Chợ Phú Mỹ đã được xây dựng và đi vào hoạt động khi chưa đủ điều kiện, đến nay chợ vẫn chưa được phân hạng và có một cái tên chính thống trong bản đồ quy hoạch chợ của UBND Thành phố Hà Nội.
Trách nhiệm pháp lý thuộc về ai?
Theo chủ trương đầu tư công giai đoạn 2015-2020, Quyết định 40 của Thủ tướng chỉ được dùng vốn đầu tư công cho vùng kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã quan tâm chỉ đạo sát sao, cũng như đã ban hành nhiều quyết định để phát triển và quản lý chợ như: Quyết định của UBND Thành phố: số 12/2012/QĐ-UBND ngày 30/5/2012 về việc ban hành Quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội; số 26/2013/QĐ-UBND ngày 17/7/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 12/2012/QĐ-UBND ngày 30/5/2012 ban hành Quy định phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội; số 12/2011/QĐ-UBND ngày 9/3/2011 về việc ban hành Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Gần đây nhất là ngày ngày 16/11/2018 UBND Thành phố Hà nội đã ban hành Quyết định số 28/2018 QĐ – UBND Quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Do đó khi các địa phương có quy hoạch và xây dựng phát triển, quản lý chợ bằng nguồn vốn ngân sách phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Thế nhưng, ngày 6/10/2016, UBND huyện Quốc Oai ra Quyết định số 7309c/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền ký về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Công trình xây dựng chợ thôn Phú Mỹ, Xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai.
Điều 3 quyết định này cũng nêu rõ: CVP UBND huyện; Trưởng các phòng: Tài chính – kế hoạch, Kinh tế, Quản lý đô thị; Giám đốc kho bạc Nhà nước Quốc Oai; Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hàng Quyết định này.
Luật sư Đoàn Tăng Hải - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Công ty Luật TNHH Shtc & Partners cho biết: “Khi các địa phương có quy hoạch và xây dựng phát triển, quản lý chợ bằng nguồn vốn ngân sách phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đơn cử như Điều 5 Nghị định số 2/2003 ngày 14/1/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 114/2009 ngày 23/12/2009 đã quy định rõ về việc sử dụng vốn. Hơn nữa việc sử dụng vốn đầu tư hiện nay thực hiện theo quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong trường hợp chi sai, dẫn đến thiệt hại cho nguồn ngân sách thì sẽ đặt ra trách nhiệm pháp lý cho người chi sai theo Điều 18 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015”
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
UBND huyện Quốc Oai đã chủ động chi gần 9 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Nhà nước khi chưa được cơ quan cấp trên có thẩm quyền phê duyệt. Mặc dù chợ đã xây xong và đi vào hoạt động, thế nhưng hồ sơ pháp lý chưa đủ điều kiện nên chợ vẫn “bơ vơ” chưa có một cái danh chính thống.
Ngày 28/10/2016, UBND huyện Quốc Oai ban hành Quyết định số 7656a/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật Công trình: Xây dựng chợ thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch Đỗ Lai Luật ký. Điều kỳ lạ trong quyết định này ở chỗ, số văn bản có thêm chữ a, tổng mức đầu tư thể hiện giữa số tiền và chữ không ăn khớp.
Luật sư Đoàn Tăng Hải cũng cho biết thêm: “Chi ngân sách Nhà nước sai mục đích (không đúng mục đích) là một trong những hành vi vi phạm luật. Người có hành vi chi ngân sách Nhà nước sai mục đích có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự 2015”.
Người có hành vi chi ngân sách Nhà nước sai mục đích có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự 2015:
“Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”.