Hôm qua (22/4), cuộc họp báo của Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) về “lò đào tạo tiến sĩ” chẳng những làm dịu đi mà đã khiến dư luận nóng hơn xung quanh câu chuyện đào tạo tiến sĩ hiện nay. Lý giải về tốc độ đào tạo mỗi năm 350 tiến sĩ của Học viện và những câu trả lời về các đề tài nghiên cứu kiểu “hành vi nịnh trong tiếng Việt” của các nhà khoa học chịu trách nhiệm đào tạo ở đây có thể gọi thẳng thắn là khó thuyết phục.
Chất lượng nguồn nhân lực nước nhà để trở thành động lực phát triển
phải được đào tạo khoa học và thực chất.
Những câu trả lời khiến người ta thảng thốt nghĩ đến một thế hệ các nhà khoa học ngày xưa, thật không hiểu nếu các giáo sư ngôn ngữ như Hoàng Tuệ, Đào Thản hay Hoàng Phê sống lại, các ông sẽ nghĩ thế nào khi các nhà khoa học ngày nay bỏ công dìu dắt các nghiên cứu sinh nghiên cứu về hành vi nịnh trong tiếng Việt? Trong phần trả lời ở buổi họp báo, một số nhà khoa học ngày nay coi đây là một đề tài tốt: “Không nên đánh giá nịnh theo nghĩa dung tục theo cách hiểu xã hội. Còn chúng tôi quan sát theo góc độ xã hội học. Hành vi nịnh của người Việt có cái chung và cái riêng góp phần vào ngôn ngữ thế giới. Ví dụ nghiên cứu về tội phạm không phải là để cổ vũ tội phạm, mà là để ngăn ngừa. Nghiên cứu về nịnh là để nhận chân người đó. Việc đó rất tốt. Không nên quy chụp nịnh có gì mà nghiên cứu”. (Trích trả lời của Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, Nguyễn Văn Hiệp).
Vâng, đúng là nghiên cứu về tội phạm là để ngăn ngừa nhưng xin thưa, nịnh không phải tội phạm, mà hơn nữa sau khi đề tài này hoàn thành người ta sẽ in ra để ngăn ngừa nịnh hay sao. Lại cũng xin thưa, đề tài là “nịnh trong tiếng Việt” tức là nghiên cứu ở góc độ ngôn ngữ, vậy thì các nhà nghiên cứu muốn biết nịnh trong ngôn ngữ tiếng Việt khác các ngôn ngữ khác ở chỗ nào hay sao? Theo lời Viện trưởng Nguyễn Văn Hiệp là còn để “góp phần vào ngôn ngữ thế giới”. Càng nghĩ càng bi hài.
Đồng tình với các nhà khoa học là đề tài nghiên cứu không phải cứ to tát thì mới có ích, GS Hoàng Phê từng nghiên cứu những vấn đề rất nhỏ như ông từng viết 1 bài báo khoa học: “Ý kiến về một vấn đề nhỏ: ưu hay iu?”. Ở đây rõ ràng ta nhìn thấy tính thực tiễn từ một đề tài rất nhỏ mà đang gặp vướng mắc trong ngôn ngữ đời sống giữa cách đọc và cách viết, người ta thường đọc là iu, trong khi viết thì phải là ưu. Trở lại với “nịnh trong tiếng Việt”, tính thực tiễn của đề tài là gì? Và nghiên cứu về nó thì có ích gì cho sự phát triển của ngôn ngữ? Nó suy cho cùng chỉ nên là một bài báo vui vẻ theo kiểu người Việt ta hay nịnh nhau như thế nào. Đem một đề tài bảo vệ tiến sĩ để nghiên cứu một vấn đề không có ý nghĩa thực tiễn (về mặt khoa học lại đang không phải là một vướng mắc lớn cần có một luận án tiến sĩ để giải quyết) thì rõ ràng là đang có vấn đề về chất lượng đào tạo tiến sĩ ở ta hiện nay.
“Nịnh trong tiếng Việt” hay “hành vi giao tiếp của chủ tịch UBND xã với người dân” chỉ là 2 trong số những luận án tiến sĩ tiêu biểu được dư luận đưa mổ xẻ trước khi Học viện Khoa học xã hội tổ chức họp báo. Dù các nhà chuyên môn đã lý giải bằng nhiều cách, bằng những dẫn chứng về các qui trình xét tuyển nghiên cứu sinh, qui trình hướng dẫn, thẩm định và chấm luận án tiến sĩ mà họ đều cho là rất chặt chẽ thì vẫn thật thất vọng về chất lượng đào tạo khoa học. Giải thích cách nào cũng thấy thật ngụy biện bởi vì một nhà khoa học có trình độ tiến sĩ phải là người giải quyết được những vấn đề khoa học mới mẻ, đem lại những giá trị thực tiễn cao. Tư duy của một tiến sĩ khoa học lại dùng để xem người Việt nịnh nhau thế nào hay là hành vi giao tiếp của chủ tịch xã với dân ra sao thì thật đáng cười ra nước mắt. Trong khi đã có đầy đủ các văn bản qui định về “hành vi giao tiếp với nhân dân” của công chức, của cán bộ đảng viên, của các cơ quan công quyền mà chủ tịch xã là một trong số những đối tượng đó thì một luận án tiến sĩ không biết để giải quyết việc gì. Các nhà khoa học ở Viện tâm lý học khẳng định đó là một đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn tốt. Có ý nghĩa bổ sung lý luận cho lĩnh vực nghiên cứu tâm lý và hơn 11 ngàn xã trong cả nước (tức là có số chủ tịch xã tương đương) xứng đáng là đối tượng để nghiên cứu. Chắc chắn trên đời có nhiều đối tượng có số lượng lớn hơn 11 ngàn chủ tịch xã và chắc cũng đang cần nghiên cứu tâm lý của họ hay sao. Không hiểu sau khi nghiên cứu xong thì nghiên cứu sinh có phát hiện ra tâm lý của hơn 11 ngàn chủ tịch xã có đặc điểm gì nổi bật trong hành vi giao tiếp với nhân dân ngoài cái nguyên tắc sống còn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết thành chân lý “cán bộ là công bộc của dân”.
Các nhà khoa học ở Học viện Khoa học xã hội cho rằng 350 tiến sĩ một năm được đào tạo từ đây không phải là con số lớn so với tổng số hơn 90 triệu dân. Điều này đúng. Lại cũng cho rằng chúng ta cần nhiều tiến sĩ hơn nữa. Điều này cũng đúng nốt. Nhưng chúng ta không cần chạy theo thành tích để nâng tổng số tiến sĩ trên tổng số dân. Chất lượng nguồn nhân lực nước nhà để trở thành động lực phát triển phải được đào tạo khoa học và thực chất. Nếu không, chúng ta có một lượng tiến sĩ đông đảo mà khoa học nước nhà vẫn không phát triển, mà rất nhiều vấn đề trong thực tiễn đời sống vẫn không tìm được cách giải quyết khoa học và hiệu quả.
Không quan trọng việc ta đào tạo được bao nhiêu người có bằng tiến sĩ mà quan trọng ở chỗ các luận án tiến sĩ ấy để làm gì, đóng góp giá trị gì cho đời sống xã hội. Khoa học không phải là chỗ để dễ dãi. Làm khoa học mà không khắt khe là bản thân các nhà khoa học chịu trách nhiệm đào tạo đang hạ giá chính họ.