Trước yêu cầu từ thực tiễn cũng như để tương thích giữa pháp luật lao động quốc gia với tiêu chuẩn lao động quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, Bộ luật Lao động năm 2012 đã được xem xét, sửa đổi bổ sung. Tuy nhiên sau một thời gian dài chuẩn bị, hoàn thiện, đến nay khi Ban soạn thảo đưa Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi xin ý kiến thì vẫn còn nhiều luồng quan điểm khác nhau từ các chuyên gia, doanh nghiệp và người lao động về một số chế định mới.
Sau nhiều lần rà soát, chỉnh sửa và lược bỏ các điều có nội dung đã được quy định bởi các luật khác; sửa đổi, bổ sung các điều, khoản của Bộ luật Lao động hiện hành theo mục đích và các quan điểm chỉ đạo sửa đổi, đòi hỏi của thực tiễn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội- cơ quan được giao chủ trì soạn thảo đã xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành và sửa đổi, bổ sung khoảng 171 điều trong tất cả các chương. Đây được đánh giá là bản Dự thảo luật hoàn chỉnh và nhận được sự đồng thuận lớn nhất từ trước tới nay. Song thực tế có không ít các quy định, đề xuất vẫn còn nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau. Trong số đó phải kể đến việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
Cho ý kiến tại Phiên họp toàn thể lần thứ 13 mới đây của Ủy ban về Các vấn đề xã hội nhằm thẩm tra dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, nhiều đại diện các ban, bộ ngành đã thẳng thắn bày tỏ nỗi băn khoăn với các phương án tăng tuổi nghỉ hưu.
“Chúng tôi rất băn khoăn với quy định tăng tuổi nghỉ hưu. Ở nhiều ngành nghề, tuổi tác có ảnh hưởng rất lớn tới khả năng, nhiệt huyết với công việc. Chúng tôi đã gặp nhiều giáo viên mầm non, khi hỏi về chuyện tăng tuổi hưu thì họ nói rằng giáo viên mầm non mới 40 tuổi mà múa hát cho các bé còn không nổi nữa thì 50-60 lấy sức đâu nữa mà nhảy, mà hát?”- Đại biểu Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nói.Tương tự, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại – cũng cho rằng nên cân nhắc quyền lợi số đông người lao động.
Tăng tuổi nghỉ hưu và câu hỏi làm thế nào để dung hòa được giữa yêu cầu của thị trường, đòi hỏi của thực tiễn và đảm bảo được quyền lợi cho người lao động luôn là vấn đề đau đầu đối với không chỉ những nhà lập pháp.
Có một thực tế không thể phủ nhận là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề rất “nóng” không chỉ ở Việt Nam mà với các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới. Kinh nghiệm của quốc tế cũng chỉ ra một thực tế là hầu hết các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đều khó nhận được sự đồng thuận, nhất là sự đồng thuận của những người lao động phổ thông, trong những lĩnh vực khó nhọc, vất vả. Và ở nước ta, một đất nước mà thế mạnh về nguồn nhân lực “nhân công giá rẻ” thì vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có nhiều ý kiến băn khoăn là điều dễ hiểu. Nói như vậy không đồng nghĩa với việc trong quá trình xây dựng Luật có thể đưa những quy định mà ở đó không có hơi thở của cuộc sống. Là tổ chức đại diện cho người lao động, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đồng ý với quy định tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo nhưng phải quán triệt đầy đủ tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH.
Theo đó việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây sốc, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng và chất lượng cơ cấu dân số; bình đẳng giới, cân đối quỹ BHXH trong dài hạn, xu hướng già hóa dân số, tính chất loại hình lao động. Đặc biệt cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu với nhóm lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù. Đối với đối tượng này, có thể xem xét chưa tăng tuổi nghỉ hưu hoặc có lộ trình tăng chậm hơn hay có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
Bộ luật Lao động đầu tiên được ban hành ngày 23/6/1994 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/1995. Trải qua 24 năm hình thành và áp dụng trong cuộc sống, Bộ luật Lao động đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012. Bộ luật Lao động được xác định là “Luật gốc” trong lĩnh vực lao động trong đó đề cập tương đối đầy đủ các nội dung liên quan đến việc quản lý, sử dụng lao động và làm việc của người lao động.
Chính vì vậy việc xây dựng Bộ luật Lao động nói chung cũng như đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nói riêng đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, giải quyết tốt nhất những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, vừa thúc đẩy thị trường lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và xa hơn là thúc đẩy nền kinh tế phát triển là việc làm cần thiết. Và để đảm bảo cho yêu cầu cần thiết ấy đòi hỏi các nhà làm luật cần thận trọng, đánh giá rõ tác động tích cực và tiêu cực đối với thị trường lao động khi thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu; phản ứng của các đối tượng bị tác động ở các ngành nghề, lĩnh vực, từ đó có phương án tối ưu khi xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.