Luật Đất đai năm 2024 được thực thi sẽ có khoảng 1.000 dự án đang ách tắc được tháo gỡ, các nhà đầu tư có thể tham gia hoạt động đầu tư kinh doanh một cách bình thường. Điều này được kỳ vọng có thể sẽ tháo gỡ những nút thắt để thị trường bất động sản (BĐS) phát triển.
Gỡ ách tắc cho khoảng 1.000 dự án
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, việc sớm ban hành các nghị định hướng dẫn là việc cấp bách hiện nay. Theo ông Đính, khi Luật Đất đai mới được thực thi, sẽ khoảng 1.000 dự án đang ách tắc được tháo gỡ, các nhà đầu tư có thể tham gia hoạt động đầu tư kinh doanh một cách bình thường.
Cũng theo Chủ tịch VARS, các vấn đề trọng tâm cần sớm có nghị định hướng dẫn là giao đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, tính tiền sử dụng đất. Như vậy sẽ kích hoạt được nguồn lực đất đai, tháo gỡ các dự án đang vướng mắc. “Luật Đất đai có thể được thực hiện từ ngày 1/7 nhưng sẽ có những điều khoản bị lùi lại. Trước mắt, điều quan trọng nhất trong việc thực thi và thể chế Luật Đất đai là tháo gỡ hàng nghìn dự án đang bị mắc kẹt. Để làm được điều này, các văn bản dưới Luật cần được xây dựng cẩn thận, cụ thể và lấy ý kiến toàn thể người dân” - ông Đính cho hay.
Trong khi đó, chuyên gia pháp lý BĐS Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, đất đai là tư liệu chủ yếu của nền kinh tế. Đây là lĩnh vực rất rộng, không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội mà còn có nhiều ý nghĩa đối với quốc phòng an ninh, ngoại giao và an sinh xã hội. Chính vì thế, rất nhiều kỳ vọng được đặt ra đối với Luật Đất đai. Người dân thì muốn tiếp cận đất đai thông qua cơ chế thị trường trong khi doanh nghiệp (DN) BĐS lại muốn tiếp cận đất đai thông qua cơ chế thu hồi đất, đấu thầu đất.
Nhận định về tác động của các luật sửa đổi, ông Đỉnh cho rằng, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi lần này tạo ra cơ chế công khai, minh bạch. Khi các luật được đồng bộ với nhau, các dự án sẽ được tiến hành nhanh hơn, bệnh sợ trách nhiệm của cán bộ liên quan cũng giảm đi, các quyết định cho thuê đất, giao đất sẽ sớm hơn, từ đó tạo ra thêm nhiều nguồn cung hơn.
Thu hút nguồn lực cho thị trường bất động sản
TS Ngô Công Thành - Liên Chi hội Tài chính khu công nghiệp thuộc thuộc Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) cho rằng, vẫn còn rất nhiều cơ hội đầu tư cho thị trường BĐS từ trước khi có Luật Đất đai sửa đổi. Và Luật Đất đai sửa đổi sẽ sớm khai thông những ách tắc trên thị trường, biến những cơ hội trở nên khả thi hơn. Dẫn chứng điều này, ông Thành cho biết: Hiện nay thị trường BĐS đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là tăng trưởng kinh tế ổn định trong những năm qua và dự kiến sẽ đạt 6,5% trong năm nay; nhu cầu nhà ở tại thị trường đang rất lớn, đặc biệt ở khu vực Hà Nội và TPHCM. Với mục tiêu đô thị hóa của Chính phủ, nhiều chính sách cũng sẽ được ban hành, mở thêm cơ hội mới cho thị trường.
Vẫn theo ông Thành, hiện dư địa của BĐS khu công nghiệp cũng đang rất lớn, khuyến khích các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này. Kế đến là vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực kinh doanh BĐS đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh. Bằng chứng là trong 3 tháng đầu năm, vốn FDI đầu tư vào BĐS đạt 1,6 tỷ USD, tương đương 25% tổng vốn FDI vào Việt Nam, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường BĐS trong nước đang có thêm nhiều nhà đầu tư lớn.
Đây là những dấu hiệu cho thấy thị trường BĐS đang có thêm nhiều “người chơi” lớn và việc thu hút nguồn đầu tư nước ngoài sẽ là yếu tố quan trọng có thể cứu vãn thị trường trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Chưa dừng lại ở đó, với việc Việt Nam nằm trong top đầu châu Á về phát triển cơ sở hạ tầng với hàng loạt dự án quan trọng như đường sắt, sân bay… các dự án khu đô thị sẽ được “lót đường” để phát triển mạnh mẽ hơn.
Mặc dù những thay đổi trong Luật Đất đai năm 2024 được đánh giá mang đến nhiều cơ hội đầu tư, song theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, vẫn tồn tại những rủi ro pháp lý mà các DN kinh doanh BĐS cần chú ý.
Ông Ánh phân tích, về quyền sở hữu đất đai, có những lo ngại về tư duy trong việc sử dụng quyền sở hữu đất đai (chuyển quyền sở hữu từ một người sang một nhóm người). Về đấu thầu, cần phải siết chặt thêm các quy định có liên quan và tiêu chuẩn DN tham gia đấu thầu, từ đó mới tạo thêm nguồn cung thật cho phân khúc nhà ở thương mại.
Mới đây, Thủ tướng đã có yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành sớm trình Chính phủ các nghị định và thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024. Đây là cơ sở để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép luật này có hiệu lực từ 1/7/2024 thay vì từ 1/1/2025 như đã quyết định trước đó.