Luồng xanh cho du lịch cất cánh

Minh Quân 12/03/2022 08:26

Ngày 15/3, ngành du lịch sẽ chính thức mở cửa trở lại. Đây vừa là cơ hội và cũng là những thách thức cho các công ty du lịch, lữ hành trong việc thích ứng trong điều kiện bình thường mới. Nhằm chuẩn bị cho việc “tái khởi động”, ngày 11/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh”.

Du khách nước ngoài tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh

Thích ứng linh hoạt

Phát biểu tại diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh bày tỏ, dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát, đây sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới. Tuy nhiên để tạo “luồng xanh” cho du lịch Việt Nam, theo ông Khánh có 8 vấn đề cần được xác định. Đó là vấn đề đảm bảo an toàn phòng chống dịch, khi tại Việt Nam đang có sự chênh lệch độ bao phủ vaccine giữa một số địa phương, cũng như còn có sự chưa thống nhất về quy trình và quy định kiểm soát an toàn, cách ly giữa một vài địa phương. Bên cạnh đó, dù Việt Nam đã dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ 15/2/2022. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để các hãng hàng không phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với khách nhập cảnh.

Cũng theo Tổng cục trưởng Du lịch, để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thì cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế đến chính sách đơn phương, song phương miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường nguồn tiềm năng của du lịch Việt Nam như thời điểm trước dịch Covid-19. Ngoài ra, về vấn đề công nhận hộ chiếu vaccine, hiện nay, chưa có nhiều quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam cho nên hoạt động du lịch đưa người Việt Nam du lịch nước ngoài sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, ông Khánh cũng đề cập đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; vấn đề cạnh tranh điểm đến, bằng nhiều chính sách hỗ trợ ngành du lịch; vấn đề xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách, khi du lịch thế giới phục hồi; vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, sau hai năm chịu tác động nặng nề do đại dịch Covid-19.

Dưới góc độ y tế, chia sẻ tại diễn đàn PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, ngành du lịch liên quan tới nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường khác nhau. Đồng thời tiếp xúc nhiều nhóm người lạ, do đó, chính sách phòng bệnh đặc thù cũng cần áp dụng linh hoạt. Cần mở cửa đồng bộ nhưng phòng bệnh cũng phải đồng bộ. Chỉ đạo hướng dẫn đồng bộ nếu mỗi địa phương làm một kiểu du khách không biết thực hiện như thế nào. Bên cạnh đó, khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm.

Ông Phu cũng bày tỏ, cần sự phối hợp giữa quản lý tour, địa phương, quản lý địa điểm du lịch, y tế, chính quyền địa phương. Cần có hướng dẫn chung toàn ngành, toàn quốc, tránh mỗi nơi làm một kiểu.

Du khách quốc tế ngắm cảnh Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Trần Thường

Khơi thông dòng chảy

Cũng tại diễn đàn, cùng với các phương án nhằm chuẩn bị cho ngày mở cửa ngành du lịch, rất nhiều đại biểu cũng băn khoăn về các cơ chế chính sách trong việc hỗ trợ, phục hồi cho các doanh nghiệp, cũng như các điểm đến.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ, mở cửa cho ngành du lịch ngày 15/3 thực chất là mở cửa cho toàn ngành kinh tế. “Chúng tôi không đòi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ thêm cho ngành du lịch, mà chỉ mong muốn chúng ta khôi phục lại những gì đã có trước năm 2020. Cũng xin nhắc lại những chính sách đã ban hành cần phải dễ hiểu, dễ thực hiện và mong rằng những quy định đó nên đơn giản, để các doanh nghiệp có thể thực hiện được. Đồng thời, những ban hành chính sách của chúng ta cũng tương đồng với các nước khác đặc biệt là những nước đang phát triển du lịch” - ông Bình nói. Cũng tại diễn đàn, các đại biểu cũng bày tỏ việc mở cửa ngành du lịch nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn. Việc mở cửa phải đảm bảo việc phát triển bền vững chứ không vội vàng đến mức sẵn sàng mở “toang” tất cả.

Theo bà Trần Thị Lan Anh- Tổng Thư ký VCCI, con đường dẫn tới sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đối với doanh nghiệp, việc được quan tâm nhất lúc này là mở cửa như thế nào để vừa không làm du khách ngại ngần vì thêm các thủ tục, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, nhất là Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc trong năm nay.

Còn theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, du lịch Việt Nam hơn lúc nào hết cần được các bộ ngành ủng hộ, các địa phương phối hợp cùng doanh nghiệp du lịch nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Hội đồng Tư vấn du lịch đã trình Chính phủ đề xuất các quy định y tế cần phải đơn giản nhất đến mức có thể. Theo giới chuyên gia, trong điều kiện bình thường mới như hiện nay, với việc du khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cùng việc người dân trong nước đã được tiêm phủ vaccine thì hoàn toàn có thể để đón khách du lịch. Cần mở cửa du lịch một cách thông thoáng, từ đó là bước tạo đà cho ngành du lịch phục hồi và phát triển. Để hoạt động du lịch được diễn ra một cách bình thường. Các bộ ngành, địa phương cần sớm thống nhất tạo điều kiện thay vì việc đưa ra những quyết định như những rào cản.

P.S

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luồng xanh cho du lịch cất cánh