Trong vòng 18 tháng, Hải Phòng đã liên tiếp điều chuyển quyền thu phí hạ tầng cảng biển từ UBND quận Hải An về Sở Tài chính rồi lại chuyển sang Sở Giao thông vận tải. Điều này thể hiện sự lúng túng của thành phố Hải Phòng trong việc triển khai khoản thu trị giá hàng ngàn tỷ đồng/năm này.
Liên tục điều chuyển cơ quan thu phí
Thực hiện Luật Phí và lệ phí, ngày 13/12/2016, HĐND TP Hải Phòng có Nghị quyết 148/2016 về việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công công trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển). Theo Nghị quyết HĐND thành phố, việc thu phí hạ tầng cảng biển được giao cho UBND quận Hải An thực hiện. Quận Hải An được trích lại không quá 10% số phí thu được để phục vụ công tác thu phí.
Năm 2017, UBND quận Hải An thu được 1.530 tỷ đồng, năm 2018 thu được 1.538 tỷ đồng. Đến tháng 11/2019, UBND TP Hải Phòng có quyết định điều chuyển nhiệm vụ thu phí hạ tầng cảng biển từ UBND quận Hải An sang Sở Tài chính thực hiện. Năm này, số thu phí hạ tầng cảng biển tụt xuống, chỉ đạt hơn 1.278 tỷ đồng.
Một lãnh đạo quận Hải An đặt vấn đề, theo Luật Phí và lệ phí, theo quy định của HĐND TP Hải Phòng, đơn vị trực tiếp thu phí hạ tầng cảng biển (UBND quận Hải An) được trích, để lại tỷ lệ % số phí thu được để trang trải, hỗ trợ hoạt động thu phí.
Sở Tài Chính là cơ quan quản lý nhà nước, nhân viên thu phí là công chức của Sở Tài chính, hưởng lương từ ngân sách nên Hải Phòng không thể trích, để lại tỷ lệ số phí thu được để “bồi dưỡng” cho số công chức này được. Nếu những công chức này hưởng “bồi dưỡng” hay một khoản phụ cấp nào đó từ khoản thu phí cũng chưa phù hợp quy định pháp luật.
Nguy cơ thất thoát ngân sách
Như Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, từ năm 2020, sau khi chuyển việc thu phí hạ tầng cảng biển từ UBND quận Hải An sang Sở Tài chính, mặc dù lượng hàng hóa thông qua cảng tăng tới 64,78% (so với năm 2017, đầu thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển) nhưng ngược lại, số phí hạ tầng cảng biển được Sở Tài chính thu được trong các năm 2019, năm 2020 chỉ dao động 1.200 tỷ đồng/năm.
Năm 2021, trong quyết định giao thu ngân sách, số phí hạ tầng cảng biển cũng xác định chỉ thu 1.200 tỷ đồng, thấp hơn 300 tỷ đồng so với những năm đầu thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển trong khi lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Hải Phòng tăng gần gấp hai lần.
Theo một lãnh đạo UBND quận Hải An, trước đây, để đấu tranh chống thất thu phí, hàng ngày, quận Hải An phải cử nhân viên giám sát cùng với lực lượng hải quan khi doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu để đối chiếu lượng hàng hóa thực xuất, thực nhập đảm bảo thu đúng, thu đủ các khoản phí này.
Trên thực tế, nhiều chủ hàng sẵn sàng trốn không nộp khoản phí này để giảm bớt chi phí. Khi chuyển nhiệm vụ thu phí cảng biển sang Sở Tài chính do nguồn nhân lực chủ yếu là kiêm nhiệm nên không thể giám sát chặt chẽ dẫn đến việc thất thu khoản phí này vào ngân sách nhà nước.
Sau khi tiếp quản quyền thu phí được hơn 1 năm, Sở Tài chính lại đề xuất UBND TP Hải Phòng chuyển quyền thu phí cảng biển về cho Sở Giao thông vận tải (GTVT). Tuy nhiên, giống như Sở Tài chính, Sở GTVT cũng là cơ quan chuyên môn, có chức năng tham mưu, giúp UBND TP Hải Phòng quản lý nhà nước về lĩnh vực GTVT.
Sở GTVT không phải đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị có chức năng thu phí như quy định tại Luật Phí và lệ phí. Như vậy, việc UBND TP Hải Phòng có chủ trương giao cho Sở GTVT thu phí hạ tầng cảng biển cũng chưa phù hợp quy định Luật Phí và lệ phí.
Để giải quyết vấn đề này, Sở GTVT sẽ giao Cảng vụ đường thủy nội địa Hải Phòng, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GTVT thực hiện thu phí cảng biển. Thế nhưng theo quyết định phân bổ biên chế, số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của Hải Phòng, Cảng vụ đường thủy nội địa Hải Phòng chỉ được Bộ Nội vụ phê chuẩn danh sách định biên 25 lao động.
Hiện nay, số lao động này vẫn đang hàng ngày đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn Hải Phòng. Do vậy, việc thu phí hạ tầng cảng biển của Hải Phòng lại đứng trước thách thức không có nhân lực chuyên trách thực hiện thu phí, khó đạt được mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, từ những năm trước, khi được giao thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển, UBND quận Hải An đã kiện toàn bộ máy, thực hiện đề án xây dựng đơn vị sự nghiệp công lập thu phí theo Luật Phí và lệ phí.
Như vậy, trải qua gần 5 năm thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển, mỗi năm thu hơn nghìn tỷ đồng nhưng TP Hải Phòng lúng túng trong việc giao nhiệm vụ cho đơn vị triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Phí và lệ phí.
Đây không phải lần đầu tiên Hải Phòng “lúng túng” trong việc thiết lập các đơn vị mới, thực hiện nhiệm vụ mới. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có quyết định cho Hải Phòng thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư làm nhiệm vụ xúc tiến đầu tư.
Tuy nhiên, theo xác định của cơ quan chức năng, Hải Phòng đã thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư có chức năng, nhiệm vụ của đơn vị hành chính, không đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bởi vậy, sau ít năm hoạt động, Hải Phòng phải giải thể Trung tâm Xúc tiến Đầu tư.