Ngày 28/7, Phiên họp lần 2 của Hội đồng tiền lương Quốc gia chính thức được bắt đầu tại khách sạn Công đoàn, Hà Nội. Lại là họp kín, báo chí tiếp tục không được tham dự.
Quang cảnh cuộc họp.
Trao đổi với báo chí sau giờ giải lao Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) khẳng định, phía Tổng LĐLĐ Việt Nam kiên quyết giữ quan điểm phải tăng lương tối thiểu vùng lên 13,3%.
"Tất cả con số về kinh tế - xã hội của 6 tháng đầu năm đều sáng sủa hơn năm 2016. Vì vậy không có lý gì mức tăng lương tối thiểu vùng thấp hơn năm 2017. Nếu điều đó xảy ra, công đoàn sẽ không chấp nhận. Để đáp ứng lộ trình lương tối thiểu, đáp ứng mức sống của năm 2018, thì mức tăng phải là 13,3%. Nếu kéo dài lộ trình thì mức tăng phải là 10%” - ông Mai Đức Chính nói.
Cũng theo đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam tại cuộc họp, điều quan trọng là Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần xác định khi nào kết thúc lộ trình tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Còn nếu một bên xác định còn một bên không thì chắc chắn sẽ vênh nhau.
“Trong đàm phán, thương lượng, chắc chắn phải có bên lên, bên xuống, không thể giữ nguyên quan điểm cứng nhắc của mình. "Nhưng chúng tôi khẳng định, mức tăng 5% như phía Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra là không thể chấp nhận được. Bởi thực ra, nếu tăng ở mức 5% thì coi như không tăng, mà mới chỉ bù trượt giá. Như vậy không thể chấp nhận được” – ông Chính nhấn mạnh.
Đại diện cho người sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, mức đề xuất sẽ không cao hơn 5 %. “Chúng tôi xác định tinh thần xây dựng và trên cơ sở đánh giá của trên 30 Hiệp hội đại diện cho giới sử dụng lao động. Quan điểm của chúng tôi là việc tăng lương tối thiểu trong bối cảnh hiện tại sẽ ảnh hưởng tới chi phí sản xuất doanh nghiệp sẽ cao lên. Chúng tôi kỳ vọng Hội đồng sẽ có mức đề xuất phù hợp, đảm bảo sức chi trả của doanh nghiệp, qua đó tạo nguồn việc làm bền vững” ông Phòng nói.