quảng cáo đến khách hàng. Lợi dụng tình trạng này, các fanpage giả mạo cũng hoạt động mạnh nhằm tiến hành các hoạt động lừa đảo. Đây là thủ đoạn không mới nhưng với sự tinh vi của các đối tượng lừa đảo và sự mất cảnh giác của khách hàng, nhiều người vẫn mắc bẫy.

ba vì
Một homstay đăng cảnh báo bị giả mạo fanpag. Ảnh chụp màn hình: T.N

Chị Bùi Dịu một nhân viên văn phòng ở Hà Nội cho biết, dịp lễ 30/4 và 1/5 chị đã liên hệ qua page của 1 khu nghỉ dưỡng tại Ba Vì theo số hotline, nhưng chị đã liên hệ hàng chục lần vẫn không được. Vì vậy, chị đã liên hệ qua Messenger của page này và bị lừa đặt cọc mất 3 triệu đồng. Tương tự chị Dịu, bà Mai Hồng (Quảng Ninh) cũng mất 13 triệu đồng vì thủ đoạn này.

Thủ đoạn của các đối tượng thường lấy lại hình ảnh của các fanpage chính thống, đăng lên và chạy quảng cáo để lừa gạt khách hàng. Các fanpage giả mạo thường đầu tư chi phí lớn cho phần quảng cáo như lượt thích, chia sẻ và bình luận để khi khách hàng tìm kiếm từ khóa tên thương hiệu thì tính năng của Facebook lại ưu tiên hiển thị những đơn vị giả mạo lên trước. Các đối tượng lừa đảo để số hotline, nhưng khách hàng không thể gọi điện được và sẽ chuyển sang liên hệ qua Messenger. Khi xác định được “con mồi”, các đối tượng giả danh nhân viên lễ tân hoặc nhân viên kinh doanh của khách sạn, homestay dụ dỗ nạn nhân chuyển khoản đặt cọc. Nguy hiểm hơn, sau khi nhận được tiền đặt cọc, đối tượng lừa đảo gọi điện nói rằng “giao dịch lỗi”, yêu cầu người dân chuyển lại lần thứ hai để hoàn tất thủ tục. Sau đó, chúng chuyển sang chiêu lừa mới là giới thiệu một người “phụ trách hoàn tiền”, yêu cầu cung cấp mã xác thực ngân hàng (OTP) để chiếm đoạt toàn bộ tiền trong tài khoản.

Trước tình trạng đó, Facebook và nhiều doanh nghiệp đã đưa ra một số phương án như report, báo cáo với Facebook nhưng không hiệu quả. Hay tạo tích xanh để tạo uy tín cho fanpage mình nhưng fanpage giả mạo cũng có tích xanh.

Theo bà Nguyễn Minh Nhật, đại diện Công ty TNHH Chuyến đi vui vẻ, để bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn, homestay, tour, hiện nay, mỗi đơn vị phải có giấy phép đăng ký kinh doanh trùng khớp với tên thương hiệu chính thống; có giấy bảo hộ tác quyền mỹ thuật trong logo của mình để các đối tượng lừa đảo không lấy được logo thương hiệu. Quan trọng hơn, Facebook nên có các biện pháp mạnh tay để xử lý các fanpage giả…

TikTok xử lý mạnh gian thương

Tương tự Facebook, khách hàng trên TikTok cũng bị lừa đảo bởi các TikTok Shop giả mạo. Cụ thể, bất chấp các biện pháp kiểm soát từ nền tảng, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả danh nhiệm vụ nhận thưởng, chuyển khoản trước giao hàng sau, đặt cọc để chiếm đoạt tài sản người dùng. Hiện trên TikTok xuất hiện một số hình ảnh, video săn iPhone giá rẻ 100 nghìn đồng để câu dẫn con mồi. Người dùng cần phải tỉnh táo để không bị mắc bẫy của đối tượng lừa đảo.

tiktok.jpg
Quảng cáo iPhone giá 100 nghìn trên TikTok. Ảnh chụp màn hình: T.N

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, TikTok đã định danh được người bán hàng khi yêu cầu người đứng tên số tài khoản phải trùng với tên người bán hàng. Tất cả những tài khoản đăng ký bán hàng trên TikTok phải cung cấp đầy đủ thông tin chính chủ thì mới có thể rút tiền được. Khi gặp tình trạng lừa đảo, người mua có thể báo cáo nội dung nghi ngờ bằng cách chọn tính năng “report”. Do đó, khi có khiếu nại của khách hàng TikTok sẽ nhanh chóng xử lý ngay. Hiện, TikTok cũng đang giữ quyền đền bù cho người tiêu dùng rồi mới quay lại xử lý các bên tạo ra vi phạm.

Trong thời kỳ thương mại điện tử phát triển, việc các nền tảng xã hội có bán hàng trực tuyến chủ động xây dựng cơ chế bảo vệ quyền lợi người dùng trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi là cực kỳ cần thiết. Việc này sẽ góp phần tạo ra môi trường mua sắm trực tuyến lành mạnh, minh bạch, góp phần tạo niềm tin của người dân đối với môi trường thương mại điện tử nói riêng và môi trường Internet nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội: Cần chủ động xây dựng cơ chế bảo vệ quyền lợi người dùng