LucTeam - Làm mới bằng sự khác biệt

PHẠM NGỌC HÀ 26/10/2023 07:16

Trong bối cảnh sân khấu đang mong chờ những vở kịch mới với hơi hướng hiện đại thì LucTeam - đoàn kịch tư nhân do đạo diễn Trần Lực thành lập đã và đang tạo ra một hiện tượng kịch với phong cách ước lệ - biểu hiện mang đến sự hiện đại, phóng khoáng, thông minh và đặc biệt rất trẻ và bắt kịp với thời đại.

LucTeam là một đoàn kịch của thầy và trò. Thầy - Trần Lực và học trò - những nghệ sĩ trẻ tuổi.

Đưa “người máy” lên sân khấu

Thoạt nghe khán giả sẽ không biết làm cách nào đạo diễn Trần Lực có thể đưa “người máy” lên sân khấu biểu diễn. Ấy thế nhưng trong vở “Búp bê” - vở kịch mới nhất được dàn dựng trên kịch bản của Lê Hoàng - đã đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

“Búp bê” là câu chuyện ẩn dụ rất độc đáo, vừa đời thường, vừa mang tính giả định. Vở kịch chỉ bao gồm 4 nhân vật: Một chàng trai trẻ tuổi, làm công việc bồi bàn với tính cách vừa tham vọng lại vừa suy tư với một thân phận kép ẩn giấu nhiều bí mật. Một cô gái 18 tuổi nhiều mơ mộng nhưng gia đình nghèo nợ nần chồng chất. Một người đàn ông trung niên giàu có đang muốn tìm vợ để che giấu con người thật và một má mì đầy thủ đoạn.

Vở kịch mở đầu bằng màn chiếu bóng tôn lên nét diễn hình thể của chàng trai bồi bàn trong không gian ước lệ mô tả căn phòng khách sạn. Từ chàng trai này, câu chuyện được dẫn dắt một cách tự nhiên và đầy lôi cuốn. Tưởng chừng cậu ta ham tiền nên nghe lời má mì để chiều theo mong muốn của cô gái và người đàn ông giàu có, lúc thì cậu ta mạnh mẽ, nam tính; lúc lại ỏng ẹo, lưỡng tính... Cuối cùng khán giả phải bất ngờ khi biết cậu ta chính là một búp bê - một người máy không hơn không kém, được lập trình làm việc vì tiền.

Sự thông minh, hài hước mà sắc sảo, sâu cay cùng những lời thoại sinh động trong kịch bản Lê Hoàng đã chắp thêm đôi cánh cho diễn xuất của diễn viên. Cũng chính những lời thoại cập nhật cách nói trào lưu của giới trẻ ấy đã góp phần chuyển tải thông điệp chính của “Búp bê” muốn gửi gắm, đó là cảnh báo viễn cảnh trí tuệ nhân tạo sẽ chi phối cuộc sống con người.

Không chỉ nhắc đến vấn đề của thời đại 4.0, vở kịch còn đặc biệt ở chỗ dám đề cập tới những vấn đề về người đồng tính. Câu chuyện khó nói này đã được đưa lên sân khấu nhưng không hề phản cảm, nhờ lối diễn kịch ước lệ - biểu hiện riêng của diễn viên sân khấu LucTeam. Từ tính cách, cảm xúc của từng nhân vật qua hình thể, động tác, lời thoại... đến âm nhạc, tiếng động, ánh sáng... đã cùng phối hợp tuyệt vời khiến khán giả nín thở theo dõi theo từng chi tiết, diễn tiến của kịch.

"Búp bê" là câu chuyện ẩn dụ rất độc đáo, vừa đời thường vừa mang tính giả định.

Việc sử dụng cách kể chuyện ước lệ - biểu hiện đòi hỏi diễn viên phải rất nhập tâm vào nhân vật để biểu hiện ra những cảm xúc thật, diễn như không diễn. Thế nhưng đạo diễn Trần Lực lại sử dụng một dàn diễn viên trẻ.

Bên cạnh hai diễn viên dày dặn kinh nghiệm là Hoàng Tùng và Phương My thì hai gương mặt trẻ Võ Hoài Vũ, Thu Hiền (sinh viên K38 khoa Sân khấu, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) đều là lần đầu tiên đóng vai chính đã thể hiện khá xuất sắc vai diễn đa tính cách, đặc biệt là Võ Hoài Vũ khi hóa thân “kịch trong kịch” với ba trạng thái tâm lý rất khác nhau: Khi là một gã thanh niên trai trẻ biết yêu đương, trân trọng cái đẹp hay khi sẵn sàng “cặp đôi” với một người đồng tính, khi lại lọc lõi tinh quái với một người đàn bà má mì thủ đoạn.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi đánh giá: "Kịch bản “Búp bê” của Lê Hoàng rất khó dàn dựng, phải là một đạo diễn giỏi như Trần Lực mới tìm ra được chìa khóa cho vở diễn. Vở diễn rất mới khi khai thác thành công về một vấn đề khá nhạy cảm. Tính dự báo trong kịch rất tốt. Hoàn toàn không có ý định giáo dục đao to búa lớn nhưng khi xem lại có sức thuyết phục giáo dục rất cao”.

Thổi làn gió mới cho kịch

Chính thức ra mắt vào năm 2017, LucTeam đã trải qua một chặng đường 7 năm với nhiều thử thách. Là một trong số rất ít đoàn kịch tư nhân ở miền Bắc tiên phong trong việc thử nghiệm một loại hình nghệ thuật còn mới mẻ với khán giả là kịch ước lệ - biểu hiện, LucTeam đã dàn dựng và làm mới nhiều vở kịch, từ những vở kịch kinh điển trên sân khấu kịch Việt Nam một thời như: “Quẫn”, “Bạch đàn liễu” đến kịch phi lý phương Tây như “Nữ ca sĩ hói đầu”, hài kịch “Cơn ghen của Lọ lem”.

Một điểm độc đáo của kịch LucTeam là mỗi buổi diễn là một lần thăng hoa của cả êkíp, không buổi diễn nào giống nhau, mỗi buổi diễn là một màn sáng tạo đầy xuất thần. Và cũng chính bởi vậy những vở kịch ước lệ - biểu hiện này có thể trở đi trở lại trên sân khấu mà không mất đi vẻ tươi mới, chất phóng khoáng hồn nhiên đầy nội lực của một đoàn kịch trẻ.

Đạo diễn Trần Lực cho biết, sân khấu biểu hiện ước lệ của Phương Đông là hướng đi mà LucTeam đang theo đuổi. Triết lý của sân khấu Phương Đông là sự hồn nhiên và ngây thơ. Như sân khấu chèo, nhân vật cứ hồn nhiên đi một vòng; múa rối nước có chú tễu ngây ngô nhưng chính sự hồn nhiên, ngây thơ ấy làm cho khán giả được trở về với sự hồn nhiên, ngây thơ tiềm ẩn trong tâm hồn mình.

LucTeam từng rất thành công với vở “Quẫn”.

Mỗi vở diễn theo phương pháp ước lệ - biểu hiện thường hội tụ ba yếu tố: Câu chuyện đơn giản; bối cảnh sân khấu và đạo cụ tối giản; diễn viên có khả năng biểu đạt và tương tác cao. Với cách thức này, các vở kịch sẽ không phụ thuộc không gian diễn. Chúng vừa có thể được đưa lên những sân khấu lớn, trang trọng vừa có thể được diễn ở những sân khấu quy mô nhỏ, tối giản hay tại sân khấu ngoài trời. Phương pháp biểu hiện ước lệ chú trọng đến sự tương tác giữa diễn viên với khán giả, kéo người xem cùng tưởng tượng, hòa mình vào diễn biến vở kịch chứ không thụ động xem diễn viên diễn và chờ đợi cái kết.

Việc lựa chọn hướng đi này khiến cho kịch của LucTeam luôn sáng tạo. Với ngôn ngữ kể chuyện mới, đi sâu vào việc ước lệ, sân khấu LucTeam buộc khán giả phải chăm chú theo dõi thì mới có thể hiểu được nội dung vở kịch. Không cầu kỳ trong bài trí, trang phục, khán giả bị cuốn theo mạch chuyện và cảm thấy như đang được hòa mình vào không gian đó, cùng tưởng tượng và sáng tạo theo cảm nhận riêng của mỗi người. Đó chính là điểm khác biệt của LucTeam so với các sân khấu kịch truyền thống.

Tuy nhiên, để làm được như vậy, đạo diễn Trần Lực cùng các thành viên của LucTeam đã phải làm việc một cách nghiêm túc và hơn hết là dành trọn tình yêu với nghề để đi con đường này. Trong bối cảnh sân khấu truyền thống đang ít thu hút được khán giả bởi thiếu vắng những vở kịch mang hơi thở hiện đại, LucTeam chọn một hướng đi khác biệt với mong muốn lan tỏa kịch Việt Nam đến với nhiều người, xây dựng cho mọi người thói quen đi xem kịch và thu hút du khách nước ngoài.

Khá mạo hiểm khi đưa sân khấu đi theo một hướng mới, nhưng với đạo diễn Trần Lực nếu không sáng tạo và vận động theo xu hướng hiện nay, không hướng vào đối tượng khán giả của hôm nay thì sân khấu khó có thể tồn tại. Ông luôn quan niệm rằng, sân khấu không bao giờ chết, chỉ do những người làm sân khấu không thay đổi: “Đừng bắt khán giả thời nay xem theo sân khấu cũ. Không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới, kinh tế, công nghệ phát triển như vũ bão, khán giả muốn xem gì cũng có. Bây giờ với khán giả, sự giải trí đơn giản lắm, muốn cho sân khấu tồn tại thì sân khấu phải có sự khác biệt với những loại hình nghệ thuật khác như phim, ca nhạc, hội họa, games... Tại sao tôi thành lập LucTeam, bởi tôi thấy tính ước lệ ở sân khấu có sức hấp dẫn mà điện ảnh không bao giờ có được, đấy là nét riêng của sân khấu. Nhiều người nói sân khấu chết rồi, cũng đúng, nếu chúng ta cứ nằm ì, không chuyển động theo sự phát triển của xã hội đương đại”.

Với định hướng như vậy, LucTeam hiện đang làm tốt vai trò của mình là thổi làn gió mới cho sân khấu kịch truyền thống Việt Nam.

“Sẽ rất khó khăn nhưng tôi vẫn nói với học trò của mình rằng, chúng ta cứ làm đi, trời không phụ đâu. Bởi chúng ta đã làm cho đời sống sân khấu đa dạng, phong phú hơn. Có những giá trị mang lại cao hơn cả tiền bạc, đó là sự lan tỏa những điều mới mẻ trong cộng đồng. Các nhà hát bắt đầu có những thay đổi tích cực, khán giả của LucTeam có nhiều người mới, đặc biệt là khán giả trẻ. Thế là vui rồi”, đạo diễn Trần Lực hy vọng.

Bùng nổ với “Quẫn” gặt huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2016, tiếp tục làm khán giả ngạc nhiên với “Cơn ghen của Lọ Lem”, “Bạch đàn liễu”, “Nữ ca sĩ hói đầu”... và mới nhất là “Búp bê”, LucTeam - đoàn kịch của đạo diễn, diễn viên Trần Lực đã và đang đem lại niềm hy vọng mới cho sân khấu kịch nước nhà với phương thức kể mới ước lệ - biểu hiện hòa quyện hai yếu tố sân khấu phương Đông và kịch phương Tây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    LucTeam - Làm mới bằng sự khác biệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO