2 môn học tích hợp trong chương trình lớp 6 năm học 2021-2022 gồm: Lịch sử - Địa lý (tích hợp từ 2 môn Lịch sử và Địa lý) và môn Khoa học tự nhiên (tích hợp từ 3 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học).
Chương trình được xây dựng theo hướng mở, giúp giảm tải một lượng kiến thức bị trùng lặp ở từng môn đơn lẻ nên sẽ có lợi cho học sinh nhưng lại là thách thức không nhỏ đối với giáo viên.
Một môn học 3 giáo viên dạy, 3 vở ghi
Chị Nguyễn Ngọc Khuê (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con đang học lớp 6 cho biết: Trong tháng đầu tiên con học trực tuyến, chị luôn dành thời gian theo dõi vì lo môi trường mới, môn học mới sẽ khiến con bỡ ngỡ. Đặc biệt là môn học tích hợp lần đầu tiên được giảng dạy trong chương trình liệu có gây quá tải cho học sinh? Nhưng bất ngờ là không có gì thay đổi so với con gái lớn của chị Khuê đã học trước đó khi năm nay, vẫn 3 thầy cô giáo đó dạy, vẫn ghi vào 3 quyển vở khác nhau.
Trên thực tế, một giáo viên dạy môn Vật lý tại một trường THCS ở Hải Dương cho biết hiện trường cô vẫn đang phân công cho 3 giáo viên khác nhau đảm nhận môn Khoa học tự nhiên lớp 6. Đến bài học thuộc phần kiến thức của phân môn nào thì người đó dạy. Các chuyên đề tích hợp thì nhóm/tổ giáo viên vẫn đang bàn bạc với nhau để cùng thiết kế, thống nhất bài giảng. Theo đó, chủ đề nghiêng về môn nào thì do giáo viên môn đó dạy, các giáo viên khác hỗ trợ. Sau đó, các giáo viên sẽ vừa dạy vừa rút kinh nghiệm từ thực tiễn để đề xuất nhà trường tìm ra phương pháp dạy môn tích hợp hiệu quả nhất.
Giải pháp nhiều giáo viên dạy môn tích hợp hiện đang là lựa chọn của phần đông các trường và cũng là cách sắp xếp hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại, khi các giáo viên dạy đơn môn chưa kịp học thêm hay bồi dưỡng thêm về dạy tích hợp.
Đánh giá học sinh thế nào?
Một vấn đề lớn đặt ra là với việc kiểm tra định kỳ với học sinh sẽ tiến hành ra sao? Theo quy định, ở các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ chỉ có duy nhất 1 bài kiểm tra giữa kỳ, 1 bài kiểm tra cuối kỳ do 2, 3 giáo viên phân môn cùng ra đề, cùng chấm điểm. Vậy giáo viên nào sẽ vào điểm phần mềm, sổ cá nhân, học bạ, ai sẽ là người nhận xét học sinh…?
Nhìn lại bài thi tốt nghiệp môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng có 3 điểm thành phần riêng dù thi chung một buổi. Sau đó, các thí sinh chọn điểm thành phần theo khối thi mình xác định đăng ký xét tuyển vào đại học thay vì lấy điểm trung bình của cả 3 bài thi để xét tuyển…
Từ thực tế này để thấy khi dạy 2, 3 phân môn đồng thời, nhưng chỉ có một điểm tổng hợp, do một người nhận xét thì có những bất hợp lý, gây lúng túng cho giáo viên khi triển khai trong thực tế. Bởi khi nhận xét, giáo viên Vật lý không thể nhận xét học sinh “phân môn” Hóa học, Sinh học…