Cuộc tranh luận giữa một bên là VCCI (đại diện cho người sử dụng lao động) và Tổng LĐLĐ Việt Nam (đại diện cho người lao động) diễn ra tại cuộc họp của Hội đồng tiền lương quốc gia ngày 5/8 đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận. Trải qua nhiều cuộc họp nhưng chưa khi nào cuộc họp của Hội đồng tiền lương quốc gia diễn ra trong không khí ôn hòa, bởi việc tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề tăng lương tối thiểu vùng vẫn chưa thoát được vòng luẩn quẩn.
Mức lương hiện nay chưa đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Ảnh:Hoàng long
Tiếp tục tranh luận
TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn: Doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người lao động GDP tăng trưởng cao hơn, kinh tế phục hồi hơn, đời sống kinh tế - xã hội đất nước đã sáng hơn, đây là thực tế ai cũng nhận thấy, nên không thể viện lý do kinh tế còn khó khăn để trì hoãn việc tăng lương cho NLĐ. Doanh nghiệp luôn đòi hỏi năng suất lao động phải cao, nhưng thử hỏi với mức lương chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu, liệu năng suất có tăng?Trả lương và đóng BHXH là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với NLĐ và đây cũng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với NLĐ. |
Là cuộc họp kín nhưng ngay từ sáng, phóng viên báo đài đã có mặt khá đông, điều này cho thấy vấn đề tăng lương rất được quan tâm. Dù chỉ được tiếp cận các thành viên trong giờ giải lao song qua cách trao đổi giữa hai bên (VCCI và Tổng LĐLĐ Việt Nam) cũng đủ thấy việc tranh luận khá nóng.
“Hiện lương tối thiểu của người lao động (NLĐ) mới đáp ứng được hơn 75% đời sống tối thiểu, vì vậy chúng tôi kiên định đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm nay phải tăng 550.000 đồng/ người/ tháng (vùng 1) so với năm 2015 và 310.000 đồng/người/ tháng (vùng 4). Chỉ với mức tăng này thì đến năm 2016 lương tối thiểu sẽ đáp ứng được khoảng 89% mức sống tối thiểu của NLĐ và đến năm 2017 tăng thêm 11% còn lại. Không thể viện lý do để kéo hay lùi lộ trình tăng lương hơn nữa” - ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nói.
Cũng theo ông Chính tại buổi họp với Hội đồng, Tổng Liên đoàn đã chính thức đề xuất mức tăng phải trên 16%. Cụ thể tăng lương tối thiểu từ 350 đến 550 ngàn đồng (tương ứng với vùng 4 và vùng 1), tương ứng với mức tăng khoảng 16% so với năm 2015.
Thừa nhận việc kinh tế có dấu hiệu hồi phục, song đại diện VCCI cho rằng, doanh nghiệp có tồn tại được thì NLĐ mới tồn tại. Vì vậy mức tăng năm 2016 chỉ nên dao động ở mức 6-7 % .
“Chúng tôi đồng ý về chủ trương tăng lương, nhưng cần phải có lộ trình. Qua khảo sát thực tế, nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn. Hơn 70% DN kinh doanh không có lãi. Vậy, vấn đề tăng lương đối với họ là một gánh nặng lớn. Trước đó, chúng tôi đưa ra mức tăng là 10%, nhưng sau khi tổng hợp, trao đổi, tính toán kỹ, chúng tôi thấy mức 6% là hợp lý”- ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nói.
Chưa chốt được vì bất đồng quan điểm
Với vai trò Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, đại diện Bộ LĐTB&XH cố gắng dung hòa phương án giữa 2 bên, qua đó tìm một giải pháp đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động. Theo đó, Bộ LĐTB&XH đang gợi ý phương án tăng lương tối thiểu vùng 2016 ở mức 15% so với năm 2015.
Tuy nhiên, sau một ngày làm việc căng thẳng trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết: “Cuộc họp tạm dừng chưa thể chốt phương án cuối cùng do chưa tìm được sự thống nhất giữa VCCI và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Hai tuần nữa Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ tiếp tục họp và đi đến thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2016”.
Được biết, trước khi cuộc họp này diễn ra, cả Tổng LĐLĐVN lẫn VCCI đều có những cuộc khảo sát để đưa ra mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.
Cụ thể theo khảo sát của Tổng LĐLĐVN tại 60 doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp FDI có hạch toán từ công ty mẹ ở nước ngoài) đều cho rằng việc tăng mức tiền lương tối thiểu không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh và sẽ chấp hành nghiêm khi Nhà nước công bố mức lương tối thiểu của năm 2016. Vì vậy, TLĐLĐ VN đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2016 từ 350.000-550.000 đồng.
Trái với khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đại diện VCCI cho rằng, hiện các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về các nguồn chi như BHXH, chi phí sản xuất… Vì thế tăng lương như đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp.
Người lao động hồi hộp đợi phương án tăng lương tối thiểu vùng 2016. Ảnh: Hồng Kiều.
Để có một kết quả khảo sát chính xác để “đo” độ chính xác khảo sát của bên nào đúng là rất khó. Thế nhưng có một sự thật không thể phủ nhận đó là, với đồng lương hiện nay thì việc NLĐ sống được bằng lương là vẫn chỉ là…giấc mơ.
Trước đó, trong buổi trao đổi với phóng viên Báo Đại đoàn kết xung quanh vấn đề làm sao để tăng năng suất lao động Việt Nam có thể đáp ứng khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thiết lập, người đứng đầu Bộ LĐTB&XH cũng khẳng định rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh chất lượng đào tạo thì việc đảm bảo mức sống của NLĐ đóng vai trò rất quan trọng.