Tám tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 7,8 triệu lượt, tương đương 98% kế hoạch cả năm 2023. Điều này cho thấy chính sách xúc tiến du lịch đã và đang có nhiều thay đổi tích cực.
Theo báo cáo tình hình khách du lịch của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL), số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 8/2023 đạt hơn 1,2 triệu lượt khách, tăng 17,2% so với tháng 7/2023.
Các thị trường khách quốc tế lớn nhất gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Úc, Malaysia.
Thị trường có lượng khách tăng so với tháng 7/2023 là: Tây Ban Nha (tăng 156%), Italy (tăng 156%), Hà Lan (tăng 103%), Nhật (tăng 54%), Pháp (tăng 47%), Hàn Quốc (tăng 35%), Thái Lan (tăng 31%), Anh (tăng 28%), Đức (tăng 27%), Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 25%.
Lượng khách du lịch nội địa tháng 8/2023 ước đạt 9,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 6,3 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 482,4 nghìn tỷ đồng.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 7,8 triệu lượt, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái và bằng gần 70% so với thời điểm trước dịch. Như vậy, Việt Nam gần như đã hoàn thành mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023.
Nói về số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng cao trong 8 tháng đầu năm, ông Mai Hoàng, Giám đốc Vietking Travel cho rằng, từ tháng 10 là mùa “nở rộ” khách du lịch quốc tế. Việc khách du lịch tăng cao trong 8 tháng qua cho thấy chính sách thu hút đối tượng khách quốc tế đầu năm đã và đang mang lại hiệu quả.
“Từ đầu năm các doanh nghiệp đã có chiến lược quảng bá, giới thiệu bài bản về một điểm đến an toàn, hấp dẫn sau dịch Covid-19. Các chính sách từ Tổng Cục Du lịch cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp thu hút du khách nước ngoài”, ông Mai Hoàng nói.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh ngay trong thời gian thấp điểm là nhờ loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch. Điển hình là Chính phủ đã ban hành thêm Nghị quyết 82 về giải pháp thúc đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch bền vững vào tháng 5.
Về phía Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng xây dựng chiến lược marketing du lịch cho đến năm 2030. Trước mắt, sẽ tập trung toàn lực vào công tác xúc tiến truyền thông đến các thị trường mục tiêu; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài, đón các đoàn Farmtrip, Presstrip quốc tế; quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế... Cục Du lịch quốc gia cũng chú trọng xây dựng và phát huy hiệu quả các kênh truyền thông số như website, nền tảng mạng xã hội, ứng dụng du lịch thông minh...
Cả năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế. Tính chung 8 tháng năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 7,83 triệu lượt người, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69,2% so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa xảy ra dịch Covid-19.
Dự báo lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh vì cuối năm là mùa cao điểm khách quốc tế, cộng thêm tác động tích cực từ các chính sách visa thông thoáng đã có hiệu lực từ ngày 15/8 vừa qua. Các thị trường khách được miễn visa như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy... vẫn đang có tốc độ tăng trưởng cao. So với tháng trước, trong tháng 8/2023, lượng khách Tây Ban Nha đến Việt Nam đã tăng 156,4%, lượng khách Italy tăng 155,8%, khách Pháp tăng 46,9%.
Đánh giá về con số trong báo cáo của Tổng Cục Du lịch cũng như nhìn nhận về sự phát triển của ngành Du lịch tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch cho rằng, đây là con số đáng tin cậy.
“Do khách quốc tế đến Việt Nam được thống kê qua cửa khẩu nên con số đảm bảo về độ tin cậy. Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, con số trên không riêng khách du lịch mà bao gồm khách quốc tế đến Việt Nam với . Họ đến Việt Nam có thể đi du lịch, đầu tư, đi làm hoặc đi học…”, TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, hiệu quả từ việc xúc tiến thu hút khách quốc tế tại Việt Nam là thấp, nếu không có sự điều chỉnh, thay đổi. Sau thời kỳ Covid-19, kinh tế các nước phục hồi dần, việc các nước, các nhà đầu tư vào Việt Nam tăng. Kèm theo đó, công nhân quốc tế, sinh viên quốc tế… cũng đến Việt Nam để tiếp tục học tập.
Không phủ nhận việc khách du lịch đến Việt Nam tăng nhưng TS. Nguyễn Anh Tuấn nhận định, đà đẩy tăng lên nhờ sự phục hồi sau dịch, đi kèm với dư âm của visa Việt Nam.
Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch cho rằng muốn giữ vững đà tăng trưởng của khách du lịch như 8 tháng đầu năm cần thiết phải hoàn thiện chính sách visa. “Có lẽ nên nghiên cứu mở rộng các thị trường đơn phương, visa điện tử cũng nên đi vào thực chất để mang lại hiệu quả. Đồng thời, phải kết hợp với việc đẩy mạnh, thay đổi phương thức xúc tiến, quảng bá. Phụ thuộc vào đặc điểm của thị trường để thay đổi cho phù hợp. Những điểm trên nếu có thể khắc phục tốt, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ được duy trì và tăng trưởng ở tương lai", TS. Anh Tuấn nhấn mạnh.