Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đảm bảo các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước.
Quang cảnh buổi gặp gỡ báo chí.
Tại cuộc trao đổi với báo giới vào chiều ngày 14/4, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến hết tháng 3/2017, Việt Nam có 603.000 doanh nghiệp đang hoạt động và đang thực hiện các nghĩa vụ thuế (trong tổng số gần 1,1 triệu doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh). Nếu nhìn vào khoảng thời gian dài hơn từ năm 2005 cho tới nay, khoảng cách giữa các doanh nghiệp đăng ký và doanh nghiệp thực sự đi vào hoạt động trong năm ngày một lớn.
Tính trung bình trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ giữa các doanh nghiệp đăng ký và doanh nghiệp thực sự đi vào hoạt động và vẫn duy trì được hoạt động chỉ đạt 45%. Cá biệt, có những năm tỷ lệ giữa doanh nghiệp đi vào hoạt động so với doanh nghiệp đăng ký trong năm đạt tỷ lệ rất thấp, ví dụ như năm 2009 tỷ lệ này chỉ đạt 35.2% hoặc năm 2012 đạt 32.7%.
Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2005-2008 cho thấy, sự cần thiết phải có các hoạt động hỗ trợ nhằm nuôi dưỡng và hỗ trợ các doanh nghiệp đã đăng ký đi vào hoạt động và duy trì được các hoạt động một cách bền vững và có các đóng góp thực sự cho nền kinh tế và cho xã hội. Viêc nuôi dưỡng, phát triển các doanh nghiệp sau khi khai sinh nay đã trở thành một yêu cầu hết sức cấp thiết tại Việt Nam.
Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đảm bảo các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước.
Gần đây nhất, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng” trong sự phát triển của đất nước.
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng khẳng định về việc “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp”.
Như vậy, cùng với những đột phá của Luật Doanh nghiệp và những cải cách của Luật Đầu tư, các nỗ lực về cải cách điều kiện kinh doanh, giấy phép con đang được Chính phủ tích cực thực hiện và các biện pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 19 (năm 2014, 2015 và 2016), Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ có tác động tích cực tới mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp đang thực sự hoạt động vào năm 2020.