Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Lửa không chờ ai

Thế Vinh 21/01/2025 10:57

Tháng Chạp, còn gọi là tháng “củ mật”, người xưa thường nhắc nhở nhau phòng ngừa "củi lửa". Xưa đun bếp rơm, bếp củi, cuối năm bếp nhà ai cũng đỏ lửa, sơ sểnh là cháy nhà, mất Tết. Nay bếp củi, bếp rơm đã dần xa vắng ở nhiều nơi thì mối nguy hiếm từ lửa vẫn hiện hữu dưới vô vàn hình thức khác nhau...

Mặc dù ngày nay đã có bếp gas và các thiết bị điện thay thế cho củi lửa trong nấu nướng, nhưng mức độ nguy hiểm từ lửa không những không giảm đi mà có thể còn gia tăng. Lửa không chỉ đến từ ngọn đèn dầu hay bếp rơm, bếp củi như trước kia, mà còn đến từ những vật dụng tưởng chừng vô hại nhưng lại ẩn chứa mối nguy hại khôn lường. Các vụ cháy gần đây là minh chứng rõ ràng cho thấy mối nguy hiểm này luôn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày, không phân biệt thời gian, không phân biệt không gian.

Sáng 20/1, lửa bùng phát kèm theo cột khói bay cao tại một ngôi nhà trong ngõ khu tập thể 57B Phan Chu Trinh (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cũng trưa cùng ngày, một ngọn lửa hung hãn bùng lên tại khu sản xuất rồi lan nhanh ra khắp xưởng gỗ ở phường Bình Chuẩn (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Trước đó 1 ngày, lại là ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), một vụ cháy lớn xảy ra tại ngôi nhà 2 tầng ở phương Chương Dương, khiến 1 người thiệt mạng. Cũng trong hôm ấy, một vụ cháy khác bùng lên tại căn nhà 4 tầng ở quận Bình Thạnh (TPHCM), làm khu dân cư náo loạn. Ngọn lửa không chỉ thiêu rụi tài sản, mà còn khiến các cư dân trong khu vực sống trong sự hoang mang…

Đáng tiếc, những ví dụ trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” khi tình trạng cháy nổ diễn ra ngày càng phổ biến hơn trong các gia đình, khu lán xưởng, làng nghề…

Nguyên nhân của các vụ cháy không phải là điều gì mới mẻ, đó là sự thiếu cẩn trọng trong việc sử dụng thiết bị điện, bếp gas, và các thiết bị gia dụng khác. Một ổ cắm quá tải, một ống gas bị rò rỉ, một thiết bị điện hư hỏng mà không được kiểm tra, tất cả những điều này đều có thể trở thành nguồn gốc dẫn đến thảm họa. Thực tế, không phải đến khi có các vụ cháy lớn, mà chính trong những khoảnh khắc bình yên, khi chúng ta quên mất những nguy cơ xung quanh, là khi tai họa dễ dàng tìm đến. Những vụ cháy nổ gần đây tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về sự cần thiết phải thay đổi nhận thức, và nhất là hành động của mỗi cá nhân trong cộng đồng.

Tết đến gần, mọi người đang chuẩn bị những mâm cỗ, những giây phút sum vầy, nhưng cũng đừng quên rằng đây là thời điểm mà nguy cơ cháy nổ gia tăng. Đặc biệt, trong dịp Tết ông Công ông Táo, tục hóa vàng mã vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi… Chúng ta không thể tiếp tục chủ quan, sống trong sự ảo tưởng rằng "hỏa hoạn không bao giờ đến với mình". Mỗi gia đình phải trở thành pháo đài phòng cháy, mỗi cá nhân phải nhận thức rõ ràng rằng việc phòng chống cháy nổ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Đừng để sự thiếu cảnh giác trong những ngày cuối năm, khi mọi người quá mải mê vào công việc chuẩn bị Tết, trở thành lý do để tai họa xảy ra.

Thực tế, giải pháp phòng ngừa rất đơn giản, nhưng chỉ khi chúng ta thật sự coi trọng và thực hiện một cách nghiêm túc. Mỗi gia đình phải kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống điện định kỳ, không sử dụng các thiết bị điện hư hỏng, không để quá tải ổ cắm. Bếp gas cần được kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo gas không bị rò rỉ, và không bao giờ để bếp đang nấu mà không có người trông coi. Các thiết bị điện tử gia dụng phải được sử dụng đúng cách và không để chúng hoạt động quá lâu, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn. Thắp hương trong dịp Tết cũng hết sức phải lưu ý. Hơn thế, mỗi gia đình cần trang bị những dụng cụ chữa cháy cơ bản như bình chữa cháy, thiết bị báo cháy và các công cụ thoát hiểm.

Cộng đồng cần nâng cao ý thức về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các buổi tập huấn về phòng cháy, chữa cháy, giúp người dân hiểu rõ hơn về các nguy cơ tiềm ẩn và cách thức xử lý khi có sự cố xảy ra. Các quy định về phòng cháy, chữa cháy phải được thực thi một cách nghiêm ngặt, không thể có sự tha thứ với những hành vi chủ quan, coi nhẹ an toàn. Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh, khu chung cư, nhà ở tập thể phải được kiểm tra thường xuyên, và cần có các biện pháp bảo vệ an toàn phòng, chống cháy nổ.

Mỗi cá nhân, mỗi gia đình đều có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho chính mình và những người xung quanh. Cuối năm, khi mọi người hướng đến những niềm vui, những hy vọng mới, cũng là lúc cần phải cảnh giác, để ngọn lửa không trở thành mối đe dọa về tài sản và tính mạng con người!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lửa không chờ ai