Không dừng ở sự cần thiết mà đã trở thành sự cấp thiết phải ban hành Luật Quy hoạch để mọi người, đặc biệt người dân được tiếp cận với cách làm mới, tư duy mới trong việc định hướng phát triển quốc gia, vùng, các địa phương và các ngành, lĩnh vực…
Ảnh minh họa.
Luật Quy hoạch sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV. Đại Đoàn Kết Online xin giới thiệu bài viết của độc giả về dự án luật này:
Quy hoạch cảng biển Việt Nam, dự kiến đến năm 2010 lượng hàng hóa qua các cảng biển của Việt Nam sẽ đạt 200 triệu tấn. Nhưng theo số liệu của Cục Hàng hải, lượng hàng qua cảng biển Việt Nam đến năm 2010 đã vượt quy hoạch tới gần 60 triệu tấn.
Trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030 VN sẽ có 10.700 MW điện hạt nhân. Nhưng trong quy hoạch phát triển điện hạt nhân lại nêu đến năm 2030 VN sẽ có tới 15.000 MW. Dù con số chênh không lớn, nhưng để lấp đầy khoảng vênh đó có thể đòi hỏi đầu tư hàng tỷ USD.
Rất nhiều ví dụ như thế, nhiều quy hoạch trùng lặp, như khu thác Bản Giốc (Cao Bằng), trong khi Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch làm quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, Bộ Xây dựng lại lập quy hoạch chung xây dựng. Đặc biệt, có nhiều quy hoạch... mâu thuẫn nhau, khó biết phải theo quy hoạch nào.
Bất cập bấy lâu nay trong công tác quy hoạch gây nhức nhối xã hội. Quy hoạch quá nhiều, nhưng chất lượng thấp, không gắn với nguồn lực thực hiện nên nhiều bản quy hoạch lập xong không có giá trị thực tế; quy hoạch còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu gắn kết dẫn tới hiệu quả thực hiện rất thấp, thậm chí còn kéo lùi sự phát triển.
Về kinh phí thực hiện lập quy hoạch: Từ năm 2008 đến nay, kinh phí tổ chức lập quy hoạch được sử dụng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế do ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các Bộ, ngành, địa phương. Song, do nhu cầu lập quy hoạch của các Bộ, ngành, địa phương quá lớn, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế không đáp ứng được nên Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch cho các địa phương (năm 2010 là 478 tỷ đồng, năm 2011 là 272 tỷ và năm 2012 là 253 tỷ đồng), nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. (Nguồn: Báo cáo Tổng kết về công tác quy hoạch của Chính phủ) |
Chúng ta phải trả giá cho sự lãng phí nguồn lực quốc gia bao lâu nữa. Chúng ta cần đối diện với những nhóm lợi ích nguy cơ gây phương hại quốc gia. Giờ là lúc phải đối diện với thực tế đập tư duy cũ, chỉ có đổi mới cả về phương pháp và nội dung để khắc phục, tạo sự thay đổi vươn lên.
Đa số các quốc gia hiện nay lập quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành. Đây chính là cơ hội để chúng ta cải cách công tác quy hoạch cũ còn vương vấn bởi nền kinh tế quan liêu, bao cấp để chuyển sang thể chế quy hoạch tiên tiến, phù hợp hơn.
Điều này có thể góp phần giải quyết xung đột về sử dụng không gian giữa các ngành trong một quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam vẫn lập quy hoạch phương pháp cũ, riêng rẽ nên chưa phát huy được hiệu quả của quy hoạch.
Cái khó khăn nhất của dự án Luật Quy hoạch chính là vì tư tưởng cách mạng. Dự thảo Luật hiện nay là kết quả của sự đổi mới, hướng tới thông lệ quốc tế, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, khai thác tiềm năng, lợi thế và triệt tiêu được tất cả những chồng chéo, cục bộ, lợi ích nhóm và tính cát cứ của các ngành và địa phương hiện nay.
Không dừng ở sự cần thiết mà đã trở thành sự cấp thiết phải ban hành Luật Quy hoạch để mọi người, đặc biệt người dân được tiếp cận với cách làm mới, tư duy mới trong việc định hướng phát triển quốc gia, vùng, các địa phương và các ngành, lĩnh vực cho giai đoạn phát triển sắp tới, 2021 - 2030.
Vì quốc gia hay dừng lại…
Hiện nay có bao nhiêu bản quy hoạch trên cả nước? 19.285 bản quy hoạch thuộc mọi lĩnh vực (chưa kể các loại quy hoạch sản phẩm như quy hoạch sắn, cá rô phi…), trong đó đáng kể nhất là đất đai, sản phẩm, và xây dựng. Cụ thể như thời kỳ 2001 - 2010 mới chỉ lập 3.114 quy hoạch, nhưng đến thời kỳ 2011 - 2020 đã lập 12.860/19.285 quy hoạch tăng gấp 6 lần giai đoạn trước. Trong số 19.285 bản quy hoạch thì có 2.326 bản quy hoạch đô thị và 9.864 bản quy hoạch xây dựng. Và hơn 8.000 tỷ đồng đã chi ra để lập các quy hoạch này. Những bất cập, tồn tại, yếu kém của hệ thống quy hoạch lỗi thời hiện nay đang vận hành, đang tạo ra những đồ án quy hoạch “cọc cạch”, “đầu Ngô mình Sở”. (Nguồn: Bộ Kế hoạch - Đầu tư) |