Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đến nay, nhiều lĩnh vực vận tải như taxi, xe khách và tàu hỏa đa giảm giá cước sau nhiều lần giá xăng, dầu giảm. Cụ thể, khoảng 63,98% các đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi sau khi kê khai tăng giá đa giảm hoặc đa thực hiện kê khai giảm giá (từ 800 đến 1.000 đồng/km) tương đương từ 4,5-12%; khoảng 44,6% đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng giảm khoảng 5,26-14,7%; các công ty cổ phần vận tải đường sắt đa thực hiện 2 đợt giảm giá: cước vận tải hàng hóa giảm là 5%; vận tải hành khách giảm 5-10%.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, từ đầu năm 2022, giá nhiên liệu liên tục tăng cao, một số doanh nghiệp (DN), đơn vị kinh doanh vận tải phải điều chỉnh tăng giá dịch vụ vận tải để bù đắp chi phí như: Tăng giá cước hành khách vận tải đường bộ, cước vận tải hàng hóa đường bộ tăng khoảng từ 10-20% tùy theo cung đường và loại hàng hóa; giá cước vận tải hàng hóa đường sắt điều chỉnh tăng từ 3-5% so với giá cước đã công bố từ đầu năm; giá vé trên các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo tăng từ 15-20% so với năm 2021.
Từ tháng 7 đến nay, giá nhiên liệu trong nước đã có 5 lần điều chỉnh giảm giá và 1 lần giữ nguyên mức giá, vì thế Bộ Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo các DN vận tải giảm giá cước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giá xăng dầu sau nhiều lần giảm đã xuống nhiều nhưng giá cước vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách vẫn neo cao, nhất là vận tải đường bộ. Lúc lên giá thì rất nhanh nhưng lúc xuống thì rất chậm, khiến người sử dụng phương tiện vận tải chịu thiệt thòi; từ đó cũng tác động tới việc neo giá của các loại hàng hóa khác.
Lấy ví dụ tại Hà Nội, khi giá xăng dầu đã giảm sâu nhưng vận tải vẫn “lừng khừng” giảm giá cước, vẫn "án binh bất động" ở nhiều loại hình như Grab, Be, Gojek, vận tải khách liên tỉnh... Lý giải, lãnh đạo Bến xe khách Giáp Bát cho biết do giá xăng tăng - giảm liên tục nên nhà xe chưa kịp hoàn tất xong thủ tục điều chỉnh giá cước theo quy định thì giá xăng lại thay đổi nên rất khó cho DN.
Như vậy, phải chăng điểm nghẽn chính là vấn đề thủ tục?
Xin được nhắc lại, trước đó vào thời điểm giữa tháng 3/2022, do ảnh hưởng của giá xăng dầu, 15 DN vận tải taxi và 13 DN vận tải khách tuyến cố định hoạt động tại các bến xe ở Hà Nội đã nhanh chóng gửi thông báo đăng ký lại giá cước tới cơ quan chức năng. Đối với DN vận tải hành khách tuyến cố định, DN tăng giá thấp nhất là 11,11% và cao nhất là 22,22%.
Mới đây nhất, chiều ngày 7/9, với dịch vụ xe Limousine khá “hot”, khi hành khách đặt xe Hà Nội - Thanh Hóa, được báo giá 270.000 đồng/khách/lượt đối với ghế hạng A; 240.000 đồng/khách/lượt đối với ghế hạng B. Như vậy, giá này vẫn được giữ nguyên ở mức cao khi tăng giá vào khoảng tháng 6.
Dư luận cho rằng, qua các đợt xăng dầu tăng giá, nhiều DN đã "té nước theo mưa" nhất loạt tăng giá cước. Hiện giá xăng dầu giảm hơn 20% thì việc DN chần chừ chưa thực hiện giảm giá cước là điều khó có thể chấp nhận.
Trở lại với việc DN vận tải “lừng khừng” giảm giá cước, theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trong các chi phí đầu vào, các DN dự báo giá nhiên liệu trên thị trường trung bình trong thời gian 3 hay 6 tháng. Do đó, DN không thể căn cứ vào giá xăng dầu trong kỳ điều hành 10 ngày để điều chỉnh giá cước. Bên cạnh đó, giá cước của mỗi DN được xây dựng trên cơ sở các chi phí đầu vào của giá thành vận tải, phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ phụ thuộc vào chi phí xăng dầu. Còn theo ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội thì mỗi lần điều chỉnh giá cước, các hãng taxi tốn khoảng 150.000 đồng/xe cho các chi phí như kiểm định lại đồng hồ và trang bị bộ dán giá cước mới... Chi phí lớn, mỗi lần đề xuất tăng/giảm giá cước mất nhiều thời gian nên cần có độ trễ sau các đợt tăng/giảm giá xăng dầu.
Đó là ý kiến đại diện quyền lợi cho các DN vận tải. Còn ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước thì sao?
Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, nếu cung phương tiện ít nhưng nhu cầu vận tải lớn, thì dù ra sức kêu gọi và áp dụng mệnh lệnh hành chính cũng chỉ đem lại tác dụng nhất định. Quan trọng là cung đủ cầu, lúc đó, thị trường tự điều tiết. Còn trong điều kiện bình thường thì phải áp dụng tốt Luật Giá và Luật Cạnh tranh, cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm.
Ở đây, chưa bình luận đúng - sai về ý kiến của ông Vụ trưởng Vụ Vận tải. Nhưng phải nói ngay rằng trong bối cảnh giá xăng dầu đã giảm mạnh thì không lý gì DN vận tải không giảm giá cước. Sau mấy tháng giá xăng dầu đi xuống mà chỉ “kê khai giảm giá cước” thôi là chưa đủ, vì đó chính là việc níu giữ lợi ích cục bộ, không vì lợi ích chung của xã hội. Mà như vậy rất cần được cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng áp dụng biện pháp chế tài, xử phạt và công khai “danh tính” của những DN vận tải đó, như một sự răn đe chung.