Sau 10 năm ban hành, các quy định của Luật Xuất bản đã từng bước đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả tích cực, các văn bản quy định chi tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển. Tuy nhiên, trải qua một thời gian thực thi, trước sự chuyển động của đời sống xã hội, sự bùng nổ của công nghệ số, hệ thống pháp luật về xuất bản đang bộc lộ những hạn chế nhất định.
Bất cập sau 10 năm
Qua thực tiễn hơn 10 năm thi hành, các quy định của Luật Xuất bản đã đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả tích cực, các văn bản quy định chi tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng, ngành Xuất bản, In và Phát hành đã có sự phát triển vượt bậc.
Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, tính đến tháng 10/2022, cả nước có 57 nhà xuất bản, 2.310 cơ sở in và khoảng 505 doanh nghiệp, 1.400 điểm phát hành. Nhịp độ tăng trưởng được duy trì với mức tăng bình quân khoảng 6 - 8%/năm. Luật Xuất bản năm 2012 đã đưa ngành phát triển theo chiều rộng, bước đầu có những ấn phẩm đồ sộ và giá trị cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, Luật cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập về chính sách của nhà nước đối với lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm; điều kiện tham gia hoạt động phát hành; liên kết xuất bản; nhập khẩu xuất bản phẩm cả kinh doanh và không kinh doanh; phát hành xuất bản phẩm điện tử; tình trạng in lậu,… Một số quy định về xuất bản điện tử mới chỉ có quy định khung, chưa chi tiết cụ thể.
Theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành: Một số quy định trong Luật Xuất bản năm 2012 và các văn bản dưới luật còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với luật có liên quan, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc chấp hành, thực thi pháp luật. Việc phối hợp trong công tác xây dựng các văn bản giữa các cơ quan chức năng chưa nhịp nhàng, thường xuyên. Một bộ phận cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tính phức tạp của hoạt động xuất bản trong điều kiện mới.
Sửa đổi phù hợp với xu hướng 4.0
Để tháo gỡ các hạn chế, bất cập, ngành Xuất bản, In và Phát hành sách đã kiến nghị thay thế Chỉ thị 42-CT/TW về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản nhằm xác định quan điểm, định hướng cho sửa đổi Luật Xuất bản, đáp ứng yêu cầu của của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số; Quốc hội (khóa XV) xem xét giao Bộ Thông tin và Truyền thông lập hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản vào năm 2024.
Theo ông Nguyên, để giải quyết các hạn chế, bất cập, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành xuất bản, cần nhất là xây dựng ngành xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại và thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số.
“Việc hoàn thiện thể chế trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động xuất bản nhằm phát triển ngành xuất bản thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, chuyển đổi số thành công, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển, khẳng định vị thế ngành xuất bản Việt Nam trong khu vực” - ông Nguyên nhấn mạnh.
Bên canh đó, theo ông Nguyên, cần nghiên cứu áp dụng ưu đãi thuế đối tượng nhà xuất bản và đơn vị phát hành với ý nghĩa đơn vị phát hành có vai trò quyết định đến việc tiếp cận độc giả, phục vụ nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc, tạo động lực cho nền xuất bản phát triển. Nhà nước hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của các nhà xuất bản thông qua cơ chế như: ban hành quy định về định mức kinh phí mua sách lý luận, chính trị thuộc các lĩnh vực thiết yếu của đời sống bổ sung hàng năm cho hệ thống thư viện tỉnh, thành phố…
Đại diện công ty xuất bản Phương Nam đề xuất, trước xu thế mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số mạnh mẽ, Luật Xuất bản sẽ tiếp tục được xem xét, bổ sung mở ra nhiều cơ hội cho các nhà xuất bản, cơ sở in phát hành hoạt động và phát triển, tạo một thị trường xuất bản năng động, nâng cao vị thế của ngành, thúc đẩy văn hóa đọc.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, đã đến lúc nhìn lại định hướng xuất bản trong thời gian qua, đánh giá sự đồng bộ, mối quan hệ tác động đến ngành; các văn bản quy định chi tiết. Bên cạnh đó, đồng bộ Luật Xuất bản với các văn bản hướng dẫn chi tiết, các Điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên, từ đó chỉ ra vấn đề mới, vấn đề phát sinh còn khoảng trống pháp lý trong thực tế, hướng đến việc sửa đổi Luật Xuất bản trong thời gian tới.