Luật hở, dân bị hành

Hải Phong 08/08/2015 08:10

Luật thì chung chiêng, nghị định và thông tư hướng dẫn càng chung chung nên muốn hiểu thế nào cũng được. Chính từ cái sự muốn hiểu sao cũng đúng đó là cơ hội hành dân của không ít cán bộ, công chức, viên chức.

Luật hở, dân bị hành

Ảnh minh họa.

Nguồn:dantri.com.vn

Từ trước tới nay, người ta nói nhiều về dịch vụ hành chính công của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan công quyền phục vụ người dân với thái độ hành là chính.

Song, đó mới chỉ bàn đến thái độ cư xử của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan công quyền được giao nhiệm vụ làm dịch vụ hành chính công. Còn vì sao họ lại “hành” được dân thì ít ai nhắc đến.

Theo một số chuyên gia luật, có tới 70-80% luật của chúng ta hiện nay có kẽ hở tuy chỉ bằng lỗ kim nhưng cả con voi cũng chui lọt. Từ luật đã chung chiêng, đến nghị định và thông tư hướng dẫn thì càng chung chung nên muốn hiểu thế nào cũng được. Chính từ cái sự muốn hiểu sao cũng đúng đó là cơ hội hành dân của không ít cán bộ, công chức, viên chức.

Đơn cử trường hợp chị Hương ở quận Long Biên (Hà Nội). Trong hộ khẩu tên đầy đủ của chị là Lê Thị Thu Hương, nhưng do sơ xuất của cơ quan Công an nên chứng minh thư nhân dân của chị lại bớt đi chữ "Thị" cho... gọn. Một ngày đẹp trời, chị Hương có nhu cầu làm sổ đỏ nên mang hồ sơ tới UBND phường xin xác nhận để nộp UBND quận làm sổ đỏ.

Mặc dù cán bộ phường không lạ gì chị Hương, song lẽ đương nhiên theo nguyên tắc họ không thể xác nhận, bởi hộ khẩu và chứng minh thư là hai người khác nhau thì làm sao có thể xác nhận đây? Trong khi việc làm CMT sai của cơ quan công an thì không có ai phải chịu trách nhiệm, hậu quả của việc sai đó đổ lên đầu người dân.

Trong dịch vụ hành chính công, dân bị hành đã đành, đằng này ngay cả ở khu vực dịch vụ hành chính tư người dân cũng phải khốn khổ bởi luật quy định chung chung.

Như trường hợp ông bà Bình ở huyện Gia Lâm đã kết hôn từ năm 1956, ăn ở với nhau tới nay đã có tới 7 đứa con, trong hộ khẩu ghi rõ quan hệ là vợ chồng, phường xã ai cũng biết. Ấy vậy mà khi ông bà đi làm hợp đồng công chứng để tách sổ đỏ chia đất cho con cái thì văn phòng công chứng nào cũng yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Việc đòi hỏi giấy đăng ký kết hôn quả là đánh đố với ông bà, vì trải qua bao nhiêu năm chiến tranh loạn lạc, bom đạn tơi bời thì ông bà làm gì còn thứ giấy tờ gì để mà xuất trình. Hộ khẩu là căn cứ pháp lý về nhân thân có giá trị được Nhà nước công nhận và bảo hộ, vậy mà việc hộ khẩu khẳng định ông bà Bình là vợ chồng lại chẳng có giá trị gì với văn phòng công chứng.

Chỉ với hai ví dụ trên đủ thấy thủ tục hành chính của chúng ta còn lắm nhiêu khê, khiến người dân bị “bẻ hành bẻ tỏi”. Nếu như cơ quan Công an không bớt tên của chị Hương trong CMT, nếu như UBND phường so số CMT với số ghi trong sổ hộ khẩu thì đã có thể linh động xác nhận mà không yêu sách bao giờ khớp mới xác nhận thì xã hội sẽ văn minh lắm thay.

Nếu luật quy định rõ: Hộ khẩu là cơ sở pháp lý xác định nhân thân cao nhất, thì đâu có chuyện văn phòng công chứng yêu cầu ông bà Bình xuất trình giấy đăng ký kết hôn đã bị mất.

Nếu luật vẫn chung chung muốn hiểu thế nào cũng đúng thì người dân vẫn tiếp tục bị hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật hở, dân bị hành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO