Luật Thuế thu nhập cá nhân: Những bất cập cần tháo gỡ

H.Hương-M.Sang 14/07/2023 09:10

Theo kết quả rà soát toàn bộ 35 Điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính đã xác định có 22 Điều cần phải sửa đổi, bổ sung. Trong đó, chủ yếu liên quan đến thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, mức giảm trừ gia cảnh...

Người dân kê khai thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh.

Sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

Có 2 bất cập của Luật Thuế TNCN được dư luận và các chuyên gia đặc biệt quan tâm, là cách tính thuế lũy tiến theo 7 bậc quá rườm rà và quy định về mức giảm trừ gia cảnh không phù hợp thực tế.

Cụ thể, theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, phụ cấp, trợ cấp, số còn lại là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.

Trong đó, cách tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến 7 bậc, mỗi bậc thu nhập có thuế suất tương ứng: Mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống chịu thuế suất 5%; mức 5-10 triệu đồng 10%; mức 10-18 triệu đồng 15%; mức 18-32 triệu đồng 20%; mức 32-52 triệu đồng 25%; mức 52-80 triệu đồng 30% và từ 80 triệu đồng/tháng trở lên 35%.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, việc quy định biểu thuế TNCN lũy tiến với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế là quá dày cộng với thuế suất cao, khiến gánh nặng không nhỏ đối với người nộp thuế, bởi thu nhập vừa mới nhích lên đã rơi vào bậc thuế cao hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai đã phân tích, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại là 15,4 triệu đồng (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu đồng và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng). Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh này đã không còn phù hợp với biến động liên tục của giá cả hàng hóa, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế. Hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ trong các lĩnh vực đều tăng khiến chi phí sinh hoạt của người dân bị đội lên. Với những người sống tại khu đô thị, chi phí cuộc sống nhiều hơn khi giá thuê nhà, phòng trọ, tiền điện nước, hàng hóa dịch vụ đều tăng.

Mới đây nhất, kể từ ngày 1/7 việc tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, đồng nghĩa mức thuế thu nhập cá nhân mà người lao động phải đóng cũng sẽ tăng thêm.

Nêu quan điểm về việc sửa Luật Thuế TNCN, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, khi chính sách đã ban hành ra không phù hợp với thực tiễn thì phải sửa đổi. Bất cập hiện nay là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Điều vô lý nữa là mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gần 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.

Ngoài ra, cách tính giảm trừ gia cảnh hợp lý là phải tính giảm trừ kết hợp giữa 2 tiêu chí, khấu trừ cố định và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu có tính thiết yếu (có hóa đơn, chứng từ, căn cứ hợp lý). Hiện tại, người nộp thuế được giảm trừ 11 triệu đồng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng nhưng còn rất nhiều khoản tiền khác phải chi không được tính đến, thành ra như cào bằng.

Mức giảm trừ gia cảnh tính thuế không còn phù hợp

Giới chuyên gia khẳng định, Luật Thuế TNCN phải được sửa toàn diện. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm nhận định, Luật Thuế TTCN đã được xây dựng, áp dụng trong thời gian dài, hiện đã phát sinh một số bất cập. Trong đó, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật này là mức tuyệt đối. Song trên thực tế, kinh tế - xã hội phát triển, thu nhập người dân tăng lên, tăng trưởng kinh tế được chia cho từng người dân dẫn đến con số tuyệt đối giảm trừ gia cảnh tính thuế trở nên lạc hậu.

Ông Lâm cũng cho rằng cần xem xét sửa đổi Luật Thuế TNCN, việc sửa đổi cần được đánh giá một cách toàn diện và cân đối hài hòa trong điều chỉnh luật pháp có liên quan; đồng thời, sắp xếp theo trình tự, thủ tục, thứ tự ưu tiên.

Về mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế TNCN, Bộ Tài chính cho biết, Thuế TNCN điều tiết vào thu nhập của cá nhân. Việc thực hiện chính sách Thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ Thuế TNCN đã tạo nên quỹ ngân sách nhà nước để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Thực hiện Quyết định số 2114 ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19 ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đang thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể Luật Thuế TNCN để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính),đời sống người lao động nói chung và người nộp Thuế TNCN nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn, cần phải xem xét sửa Luật Thuế TNCN càng sớm càng tốt nhằm hỗ trợ người nộp thuế cũng như nuôi dưỡng nguồn thu. Bởi trong 2 năm dịch Covid-19 bùng phát và đến năm nay, chi phí giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như giá nhà, học phí, viện phí... đều tăng mạnh, khiến thu nhập của người dân bị bào mòn. Thu nhập không tăng, thậm chí giảm nhưng chi phí ăn, ở, đi lại trong gia đình, học hành... đều tăng. Trong khi đó, cách xác định tiền thuế chỉ căn cứ vào thu nhập, áp vào để tính thuế là không hợp lý, gây thiệt thòi cho người nộp Thuế TNCN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật Thuế thu nhập cá nhân: Những bất cập cần tháo gỡ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO